Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ 2

VIETNAMPLUS| 04/12/2020 21:02

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tin tưởng khối đại đoàn kết các dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn và phát huy sức mạnh, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển phồn thịnh.

Sáng 4/12, phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội.
Dự Đại hội có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng.
Cùng dự có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương và gần 1.600 đại biểu chính thức tiêu biểu đại diện cho 54 dân tộc anh em trên mọi miền đất nước.
Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Đại hội Trương Hòa Bình khẳng định Đại hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị-xã hội sâu sắc, biểu tượng đặc biệt sinh động về sự đoàn kết các dân tộc “như cây một cội, như con một nhà.”
Thay mặt Đoàn Chủ tịch, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chào mừng gần 1.600 đại biểu - những bông hoa rực rỡ của núi rừng đại diện cho hơn 14,2 triệu đồng bào dân tộc thiểu số trên cả nước về dự sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.
Thực hiện Chỉ thị 35/CT-TW của Ban Bí thư về Đại hội các dân tộc thiểu số và Quyết định số 1062/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ 3 năm 2019 và Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 năm 2020, trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo; Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đã tạo điều kiện phối hợp tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số ở 363 huyện, 50 tỉnh, thành phố trong cả nước, tạo nên không khí hồ hởi, phấn khởi, góp phần vào thành công của Đại hội Đảng bộ các cấp, vững tin hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đại hội cấp tỉnh và các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương đã chọn cử được 1.592 đại biểu ưu tú về dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 đủ đại diện của cả 54 dân tộc, đại diện Lãnh đạo các cấp, nhân sỹ trí thức, văn nghệ sỹ, tướng lĩnh quân đội, công an, anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, doanh nhân, nghệ nhân, người có uy tín..., thể hiện tinh thần đại đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, đóng góp vào thành công của Đại hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ 2 là diễn đàn giao lưu, trao đổi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận và niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, niềm tin đó được nhân lên gấp bội khi mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 88 phê duyệt Đề án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
"Đây là lần đầu tiên chúng ta có một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với tổng mức vốn bố trí cho giai đoạn 2021-2025 là hơn 130 nghìn tỷ đồng, đầu tư phát triển toàn diện các lĩnh vực với trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào; phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân; phát triển văn hóa, thông tin và du lịch; đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi vững mạnh; đặc biệt là giải quyết những vấn đề cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt..., tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân; thu hẹp dần khoảng cách so với vùng phát triển, giảm dần, tiến tới không còn xã, thôn có điều kiện đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vào năm 2030," Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ bày tỏ tin tưởng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp, khối đại đoàn kết các dân tộc sẽ mãi mãi trường tồn và phát huy sức mạnh, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng đất nước phát triển phồn thịnh, hạnh phúc.
Trình bày dự thảo Báo cáo chính trị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nêu rõ sau 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ nhất, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực. Sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo đạt được kết quả nổi bật, nhất là ở địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững hơn. Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; văn hóa thông tin, truyền thông tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển về cả số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được phát triển sâu rộng, không để xảy ra các “điểm nóng” về an ninh trật tự. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố và tăng cường, đồng thuận xã hội được nâng lên, khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng vững chắc hơn.
Bên cạnh những kết quả trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho rằng, quá trình thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc và thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội vẫn còn một số hạn chế, yếu kém.
Cụ thể, kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là ở khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung chưa được như mong muốn.
Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; hủ tục, tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan còn diễn ra ở một số địa phương... Đặc biệt, tình trạng xây dựng nhiều công trình thủy điện nhỏ, chặt phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, gây ra tình trạng ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết, phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến năm 2025 tăng trên 2 lần so với năm 2020; đến năm 2030, bằng 1/2 bình quân chung của cả nước.
Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; đến năm 2030 giảm hộ nghèo xuống dưới 10% (theo chuẩn nghèo đa chiều hiện nay). Đến năm 2025, hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch…
Để thực hiện được các mục tiêu này, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến chỉ rõ, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng về công tác dân tộc, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong tình hình mới; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy thế mạnh của địa phương, phù hợp với văn hóa, tập quán từng dân tộc…
Khẳng định đồng bào các dân tộc thiểu số là máu thịt của dân tộc Việt Nam, bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, không một thế lực nào, dù xảo quyệt đến đâu cũng không thể chia rẽ được khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đồng bào các dân tộc nguyện một lòng đoàn kết, đi theo Đảng, luôn tâm nguyện rằng còn Đảng là còn mình; chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam mới lãnh đạo, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.
Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam, hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số nắm chặt tay nhau, quyết tâm thực hiện bằng được lời dạy thiêng liêng của Bác Hồ muôn vàn kính yêu: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau... Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt.”
Nhân dịp này, TTXVN đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc tổ chức trưng bày 73 ảnh của phóng viên TTXVN qua các thời kỳ, với những nội dung gắn với chủ đề Đại hội. Trưng bày ảnh gồm ba phần: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban Dân tộc với đồng bào các dân tộc thiểu số; Cộng đồng các dân tộc thiểu số đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; Văn hóa và con người các dân tộc thiểu số.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Hiểu rõ hơn lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời nhà Lý
    Tại Nhà Đông vu, khu Đại Thành thuộc Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), những hiện vật được trưng bày thường xuyên với chủ đề “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” giúp du khách tìm hiểu rõ hơn về lịch sử Quốc Tử Giám dưới thời Lý.
  • Phát động Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô
    Sáng nay 9/5, Sở VH&TT Hà Nội phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTT&DL) phối hợp Phát động Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
  • Giao hưởng Điện Biên - thành tựu mới của nhà thơ Hữu Thỉnh
    Chiến thắng Điện Biên là chiến thắng vĩ đại “lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu” (Tố Hữu), làm rạng danh nước Việt trên thế giới “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (Nguyễn Đình Thi). Ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castriest, ngày 12/5 Bác Hồ đã có bài thơ dài đăng trên báo Nhân Dân: “Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ”. Rồi sau đó, Tố Hữu có bài thơ nổi tiếng “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bên cạnh những tác phẩm thơ, Điện Biên còn được nhắc đến trong nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết, các cuốn sách hồi ký, biên khảo…
  • Hội thảo Văn hóa năm 2024 khơi nguồn lực, tạo động lực phát triển thiết chế văn hóa
    Thông tin từ Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 12/5 tại tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề “Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao”.
  • Khai mạc Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31
    Sáng 9/5, Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 31 – VIETNAM MEDI-PHARM 2024 đã chính thức khai mạc tại Cung Văn hoá Hữu nghị (số 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số lần thứ 2
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO