“Kích hoạt” du lịch văn hóa - tâm linh tại kinh đô xưa
“Hạ Mỗ xưa là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân, hiện được quy hoạch thành khu đô thị S1 của Hà Nội, quỹ đất nhỏ nhưng với bề dày lịch sử - văn hóa, địa phương có thể phát triển du lịch tâm linh, du lịch trải nghiệm”, bà Đinh Thị Ngân, Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng, Thành phố Hà Nội) chia sẻ với Phóng viên Tạp chí Người Hà Nội.
Giá trị di tích lịch sử văn hóa trên kinh đô xưa
Năm 2020, Hạ Mỗ là một trong hai địa phương của huyện Đan Phượng được Thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch. Thực tế, Hạ Mỗ có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa. Trước hết đây là một vùng đất cổ, nơi “sơn cùng thủy tận” tại châu thổ Ô Diên đã có từ giai đoạn Phùng Nguyên cách ngày nay khoảng 3.500 đến 4.000 năm. Từ thế kỷ thứ VI, Hạ Mỗ đã đi vào lịch sử với tư cách là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân (571- 602). Địa phương có đền Văn Hiến, chùa Hải Giác, đình Vạn Xuân, miếu Hàm Rồng, đền Tri Chỉ, đền Chính Khí, chùa Báo Ân,... nổi tiếng khắp cả nước. Trong đó đền Văn Hiến, chùa Hải Giác và đình Vạn Xuân được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia từ năm 1991.
Đặt chân tới chùa Hải Giác, chúng tôi cảm nhận được sự linh thiêng, bề dày lịch sử và các giá trị văn hóa đặc sắc của ngôi chùa này đã, đang lưu giữ, lan tỏa trong đời sống hiện đại. Chùa ra đời từ thế kỷ thứ VI khi Hạ Mỗ là kinh đô của nhà nước Vạn Xuân một thuở. Được tu bổ, tôn tạo bởi tác động của thiên nhiên cũng như đi qua hai cuộc chiến vệ quốc của đất nước, chùa Hải Giác hiện còn lưu giữ được nét văn hóa lịch sử đặc sắc. Chùa Hải Giác được quy hoạch trên mặt bằng kiến trúc của ngôi chùa thời Lê là Tiền đường, Thượng điện cùng dãy hành lang bao quanh. Chùa có giếng nước dựng lầu Quan Âm, vườn Tháp, vườn cây xanh tạo nên không gian tĩnh mịch cửa thiền, cho thấy sự hài hòa giữa kiến trúc với môi trường tự nhiên, tạo nét gần gũi với cuộc sống con người.
Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ Đinh Thị Ngân chia sẻ, chùa Hải Giác trước kia là ngôi chùa rất lớn của trấn Sơn Tây xứ Đoài, hiện đang lưu giữ trên 200 pho tượng lớn nhỏ có giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt trong chùa có hai dãy tượng thổ 18 vị La Hán, cùng bát bộ kim cương và hai ngài hộ pháp với tuổi đời hàng trăm năm. “Chùa còn có cửa thoát tục hai bên, cùng mô hình các tượng thổ nhằm giáo dục người dân khi đến chùa hành lễ, tham quan hiểu về luật nhân quả. Chùa Hải Giác cũng đang lưu giữ một số bia cổ từ thời nhà Lê rất có giá trị”, bà Đinh Thị Ngân thông tin thêm.
Cách chùa Hải Giác không xa là Di tích đền Văn Hiến, nơi thờ Thái úy Tô Hiến Thành và quan nghề Đỗ Trí Trung - hai vị đại hiền của làng Hạ Mỗ xưa. “Tô Hiến Thành là nhà chính trị tài năng, văn võ song toàn, một vị quan thanh liêm, công minh, chính trực nổi tiếng thời Lý. Ngài đã có công chống giặc ngoại xâm, củng cố triều đình, xây dựng nhà nước vững mạnh. Vai trò nào ông cũng hoàn thành xuất sắc, được nhân dân ca ngợi về tấm lòng vì dân, vì nước”, bà Đinh Thị Ngân chia sẻ.
