Giống như loại giấy washi truyền thống của Nhật Bản, giấy dó Việt Nam mộc mạc, mỏng manh nhưng mang hồn dân tộc, chứa đựng những giá trị lịch sử từ ngàn xưa. Mặt khác, tính dai, độ bền, hút ẩm tốt của giấy dó tạo cho loại giấy này sự độc đáo, khác biệt. Bên cạnh đó, gốm Hương Canh cũng là sản phẩm mang tinh túy nghệ thuật, vừa giữ được nét hoang sơ của nguyên liệu đất sét, vừa gân guốc, khỏe khoắn.
Không gian bên trong triển lãm “Sắc Dó và gốm Hương Canh". |
Thông qua việc trưng bày các tác phẩm được sáng tạo từ hai dòng sản phẩm này, triển lãm gửi gắm thông điệp: Truyền thống là một giá trị và cần được tôn trọng, nhưng nhìn lại truyền thống, học hỏi truyền thống để làm mới truyền thống chính là cách tôn vinh truyền thống có ý nghĩa nhất.
Tiếp nối triển lãm “Hợi Dome”, các tác phẩm nghệ thuật trưng bày lần này lấy cảm hứng từ hình tượng con giáp cuối cùng. Từ xưa đến nay, hình tượng con lợn trong mỹ thuật Việt Nam rất phong phú, từ dòng tranh dân gian như Đông Hồ đến mỹ thuật hiện đại. Con giáp thứ 12 này luôn mang đến sự no đủ, phồn vinh và đó cũng như lời chúc tốt đẹp đến năm mới mà nhóm họa sĩ G39 muốn dành tới mọi người.
Sắc màu chủ đạo của triển lãm “Sắc Dó và gốm Hương Canh” là gam màu trầm, mang chất âm nhiều hơn. Các tác phẩm được thể hiện chủ yếu theo hướng đơn sắc (mực nho vẽ trên giấy dó màu ngà hay tác phẩm gốm với màu đỏ nâu là chủ đạo).
Hình tượng con lợn trong tranh của Phạm Trần Quân. |
Sản phẩm gốm Hương Canh được trưng bày tại triển lãm. |
Tác phẩm “Gia đình heo đi picnic” vẽ bằng mực nho trên giấy dó của bé Thụy Minh (6 tuổi). |
Một điểm đáng chú ý nữa của triển lãm “Sắc Dó và gốm Hương Canh” khiến mọi người thích thú, đó là các tác phẩm ngộ nghĩnh, dễ thương của các em thiếu nhi.