Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Dương Xuân Huyên cho biết, Lễ hội hoa đào xứ Lạng là chuỗi các hoạt động sự kiện được tỉnh Lạng Sơn duy trì tổ chức định kỳ. Qua nhiều năm tổ chức, Lễ hội hoa đào đã trở thành một hoạt động văn hóa và sản phẩm du lịch tiêu biểu, nổi bật, đặc sắc thu hút đông đảo nhân dân và du khách trong, ngoài nước đến với tỉnh Lạng Sơn tham quan, chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn vẻ đẹp của hoa đào vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Sự kiện không chỉ có ý nghĩa thiết thực, góp phần tạo không khí vui tươi phấn khởi mừng Đảng - mừng Xuân; mà còn chứa đựng những thông điệp văn hóa, nhân văn, thân thiện, tích cực về hình ảnh mảnh đất, con người Lạng Sơn đến với du khách trong nước và quốc tế; góp phần quảng bá thương hiệu hoa đào xứ Lạng, thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại, du lịch, dịch vụ. Bên cạnh đó còn kêu gọi đầu tư và thu hút du khách đến với Lạng Sơn - vùng đất biên cương của Tổ quốc.
Với đặc trưng của khí hậu, thổ nhưỡng, đã từ lâu xứ Lạng được coi là xứ sở của hoa đào với rất nhiều giống đào đẹp, độc đáo và quý hiếm như: đào Chuông, đào Bích, đào Bạch, đào Phai, với các loại hoa đơn, hoa kép được trồng hoặc mọc tự nhiên trải rộng trên khắp các bản làng, triền đồi, góc phố. Với vẻ đẹp rực rỡ, thuần khiết riêng có, cây hoa đào Lạng Sơn ngày càng được nhiều người chơi đào khắp các tỉnh, thành cả nước biết đến.
Ông Dương Xuân Huyên nhấn mạnh, các hoạt động trong chương trình Lễ hội cùng với tình người Xứ Lạng sẽ mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm hấp dẫn, khó quên. Hình ảnh, thương hiệu “Hoa đào xứ Lạng” thực sự là niềm lưu luyến, là lời mời gọi thiết tha đối với quý khách trong những dịp trở lại lần sau. Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn nhất định sẽ đạt được thành tựu phát triển mới vì một Lạng Sơn phồn vinh, hạnh phúc, tiến bước cùng đất nước thực hiện khát vọng hùng cường của dân tộc.
Lễ hội hoa đào xứ Lạng Xuân Quý Mão 2023 là năm đầu tiên thực hiện xã hội hóa tổ chức. Lễ hội diễn ra từ ngày 15/1 đến 19/2 (tức ngày 24 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến ngày 29 tháng Giêng năm Quý Mão) với nhiều hoạt động giao lưu sôi động, mang đậm nét văn hóa bản địa đặc sắc như: Cuộc thi vườn đào đẹp, cây đào đẹp; giao lưu hát Sli, hát Lượn, hát then; múa sư tử dân tộc Tày, Nùng; giao lưu các câu lạc bộ khiêu vũ mở rộng; giao lưu nhảy đường phố cùng các hoạt động triển lãm sách, báo Xuân; trưng bày, trao đổi các sản phẩm OCOP, sản phẩm ẩm thực đặc sắc của tỉnh đã xác lập Kỷ lục món ăn Việt Nam.