Đền Văn Hiến nằm trên khu đất cao đầu làng Hạ Mỗ, bên hữu ngạn sông Nhuệ cổ vừa nên thơ và vừa có nét cổ kính. Đặc biệt, đền Văn Hiến hiện lưu giữ được nhiều di vật quý như thần phả, hoành phi, câu đối, bia đá, tượng gỗ, đồ sứ, đồ đồng... Đáng kể nhất là bộ “Bia Khoa tràng” ghi tên người làng đỗ đạt trong các khoa thi và bộ mộc bản in bộ sách “Cổ kim truyền lục” với trên 500 bài văn thơ do người làng sáng tác và in ấn vào đầu thế kỷ XX. Tất cả những tư liệu này chính là “kho báu văn hóa” của địa phương nói riêng, đồng thời là tư liệu minh chứng cho truyền thống văn hiến của mảnh đất Ô Diên xưa.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hạ Mỗ, các di tích chùa Hải Giác, đền Văn Hiến… thời gian qua trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài thành phố. Không tính hai năm ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu, từ đầu năm 2023 đến nay có khoảng hơn 20.000 lượt người đến đền Văn Hiến, chùa Hải Giác trải nghiệm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh. Đặc biệt, hầu hết các trường từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông trên địa bàn huyện Đan Phượng đã đưa học sinh về đền Văn Hiến làm lễ báo công, cho các em học sinh trải nghiệm, tham gia hoạt động giáo dục di sản. Những hoạt động này không những khơi dậy truyền thống hiếu học, tinh thần yêu quê hương đất nước cho thế hệ trẻ, mà còn là nền tảng thúc đẩy du lịch văn hóa, du lịch tâm linh địa phương phát triển. Những giá trị lịch sử tiêu biểu của các di tích chính là yếu tố đã níu chân du khách đến tham quan và khám phá vùng đất Ô Diên xưa, Hạ Mỗ bây giờ.
Để du lịch văn hóa, du lịch tâm linh được “kích hoạt”
Theo bà Đinh Thị Ngân, giá trị văn hóa lịch sử của Hạ Mỗ rất lớn, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch tâm linh, các hoạt động về nguồn nhưng để khai thác là chuyện không dễ.
Theo “Kế hoạch phát triển điểm đến du lịch Hạ Mỗ năm 2023” của UBND xã Hạ Mỗ, địa phương tập trung triển khai các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng tại các điểm du lịch trọng điểm gồm đền Văn Hiến, đình Vạn Xuân, chùa Hải Giác, miếu Hàm Rồng. Tổ chức lắp đặt bộ đếm khách du lịch tại các khu di tích, xây dựng hệ thống bảng, biển chỉ dẫn, hòm thư góp ý tại điểm đến. UBND xã Hạ Mỗ cũng thành lập các tổ dịch vụ hậu cần, hướng dẫn viên, tổ chức sự kiện, vệ sinh, bảo vệ; thúc đẩy hợp tác công - tư với các hình thức “Lãnh đạo công - quản trị tư”, “Đầu tư công - quản lý tư” trong đầu tư, vận hành tại điểm du lịch, công trình văn hóa có đủ điều kiện.
Hạ Mỗ sẽ hoàn thiện video tại các điểm di tích, thực hiện biên tập, dịch bài thuyết minh điểm đến du lịch Hạ Mỗ chuẩn hóa hai ngôn ngữ Anh - Việt. Đồng thời đa dạng các hình thức truyền thông trên các nền tảng số, website, mạng xã hội (Youtube, Facebook, Tiktok) nhằm tạo sức lan tỏa cùng thông điệp xuyên suốt “Hạ Mỗ - Điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”. Để phát triển du lịch, Hạ Mỗ tổ chức thiết kế, sản xuất sản phẩm quà tặng, bộ nhận diện du lịch, ấn phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm nét văn hóa truyền thống phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm tham quan; xây dựng các quầy thông tin du lịch trên địa bàn, in ấn tài liệu, hình ảnh, poster quảng bá du lịch Hạ Mỗ và xây dựng kho dữ liệu du lịch Hạ Mỗ.
Theo bà Đinh Thị Ngân, khó khăn hiện nay của Hạ Mỗ là nguồn vốn, cơ chế, chính sách để địa phương cũng như các doanh nghiệp có thể đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, nhà hàng để phát triển du lịch. Về nội lực, Hạ Mỗ đã thực hiện xã hội hóa, vận động nhân dân trong việc chỉnh trang đường phố, tuyên truyền người dân thực hiện nếp sống văn minh, thanh lịch. Xã vừa tổ chức cuộc thi tìm kiếm hướng dẫn viên điểm đến du lịch Hạ Mỗ, qua đây tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch, cũng là kênh tuyên truyền để mọi người có thêm động lực làm du lịch.
“Khi được thực hiện đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, quan tâm của Thành phố và huyện Đan Phượng; chúng tôi tin rằng Hạ Mỗ sẽ là điểm đến của đông đảo người dân, khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Từ đó tạo bước tăng trưởng, phát triển toàn diện du lịch Hạ Mỗ cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, giữ vững vai trò Hạ Mỗ là trung tâm du lịch tâm linh của huyện Đan Phượng. Đó cũng là đích đến của du lịch Hạ Mỗ: “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới”, bà Đinh Thị Ngân chia sẻ./.