Diện mạo nông thôn mới huyện Thường Tín, TP Hà Nội
“Quả ngọt” của 10 năm
Chặng đường 10 năm là một quãng thời gian khá dài trong hành trình xây dựng NTM của huyện Thường Tín, đem đến những thay đổi không chỉ trong nhận thức về NTM của đội ngũ cán bộ, công chức và nhân dân mà còn tạo ra những chuyển biến rõ nét trong cơ cấu ngành kinh tế của huyện. Các phong trào thi đua xây dựng NTM trên địa bàn phát triển sâu rộng và trở thành động lực thúc đẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Thường Tín.
Theo báo cáo thống kê của huyện cho thấy: 10 năm qua, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ, du lịch tăng; tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Năm 2010, công nghiệp, xây dựng chiếm 50,32%; thương mại và dịch vụ 32,65%, nông nghiệp chiếm 16,83%. Năm 2020, công nghiệp - xây dựng chiếm 56,41%; thương mại - dịch vụ 38,47%, nông nghiệp chiếm 5,12%. Tổng giá trị sản xuất năm 2020 đạt 31.438,4 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng đạt 17.736,4 tỷ đồng, thương mại - dịch vụ đạt 12.095 tỷ đồng, nông nghiệp đạt 1.607 tỷ đồng.
Từ phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, trên địa bàn huyện Thường Tín đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiêu biểu, những "hạt giống đẹp" gieo mầm cho nông thôn của huyện xanh tươi, bền vững. Tiêu biểu như: ông Phạm Văn Sự (thôn Kỳ Dương, xã Chương Dương) đã hỗ trợ 2,5 tỷ đồng làm 1 tuyến đường 600m và hệ thống điện chiếu sáng. Việc làm của ông Dương đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Hay tại xã Tiền Phong, người dân đã đóng góp hơn 4 tỷ đồng đầu tư xây dựng cầu Tiền Phong 2 và hiến 400m2 đất thổ cư để mở rộng đường giao thông, đóng góp tiền mặt, ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn.
Bên cạnh đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong xã ngày càng được nâng lên rõ rệt. Chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội tiếp tục được nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân ngày càng tăng, đến năm 2020 đạt 55 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4,07 lần so với năm 2010. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 89,65%; 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; 84,8% hộ gia đình được sử dụng nước sạch.
Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đến nay huyện Thường Tín đã có 28/28 xã được Thành phố Hà Nội công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đây cũng chính là “động lực” để huyện Thường Tín tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được từ đó cải thiện chất lượng đời sống người dân trên địa bàn.
Gắn văn hóa với xây dựng nông thôn mới
Huyện Thường Tín được biết đến là vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, khoa bảng, đất trăm nghề, với nhiều di tích lịch sử nổi tiếng. Nơi đây có 68 nhà khoa bảng được ghi danh tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và các tư liệu lịch sử; có 462 di tích, trong đó có 122 di tích được xếp hạng lịch sử văn hóa, 61 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp thành phố. Trong đó nổi bật là chùa Đậu - được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia - nơi có thi hài của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường là một hiện vật lịch sử quý hiếm; đền thờ danh nhân văn hóa thế giới, anh hùng giải phóng dân tộc - Nguyễn Trãi; khu Văn Từ Thượng Phúc - nơi ghi danh các nhà khoa bảng, truyền thống hiếu học của địa phương... Nhiều di tích đan xen trong các xã trên địa bàn huyện kết hợp các đình, đền, chùa, miếu, nhà thờ công giáo với những kiến trúc cổ, tạo thành các điểm du lịch tâm linh đáp ứng nhu cầu của nhân dân và du khách.
Nhận thức lĩnh vực văn hóa giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng NTM nâng cao, những năm qua huyện tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, thiết chế văn hóa vốn có ở nông thôn. Huyện đẩy mạnh đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác tu bổ, tôn tạo di tích gắn với xây dựng nông thôn mới, xây dựng nhà văn hóa tại thôn, xóm. Đến nay, các nhà văn hóa được trang bị đầy đủ như hội trường đa năng có đủ bàn ghế tối thiểu cho 550 chỗ ngồi; trang thiết bị âm thanh, ánh sang đủ công suất phục vụ 550 người; có các đạo cụ, trang phục đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện và biểu diễn.
Kể từ khi có các nhà văn hóa thôn, mọi hoạt động như: ngày hội đại đoàn kết, tổ chức mừng thọ các cụ cao tuổi, hội diễn văn nghệ quần chúng, trao học bổng, tiễn thanh niên trong thôn lên đường nhập ngũ… đều được nhân dân ở từng thôn tổ chức. Cũng từ khi có các nhà văn hóa thôn, nhân dân các xã, thị trấn ngày càng nhận thức đúng đắn hơn về việc xây dựng các hương ước, nghiêm chỉnh chấp hành những quy định được đề ra trong hương ước. Nhờ đó, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy và thắt chặt thêm. Nhân dân ngày càng đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Ai cũng có ý thức giữ gìn thuần phong mỹ tục, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, các hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội từng bước bị đẩy lùi;…
Cùng với xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được chú trọng đã khơi gợi, bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi người, mỗi nhà và trong từng thôn, cụm dân cư. Từ đó đã tạo sự chuyển biến căn bản về tầm quan trọng, sự cần thiết của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa gắn với xây dựng NTM trong tình hình mới ở huyện Thường Tín.
“Khởi động” chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao
Tiếp nối thành công của Chương trình số 02-CTr/TU về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020", hướng đến thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU về "Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" của Thành ủy Hà Nội; giai đoạn năm 2021-2025, huyện ủy, UBND huyện Thường Tín tập trung chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động tới cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân trong huyện về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc duy trì và hoàn thiện các tiêu chí về xây dựng NTM. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ, phân công gắn với trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận chuyên môn, từng cá nhân đảm bảo đạt được hiệu quả; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại khu dân cư.
Đặc biệt, trong giai đoạn này với phương châm “hệ thống giao thông làm động lực phát triển kinh tế - xã hội”, huyện tiếp tục triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối Đông - Tây để kết nối các vùng, phát triển sản xuất theo quy hoạch chung xây dựng huyện được duyệt và đề xuất thành phố quan tâm đầu tư nâng cấp mở rộng hoặc đầu tư xây dụng mới các tuyến giao thông liên tỉnh, liên huyện, trục chính đô thị… Huyện cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trong giao thương với các tỉnh thành, thu hút đầu tư trong các lĩnh vực để tăng nguồn thu cho ngân sách, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đồng thời, xây dựng NTM gắn với truyền thống văn hóa, phát triển và đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng gia đình văn hóa, làng văn hóa.
Giai đoạn 2020 - 2025, với những tiền đề thuận lợi đã có, được sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên và bằng sự quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thường Tín, mong rằng trong thời gian tới huyện tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, phấn đấu hoàn thành kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao từ đó đưa các nội dung của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào cuộc sống.