Hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân
Trong những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn Thành phố Hà Nội có nhiều đổi mới, tiến bộ và chất lượng không ngừng được nâng cao. Thành phố cũng đang trực tiếp quản lý 41 bệnh viện trực thuộc.
Trong đó có 1 Trung tâm Kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội thuộc Bệnh viện đa khoa Xanhpôn. Mạng lưới y tế công cộng, dự phòng, phục vụ công tác dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh được hình thành gồm: 1 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội và 579 trạm y tế xã, phường thuộc 30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã (trong đó, đã có 82,73% trạm y tế thực hiện theo nguyên lý y học gia đình).
Nhằm bảo đảm an sinh xã hội toàn diện, bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định “xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống bác sĩ gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khoẻ Nhân dân.
Đồng thời huy động các nguồn lực xã hội xây dựng mạng lưới cơ sở khám, chữa bệnh chất lượng cao, hiện đại; cơ sở nghiên cứu và chuyển giao công nghệ y, dược của tư nhân và đầu tư nước ngoài; gắn phát triển du lịch với chăm sóc sức khoẻ. Thể chế hoá các yêu cầu của Nghị quyết 15-NQ/TW, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã quy định một số chính sách đặc thù nhằm mục tiêu nâng cao năng lực, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Phát triển y học gia đình, cấp cứu ngoại viện; việc sử dụng nguồn quỹ bảo hiểm y tế
Về cơ chế phát triển y học gia đình, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) giao HĐND thành phố Hà Nội quy định lộ trình, cơ chế tài chính, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện cơ chế khám bệnh, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình, quyết định việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho Thành phố, phù hợp với các quy định của Luật Khám, chữa bệnh. Đây là quy định có tính đột phá so với các quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế hiện hành, tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình.
Đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện, bao gồm chăm sóc cấp cứu y tế ngoại viện, các dịch vụ vận chuyển bằng xe cứu thương…, hiện đang có sự tham gia của nhiều thành phần, bao gồm các trung tâm vận chuyển cấp cứu 115, tổ vận chuyển cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế công lập và cơ sở vận chuyển cấp cứu ngoài công lập...
Việc phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện có vai trò quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong và giảm mức độ thương tật cho người bệnh, đặc biệt đối với các trường hợp nguy kịch, từ đó giảm gánh nặng bệnh tật và tài chính cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Phát triển hệ thống mạng lưới cấp cứu ngoại viện cũng giúp bệnh nhân được chăm sóc y tế kịp thời.
Dự thảo Luật giao UBND thành phố Hà Nội quy định về lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện trên địa bàn Thủ đô; mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; việc thanh toán dịch vụ y tế từ nguồn ngân sách địa phương của thành phố Hà Nội, quỹ bảo hiểm y tế và nguồn thu từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện. Đây là quy định đặc thù cho thành phố Hà Nội vì pháp luật hiện hành chưa có quy định về giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình và dùng quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho cấp cứu ngoại viện. Việc sử dụng chi phí của quỹ bảo hiểm y tế vẫn bảo đảm nguyên tắc có đóng, có hưởng của lĩnh vực bảo hiểm.
Đây là giải pháp tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh tại Thủ đô, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ bảo hiểm y tế. Vì khi bảo hiểm y tế chi trả cho việc khám chữa bệnh y học gia đình, chi trả dịch vụ cấp cứu ngoại viện sẽ làm giảm nguy cơ bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên, giảm nguy cơ bệnh nhân chuyển nặng khi dịch vụ cấp cứu ngoại viện kịp thời cấp cứu vào “thời điểm vàng” của bệnh nhân, như vậy, sẽ giảm rất nhiều chi phí khám bệnh, chữa bệnh sau này.
Xét về tổng thể, việc sử dụng nguồn bảo hiểm y tế cho y học gia đình và cấp cứu ngoại viện có thể sẽ không làm tăng tổng chi cho bảo hiểm y tế, mặt khác lại giúp chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho Nhân dân toàn diện, hiệu quả hơn.
Các chính sách về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT); hỗ trợ khám sức khỏe cho người cao tuổi
Chính sách về an sinh xã hội của Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hoá nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận tối đa các dịch vụ xã hội thiết yếu. Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, phấn đấu không còn hộ nghèo theo chuẩn của Thủ đô, nâng cao phúc lợi xã hội, bảo đảm công bằng xã hội, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; giải quyết hiệu quả các tệ nạn xã hội”.
Đây là nội dung mới so với quy định của Luật Thủ đô 2012, theo hướng tăng thẩm quyền cho HĐND Thành phố khi quy định các chính sách hỗ trợ, mở rộng về phạm vi, đối tượng, nội dung, mức chi so với các chính sách chung hiện hành. Ngoài ra, quy định tại Dự thảo đã quy định cụ thể, tách bạch hơn về chính sách xã hội, an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Trong đó:
Về chính sách xã hội, Dự thảo Luật quy định HĐND thành phố Hà Nội quyết định bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ đất sản xuất cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi làm nghề nông, lâm nghiệp; hỗ trợ học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho người học thường trú tại Hà Nội và con công nhân lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất;
Về chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, Dự thảo Luật quy định hỗ trợ mức đóng BHXH như hỗ trợ đóng 100% đối với người thuộc hộ nghèo; tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo; tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác; hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo.
Về Hỗ trợ khám sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi thường trú trên địa bàn Thủ đô. Kinh phí thực hiện việc khám sức khỏe được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của thành phố Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp. Đây là chính sách an sinh xã hội ưu việt của Thành phố nhằm góp phần ngăn chặn bệnh tật từ sớm, từ xa, giảm chi phí điều trị và tăng chất lượng sống cho người cao tuổi. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp khi thành phố Hà Nội có tốc độ già hóa dân số nhanh nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp. Kinh phí thực hiện việc khám sức khỏe được bảo đảm thực hiện từ ngân sách địa phương của thành phố Hà Nội, nguồn xã hội hóa theo lộ trình phù hợp. Theo báo cáo đánh giá tác động của chính sách, việc chi sức khỏe miễn phí hằng năm cho người cao tuổi sẽ giúp giảm một phần chi phí của quỹ bảo hiểm y tế và chi phí xã hội, mặt khác cũng giảm gánh nặng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi trong các gia đình, giúp nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Những nội dung nêu trên sẽ giúp các đối tượng thụ hưởng nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu - nghèo giữa thành thị và nông thôn./.