Khám phá cảnh đẹp Ngư Mỹ Thạnh trên phá Tam Giang
Điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh (Thừa Thiên Huế) trên phá Tam Giang mang dáng dấp hoang sơ với những cảnh thuyền chài sông nước bình yên đang hấp dẫn du khách tham quan, trải nghiệm…
Cách trung tâm TP Huế khoảng 15km, làng Ngư Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) là một trong những làng ngư nghiệp nằm sát bên phá Tam Giang với hơn 250 hộ dân sinh sống nhờ vào việc đánh bắt thủy hải sản trên phá Tam Giang. Từ một làng quê ngư nghiệp bên phá Tam Giang gắn với sông nước nhưng hiện nay người dân Ngư Mỹ Thạnh đã tận dụng lợi thế, đổi thay tích cực bằng việc phát triển dịch vụ du lịch trên đầm phá.
Cụ thể, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ngư Mỹ Thạnh đã thành lập Hợp tác xã Du lịch dịch vụ cộng đồng Tam Giang - Quảng Lợi vào tháng 12/2021 với 30 thành viên để khai thác, phát huy hiệu quả tiềm năng và lợi thế vùng đầm phá Tam Giang với dịch vụ du lịch được nhiều du khách đến khám phá, trải nghiệm ngày càng đông và có thu nhập. Theo đó, ngày 6/5/2023 Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Quyết định số 1007/QĐ-UBND về việc công nhận Điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh.
Từ đây, Ngư Mỹ Thạnh được xem là một điểm đến du lịch mới của tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian gần đây để du khách khám phá và dịch vụ nổi tiếng nhất có thể kể đến tham quan làng bích họa, di chuyển bằng thuyền tham quan rừng ngập mặn và tham gia vào chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh với những hoạt động đặc trưng của vùng sông nước miền Trung.
Tại Điểm du lịch cộng đồng Ngư Mỹ Thạnh du khách có thể tham gia nhiều hoạt động cùng người dân với những hoạt động trải nghiệm dưới nước như chèo ghe tay, chèo thuyền sup, đạp trìa, bủa lưới, đan lưới, câu cá... và những trải nghiệm “Một ngày làm nông dân”… Đặc biệt, người dân trang trí các bức tường cũ kỹ trong làng thành bức họa nhiều màu sắc thể hiện đầy đủ những hoạt động đặc trưng của làng chài, phản ánh đời sống thường nhật, tái hiện khung cảnh đầm phá với chiếc thuyền nan, sông nước, ao sen, vườn hoa, cảnh cư dân đánh bắt cá, tôm… tạo nên làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh.
Chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh bắt đầu hoạt động từ 4 – 7h sáng hàng ngày là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa đặc biệt nhất của xứ Huế với nhiều thuyền chài của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh, thôn Cư Lạc và một số vùng lân cận sau khi lênh đênh trên phá Tam Giang đánh bắt thủy hải sản về tập trung ở đây. Buôn bán các loại hải sản tươi ngon như các Dìa, cá Tràng, cá Ong, tôm Rằng, tôm Gân, cua, lươn... tao ra sự nhộn nhịp cả một khu đầm yên ả, bình yên.
Anh Nguyễn Sự (trú ở thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi) có 5 năm kinh nghiệm lái thuyền trên phá Tam Giam cho biết, Ngư Mỹ Thạnh là một làng quê với không khí mát mẻ, bình yên mà du khách có thể nhận thấy, du lịch sông nước với trải nghiệm nhiều trò chơi như chèo súp, đổ nò bắt tôm cá…
Bên cạnh đó, du khách đến với điểm du lịch còn được tham quan rừng ngập mặn rộng trên 40ha và hệ thống đầm phá Tam Giang bằng thuyền (nơi được mệnh danh là hệ thống đầm phá lớn nhất khu vực đông Nam Á) cùng ngư dân và trải nghiệm làm ngư dân như cùng ngư dân đánh bắt cá, bắt trìa...
Trao đổi với PV Tạp chí Người Hà Nội, ông Phan Văn Ty - Phó Giám đốc Hợp tác xã Du lịch dịch vụ cộng đồng Tam Giang - Quảng Lợi cho biết, Ngư Mỹ Thạnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch khi có vùng đầm phá Tam Giang trải dài với diện tích 3.500ha mặt nước và diện tích rừng ngập mặn tập trung gần trên 40ha chủ yếu ở xã Quảng Lợi. Hiện nay, HTX tổ chức các tour tham quan du lịch trải nghiệm trên đầm phá Tam Giang cho khách và từ đầu năm 2024 đến nay đã đón khoảng 3.000 khách đi trải nghiệm rừng ngập mặn cũng như thưởng thức hải sản… ngay trên đầm phá.
“Trong những ngày gần đây, du khách khắp nơi tìm về Ngư Mỹ Thạnh rất đông, bà con chúng tôi rất vui mừng, người chạy thuyền chở khách, người cho thuê thuyền sup, người thì chuẩn bị các món ăn ẩm thực để phục vụ ăn uống, dẫn khách đi đổ nò, đạp trìa…” - ông Phan Văn Ty chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Phan Văn Ty cũng tâm tư những khó khăn mà hoạt động du lịch Ngư Mỹ Thạnh gặp phải đó là các xã viên rất muốn đầu tư thêm các nhà chòi để phục vụ ăn uống, đặc biệt là phương tiện thuyền để chở du khách… nhưng đa phần xã viên xuất phát điểm còn nghèo và ít vốn nên mong chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ nguồn vốn để có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất, phương tiện, phát triển thêm các dịch vụ./.