Huyện Thường Tín đổi mới

Thanh Hương| 10/08/2018 16:30

Là huyện ngoại thành ở phía Nam Thành phố Hà Nội, sau 10 năm sáp nhập vào Thủ đô, huyện Thường Tín đã có những bước chuyển biến tích cực trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được duy trì phát triển. Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Huyện Thường Tín đổi mới
Huyện Thường Tín nhìn từ trên cao

Về sản xuất nông nghiệp, huyện Thường Tín đã cơ cấu lại các ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy các lợi thế của địa phương, ứng dụng tiến bộ khoa học, đặc biệt là công nghệ sinh học. Đảm bảo an ninh lương thực, tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, chất lượng cao. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp toàn huyện 6.538ha trong đó đất trồng lúa: 5.265ha, đất trồng cây hàng năm: 916ha, đất nuôi trồng thủy sản: 1.167ha. Sau 10 năm, nền sản xuất nông nghiệp của huyện có những bước phát triển đáng kể theo hướng hiện đại hóa. Kinh tế tăng trưởng khá, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng gấp 2 lần, tăng từ 204,945 tỷ đồng năm 2008 lên 414,609 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 27,7 triệu đồng năm 2008 lên 32,8 triệu đồng người/ năm (năm 2017). Nhiều mô hình cây con cho giá trị kinh tế cao từ 250 triệu đồng/ ha lên 350 triệu đồng/ ha. 

Lĩnh vực công nghiệp, trong giai đoạn 2008 đến năm 2018: Huyện Thường Tín có 126 làng cổ, đều có nghề truyền thống, tiêu biểu là các nghề: tiện gỗ ở Nhị Khê, bánh dày ở Quán Gánh, xã Nhị Khê; sơn mài ở Duyên Thái; thêu ở Quất Động; điêu khắc ở xã Hiền Giang; xương sừng Thụy Ứng, xã Hòa Bình; mộc cao cấp ở Vạn Điểm; cây cảnh ở Vân Tảo… đã góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, đời sống người lao động từng bước được nâng cao, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,04%. Định hướng phát triển huyện Thường Tín: Xây dựng 3 Khu công nghiệp với tổng diện tích 603,88ha (KCN Bắc Thường Tín, KCN Phụng Hiệp, KCN thuộc đô thị vệ tinh Phú Xuyên); xây dựng và hoàn chỉnh 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 255,50ha; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp sinh học phục vụ nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao), chế biến nông sản công nghệ hiện đại; phát triển công nghiệp dệt may, da giầy, cơ khí chế tạo, điện tử tin học…, hỗ trợ công nghiệp làng nghề tại địa phương.

Năm 2015 toàn huyện có 44 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 50%. Đến hết tháng 12/2017, toàn huyện có 57 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 64,77%. Dự kiến năm 2018, huyện xây dựng 5 trường chuẩn quốc gia trên địa bàn. Từ năm 2008 đến nay về y tế xã, thị trấn luôn được nâng cao về chất lượng chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới 2011 – 2020. Chỉ tiêu chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 huyện đều đạt 100% kế hoạch thành phố giao. 

Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, huyện đã quán triệt nghiêm túc, tập trung chỉ đạo tích cực, quyết liệt các chương trình của Thành ủy, huyện ủy về phát triển nông nghiệp xây dựng nông thôn mới. Từ năm 2010 đến nay, huyện Thường Tín đã có 19 xã/ 28 xã bằng 67,8%  đạt chuẩn nông thôn mới. Chương trình xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đạt được nhiều kết quả, huyện Thường Tín phấn đấu năm 2020 đạt chuẩn Nông thôn mới. Từ năm  2013 – 2016, thực hiện đề án số 02/ĐA-UBND ngày 10/10/2013 của UBND huyện Thường Tín về việc áp dụng cơ chế đặc thù theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ toàn huyện đã kiên cố được 116,98km đường giao thông nông thôn mới đạt chuẩn Nông thôn mới; 21,5km đường trục chính nội đồng và 22,52km rãnh thoát nước trong khu dân cư với tổng kinh phí 143,14 tỷ đồng. Năm 2017, đã đầu tư hỗ trợ 15,403 tỷ đồng triển khai thi công các tuyến đường được huyện phê duyệt. 

Cùng với phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, huyện Thường Tín thường xuyên quan tâm thực hiện tốt, đời sống văn hóa tinh thần và mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng gia đình, làng, cơ quan, đơn vị văn hóa. Phấn đấu 100% các xã có sân vận động; 100% thôn có nhà văn hóa và 85% trở lên gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Cuộc vận động “Xây dựng dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai sâu rộng và có hiệu quả. Chất lượng làng văn hóa, gia đình văn hóa từng bước được nâng cao; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt làm tốt công tác quản lý và phát huy giá trị của các lễ hội truyền thống trên địa bàn…

Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới, công tác an sinh xã hội được đảm bảo. Đến nay trên địa bàn huyện đã có 85,02% hộ đạt gia đình văn hóa; có 96/169 làng, khu dân cư, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hoá; có 118/169 nhà văn hóa làng xây mới, cải tạo và hoàn thành và đưa vào sử dụng . Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xoá đói giảm nghèo, nếu như năm 2008 trên địa bàn huyện có 2.564 hộ nghèo chiếm 5,1%, đến  năm 2017 toàn huyện giảm xuống còn 1,04%.

Kết quả sau 10 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, trên địa bàn huyện Thường Tín đã có sự chuyển biến rõ rệt về kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân từng bước được nâng lên rõ rệt, bộ mặt nông nghiệp, nông thôn có nhiều khởi sắc, góp phần xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Huyện Thường Tín đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO