Im lặng, ai về nhà nấy

HNMCT| 03/04/2022 08:05

Vợ chồng Hòa lấy nhau đã 6 năm, sống dè xẻn, tiết kiệm mà vẫn không đủ tiền xây nhà mới, hai đứa con cũng đã lớn, ngôi nhà cấp 4 diện tích 30m2, thêm cái gác xép để vợ chồng ngủ riêng, trở nên tù túng.

Im lặng, ai về nhà nấy
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Hòa bàn với vợ hay là bán nhà, vay mượn thêm để mua căn chung cư có 3 phòng ngủ, 2 toa lét. Khuyên thủng thẳng bảo, bạn bè em nói không nên ở chung cư, nhất là chung cư nhà ở xã hội, chất lượng xây dựng kém, hay hỏng hóc, rồi còn tiền dịch vụ vệ sinh, gửi xe, an ninh, internet đủ thứ, đấy là chưa kể lâu lâu còi báo cháy lại hú lên khiến cả chung cư chạy nháo nhác. Nhà mình chồng tuy làm bác sĩ ở bệnh viện lớn nhưng không có phòng khám riêng nên chỉ trông vào lương và phụ cấp; vợ làm giáo viên, có dạy thêm dạy nếm thì cũng chỉ đủ cho hai con ăn học; giờ mua nhà chung cư mà phải vay nợ thì thà xây nhà này lên 4 tầng, tổng diện tích 120m2 vừa rộng hơn lại không phải đóng các loại phí...

Thấy vợ nói có lý, Hòa nhất trí với phương án xây nhà. Thế nhưng việc xây nhà trên chính mảnh đất đã có sổ đỏ mang tên mình xem ra cũng khá phức tạp. Làm đủ giấy tờ, thủ tục xin phép xây dựng ra nộp ở ủy ban phường, chờ đến hai tuần ra hỏi thì họ bảo đợi, hai tuần nữa hỏi lại cũng bảo đợi. Có người mách cứ “một cửa” là xong. Thế là vợ chồng Hòa đành bấm bụng nhờ một cán bộ thanh tra xây dựng lo "trọn gói", hai hôm sau có giấy phép ngay.

Trước khi đập nhà cũ, vợ chồng Hòa đã sang các nhà xung quanh nói khó rằng quá trình xây dựng nếu có ảnh hưởng gì thì mong được mọi người thông cảm, giúp đỡ. Ai cũng vui vẻ bảo mừng cho anh chị xây được nhà mới, hàng xóm với nhau, cứ vô tư đi. Nhưng mọi chuyện cũng không hề đơn giản. Đang đào móng nhà thì Thẩm, chủ nhà giáp ranh phía bên phải, yêu cầu đám thợ xây dừng ngay vì làm nứt tường nhà anh ta. Cai thầu liền gọi điện cho Hòa về giải quyết. Dù đang dở ca trực ở bệnh viện nhưng Hòa cũng phải tức tốc xin phép phi xe máy về. Cái tường nứt một vết dài cỡ nửa mét, bé như sợi chỉ, để thợ sang trát lại là xong nhưng Thẩm nhất quyết bắt bồi thường 10 triệu đồng, nếu không đừng hòng được xây tiếp.

Nghe chồng gọi điện báo tin, cô giáo Khuyên chả còn tâm trí nào mà đứng lớp bèn nhờ đồng nghiệp dạy thay rồi chạy về, sang nhà Thẩm thẽ thọt rằng thôi thì bán anh em xa, mua láng giềng gần, mấy lần con anh đang đêm bị sốt lên cơn co giật, bấm chuông gọi cửa anh Hòa nhà em đều sang khám, cho thuốc đấy thôi. Tưởng Thẩm sẽ nguôi ngoai, nào ngờ anh ta phùng má, trợn mắt:

- Chữa bệnh cứu người là trách nhiệm của bác sĩ, là quy định của ngành Y...

- Dạ nhưng chồng em cũng có lấy tiền công đâu?

- Tôi có trả nhưng chồng chị không lấy chứ có phải tôi ăn quỵt đâu! Hơn nữa tôi cũng có bắt anh chị phải bồi thường đâu mà tôi bắt đền bọn thợ xây làm nứt nhà tôi đấy chứ!

Đến nước này thì vợ chồng Hòa đành phải bỏ ra 10 triệu đền hộ cho đám thợ xây mà không dám xin bớt đồng nào vì Thẩm đã đập bàn, quắc mắt nói như chém chả: “10 triệu là 10 triệu! Đây không phải là ăn xin. Nếu không thằng thợ xây nào nhảy xuống đào móng tiếp thì đào luôn cái lỗ chôn mình để tao khỏi phải đào!”.

Tưởng vụ nứt tường giải quyết ổn thỏa thế là yên, nào ngờ khi xây lên đến tầng hai, một viên gạch rơi xuống làm nứt miếng tấm lợp xi măng nhà chị Vân ở bên trái. Hòa lại phải sang trình bày là đã nhắc thợ che bạt để hứng gạch vữa rơi xuống nhà hàng xóm nhưng do họ buộc không chắc chắn nên tuột một góc, thế nên viên gạch mới rơi xuống mái nhà chị. “Chúng tôi sẽ mua tấm lợp xi măng mới để cho thợ thay vào”. Chị Vân nghe vậy bĩu môi: “Anh thay một tấm nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến cả mái nhà. Khi mưa xuống, anh có nhà mới nhà tầng nên kê cao gối để ngủ, còn nhà tôi bị dột liệu có chỗ ngủ không?”. Nhỏ nhẹ mãi chả được, Hòa nổi cáu:

- Hàng xóm thì phải giúp nhau. Con chị học kém, phải nhờ vợ tôi dạy kèm mới học hành tiến bộ.

- Nhưng tôi vẫn trả tiền dạy thêm đấy thôi!

- Học sinh khác phải trả hai trăm ngàn cho 8 buổi dạy thêm một tháng, riêng con nhà chị vợ tôi nể tình hàng xóm chỉ lấy có một nửa còn gì?

- Tôi tưởng hàng xóm giúp nhau, dạy không lấy tiền ấy chứ!

Khuyên thấy to tiếng bèn chạy từ nhà thuê tạm ở gần đấy sang, bảo sẽ cho thợ thay ngay tấm lợp mới nhưng Vân vẫn khăng khăng bắt phải thay cả cái mái. Hòa chạy lên tầng hai ngôi nhà đang xây, ngó xuống mái nhà của Vân đếm cả thảy có 22 tấm lợp, đành bấm bụng bảo với vợ điều đình với Vân hai nhà cưa đôi, mỗi bên chịu một nửa, hoặc là lấy đủ tiền mua 11 tấm lợp hoặc là vợ chồng mình sẽ đi mua 22 tấm lợp về thay lại rồi Vân chịu một nửa tiền. Vân đồng ý lấy tiền, ra cửa hàng xây dựng mua một tấm lợp về nhờ thợ xây nhà Hòa thay hộ. Cánh thợ xây thấy Vân ăn ở thất đức thì không thay, bảo trả tiền công cũng không, chỉ đến khi Hòa cất lời khuyên ở đời phải quên cái nhỏ để đạt được cái lớn thì họ mới hậm hực thay tấm lợp cho Vân.

Ngôi nhà cứ cao dần cao dần trong sự thấp thỏm của vợ chồng Hòa. Không còn sự cố nứt tường rơi gạch, thi thoảng chỉ có tiếng quát tháo của mấy nhà hàng xóm chửi đám thợ xây để rơi vữa ra ngõ. Rồi ngôi nhà cũng đã xây xong tầng 4. Sáng đổ mái tầng 4 xong, lập tức đêm ấy có mưa rào, người ta bảo thế là nhà này có lộc. Vợ chồng Hòa mừng lắm, chả phải vì có lộc mà vì từ nay sẽ hết cảnh bị hàng xóm ăn vạ, bắt đền.

Nào ngờ hôm sau, vừa từ nhà thuê trọ chạy sang thì Hòa đã thấy cửa sổ tầng một bị ông Từ nhà đối diện lấy những mảnh gỗ đóng đính, rào chắn lại. Hòa tức tốc chạy sang hỏi lý do. Ông Từ bảo đây là ngõ chung nên nhà anh không được mở cửa sổ tầng một, thậm chí cả cửa sổ tầng hai, tầng ba, tầng bốn cũng không được mở về phía ngõ chung. Hòa giải thích là anh sẽ cho lắp cánh cửa kéo, lắp ở bên trong chứ không mở cánh ra phía ngõ chung, thế nhưng ông Từ vẫn không đồng ý. Hòa bảo nhà mà không có cửa sổ sẽ rất bí và thiếu ánh sáng, ông làm ơn làm phúc cho các cháu tí lộc trời này. Nói rã bọt mép, cãi cọ mãi không xong, Hòa chạy sang nhà tổ trưởng dân phố trình bày, may ông này là người tốt bụng nên đồng ý can thiệp để nhà Hòa mở cửa sổ nhưng cánh cửa kéo ngang hoặc mở vào trong chứ không được mở ra phía ngõ chung...

Ngôi nhà đi vào hoàn thiện và cuối cùng thì nó đã hoàn tất trong sự thở phào nhẹ nhõm của vợ chồng Hòa. Chả còn phải van xin ai nữa, chả còn lo sợ ai đó gửi đơn ra phường đề nghị đình chỉ xây dựng để khắc phục sự cố này tranh chấp nọ nữa. Nhưng rồi vẫn có tiếng xì xầm: “Tiền đâu mà lắm thế, xây hẳn những 4 tầng! Chắc tay chồng làm bác sĩ chuyên nhận phong bì của bệnh nhân đây!”, “Cô vợ làm giáo viên bắt học sinh học thêm mỗi tháng kiếm mấy chục triệu!”, “Các bà chả biết gì cả! Cô vợ cặp với đại gia nên nó cho tiền xây nhà đấy!”...

Vợ chồng Hòa nghe thấy hết nhưng im lặng không nói gì. Chỉ đến khi thấy nhiều người tìm đến hỏi mua nhà Hòa thì mọi người mới hoảng lên:

- Ô, nhà mới xây không ở lại bán đi thế chú Hòa ơi?

- Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, cứ ở lại cho vui cô Khuyên à!

- Bác sĩ mà chuyển đi thì ai khám bệnh cho chúng tôi? Ai sẽ kèm cặp con cháu chúng tôi học bài hả cô giáo?...

Vợ chồng Hòa chỉ gượng cười cảm ơn tấm lòng của mọi người.

Cuối cùng thì ngôi nhà mới xây cũng bán xong. Nhà Hòa chuyển đi ở chung cư. Chủ nhân mới là một đàn ông trung niên, làm nghề buôn bán tự do, vợ làm thợ may, hai đứa con một trai một gái đang học phổ thông. Dù sống khép kín, ít giao tiếp, không làm phiền đến hàng xóm xung quanh nhưng thi thoảng họ vẫn vô tình phải nghe những lời bóng gió: “Không có văn hóa hay sao mà không biết mở mồm chào hàng xóm?”, “Thằng cha này mặt mũi lầm lỳ, lấm lét như chó ăn vụng bột”... Càng thấy chủ nhà mới không nói gì, hàng xóm càng lôi ra bình phẩm, chê bai cả cô vợ béo như lợn đến hai đứa con tí tuổi đầu đã sành điệu, chơi bời nọ kia...

Trưa hôm ấy, như thường lệ mấy người hàng xóm đang tụ tập trước cửa nhà Vân nhỏ to xì xầm thì bỗng “rầm” một tiếng. Cánh cửa ngôi nhà mới xây bị đạp bung ra. Chủ nhân mới của ngôi nhà mặc quần đùi, mình trần, trên ngực và tay chân lộ ra những hình xăm gớm ghiếc:

- Tao mua nhà bằng tiền mồ hôi nước mắt của tao chứ có ăn cướp của thằng nào con nào đâu!

Im lặng.

- Bố mày là dân xã hội, từng vào tù ra tội đây. Vợ chồng bác sĩ Hòa là trí thức, ăn ở đức độ nên tao mới mua nhà này để lấy cái vía cho con cái sau này được học hành nên người. Động chạm gì đến nhà chúng mày mà dèm pha?

Im lặng.

- Nếu chúng mày tử tế, hay ho thì vợ chồng ông Hòa đã không phải bán nhà mới xây này để đi mua nhà khác.

Tất cả vẫn im lặng. Rồi đám đông giải tán, ai về nhà nấy.

(0) Bình luận
  • Cha tôi – người tuyệt vời nhất
    Với tôi, cha là người tuyệt vời nhất, là số một. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong được làm con gái của cha – một người cha mà suốt cuộc đời tôi luôn ngưỡng mộ, yêu thương và biết ơn.
  • Cầu Long Biên bắc qua miền yêu thương
    Có đôi lúc tôi nghĩ, con người ta phải sống bao nhiêu cuộc đời mới đi hết được chiều dài thời gian, mới hiểu và cảm nhận đầy đủ lịch sử của cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng, một cây cầu chạm vào ba thế kỷ. Cầu giống như con rồng khổng lồ uốn lượn trên cao với từng lớp vẩy thép đan xen, ngày đêm lặng lẽ bảo vệ người dân qua lại nơi dòng nước chảy xiết. Cây cầu ấy mang tên Long Biên, cây cầu bắc qua miền yêu thương.
  • Người đi về phía biển
    Khi biển sinh ra, tôi chưa biết hát. Khi biển lớn lên, em chưa biết khóc. Khi biển mặn mòi, thì đã có những dấu chân đi về phía biển. Biển ở phía đường chân trời, một nơi tưởng chừng như chưa từng có sự nhọc nhằn, vất vả. Bởi chân trời luôn luôn là ước mơ.
  • Bên thềm giếng cũ
    Chiều cao nguyên giăng giăng mây phủ, khói sương mờ ảo giữa thăm thẳm núi đồi, tiếng chim chíu chít gọi nhau về tổ trên nền trời rực ánh tà dương. Vạt sáng huyền hoặc cuối ngày ấy trở thành sợi chỉ mảnh dắt kẻ tha phương lần về miền nhớ.
  • Về ăn cơm mẹ nấu
    Chiều chậm trôi bên nhánh sông hiền hòa chảy êm dòng văn vắt. Mùa lúa chín đã qua còn lưu lại bao miết mải phù sa trên từng gốc rạ se sắt, hanh hao trồi lên khỏi mặt ruộng khô nứt.
  • Nhớ giàn nho của ngoại
    Sớm mai thức giấc, ánh nắng lọt qua khung cửa sổ, dịu dàng rơi trên bàn làm việc, lướt nhẹ lên những đồ vật quen thuộc: vài cuốn sách đang đọc dở, ly trà còn vương hơi ấm và... một chùm nho. Đưa mắt nhìn thật lâu vào chùm nho ấy, một cảm giác xao xuyến đầy mến thương y như vừa tìm được một người bạn cũ lâu ngày không gặp ùa về trong tôi.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nữ liệt sĩ, chiến sĩ biệt động người làng Đông Ngạc
    Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước tại làng Đông Ngạc (nay thuộc quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), bà Phạm Thị Chinh (tức Phạm Thị Phan Chính) là một trong những nữ chiến sĩ biệt động đầu tiên hoạt động trong nội thành Sài Gòn. Cuộc đời bà là hành trình cống hiến âm thầm nhưng vô cùng quả cảm cho cách mạng, kết tinh những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.
  • Cha tôi – người tuyệt vời nhất
    Với tôi, cha là người tuyệt vời nhất, là số một. Nếu có kiếp sau, tôi vẫn mong được làm con gái của cha – một người cha mà suốt cuộc đời tôi luôn ngưỡng mộ, yêu thương và biết ơn.
  • Những kiêng kị trong lễ hội Cổ Loa
    Lễ hội Cổ Loa là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của vùng đồng bằng Bắc Bộ, diễn ra tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội.
  • Hà Nội triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3
    Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Công điện số 09/CĐ-UBND ngày 21/7/2025 về việc khẩn trương triển khai ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2025 trên địa bàn Thành phố.
  • Bão số 3 áp sát đất liền, gió giật cấp 12, cảnh báo rủi ro do thiên tai
    Hồi 07 giờ ngày 22/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển ven bờ Hải Phòng-Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-88km/giờ), giật cấp 12; di chuyển theo hướng Tây Tây Nam với tốc độ khoảng 15km/h. Do ảnh hưởng của bão, khu vực trung tâm thành phố Hà Nội có gió mạnh dần cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 - 8...
Đừng bỏ lỡ
Im lặng, ai về nhà nấy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO