Bà Trần Thị Mai, Phó Trưởng phòng Văn hóa huyện Thường Tín
PV: Những thế mạnh để phát triển công nghiệp văn hóa của huyện Thường Tín là gì, thưa bà?
Bà Trần Thị Mai: Thường Tín là một trong những địa phương đứng đầu Thủ đô Hà Nội về số lượng di tích lịch sử, văn hóa với 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 120 di tích đã được xếp hạng. Rất nhiều trong số đó là di tích nổi tiếng như: chùa Đậu, đền - bến Chương Dương, đền thờ Nguyễn Trãi... Gắn với hệ thống di tích là các lễ hội tiêu biểu, đặc sắc như: lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung (xã Tự Nhiên), lễ hội chùa Đậu (xã Nguyễn Trãi), lễ hội đền Bộ Đầu (xã Thống Nhất), lễ hội chùa Mui (xã Tô Hiệu)... Các lễ hội không chỉ phản ánh tín ngưỡng, văn hóa của “đất danh hương” mà còn phản chiếu đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú của người dân nơi đây.
Bên cạnh đó, Thường Tín cũng sở hữu 129 di sản văn hóa phi vật thể gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian... Nhiều năm qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Thường Tín đặc biệt quan tâm chỉ đạo ngành văn hóa huyện phối hợp với các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tiến hành sưu tầm, nghiên cứu, rà soát, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể.
Thường Tín còn có 126 làng nghề, trong đó 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều làng nghề nổi tiếng như: lược sừng Thụy Ứng, sơn mài Hạ Thái, thêu Quất Động, tiện Nhị Khê, chạm đá Nhân Hiền... được du khách trong và ngoài nước biết tới.
Thường Tín lại nằm trong quy hoạch “Vành đai du lịch sông Hồng” của Thành phố Hà Nội, vì vậy huyện có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch tâm linh gắn với du lịch làng nghề và sinh thái. Được sự quan tâm lãnh đạo của Sở Du lịch Thành phố Hà Nội, sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện nên hoạt động du lịch trên địa bàn huyện trong thời gian qua có chuyển biến tích cực, từ đó tạo động lực thúc đẩy hoạt động trong những năm tiếp theo.
PV: Hiện nay, việc phát triển công nghiệp văn hóa ở huyện Thường Tín đã và đang thực hiện như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Mai: Mặc dù trong năm 2021 đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động văn hóa, du lịch, nhưng Thường Tín vẫn chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến du lịch trên trang thông tin điện tử huyện và hệ thống thông tin đại chúng.
Bên cạnh đó, huyện chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan của Thành phố lập hồ sơ 3 dự án “Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi”, “Trung tâm văn hóa du lịch làng nghề huyện Thường Tín” và dự án đầu tư xây dựng và phát huy giá trị văn hóa lịch sử công trình Văn Từ Thượng Phúc; cùng với Sở Du lịch Hà Nội phối hợp tổ chức đoàn FAM đưa các doanh nghiệp du lịch về khảo sát dịch vụ nhằm xây dựng tour, tuyến du lịch tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, làng thêu Quất Động, Thắng Lợi và khu vực phụ cận.
Chùa Đậu ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Huyện cũng đã hoàn thành việc đề xuất và đã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận điểm du lịch “Làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân” theo Quyết định số 6186/QĐ-UBND ngày 12/11/2018. UBND huyện ban hành kế hoạch giao cho các ngành chuyên môn xác định điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện để tiến hành đầu tư, kêu gọi đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện.
“Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực huyện, xây dựng người Thường Tín thanh lịch, văn minh”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thường Tín. Qua đó, khơi dậy lòng tự hào, tình yêu Hà Nội và ý chí, khát vọng vươn lên của nhân dân Thường Tín; xây dựng môi trường sống lành mạnh, phong phú, tạo chuyển biến tích cực về tâm lý, lối sống, hành vi của thanh thiếu niên.
PV: Thời gian tới huyện Thường Tín đã có những chính sách, phương hướng kế hoạch như thế nào để phát triển ngành công nghiệp văn hóa xứng với kỳ vọng của Thành phố Hà Nội, thưa bà?
Bà Trần Thị Mai: Để phát huy hơn nữa tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhằm từng bước phát triển công nghiệp văn hóa với ngành trọng điểm là du lịch văn hóa , huyện Thường Tín tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện tới cơ sở trong việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy xác định cụ thể hóa bằng những giải pháp đồng bộ, thiết thực.
Thời gian tới huyện sẽ chú trọng quảng bá, giới thiệu các thành tựu văn hóa, nghệ thuật, các sản phẩm đặc thù của địa phương, các danh lam thắng cảnh với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế, tạo điều kiện khai thác giá trị văn hóa của vùng đất địa linh nhân kiệt, giá trị các di tích lịch sử văn hóa, sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh đó, huyện sẽ thu hút, đầu tư các nguồn lực; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, bảo tồn tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, duy trì và phát huy các sản phẩm làng nghề truyền thống.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!