Hướng tới kỷ niệm 70 năm ngành giáo dục Thủ đô:Bài cuối: Tạo cơ hội mới, giá trị mới, tầm nhìn mới trong phát triển giáo dục Thủ đô
Trải qua 70 năm kể từ ngày 09/10/1954 khi Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội ra quyết định thành lập Sở GD&ĐT Hà Nội. Đến nay, ngành giáo dục Thủ đô đã có những bước phát triển vượt bậc theo xu hướng ngày càng toàn diện. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành giáo dục Thủ đô đã đặt mục tiêu lớn là đào tạo ra thế hệ các công dân Thủ đô toàn cầu có sự am hiểu kiến thức, có trình độ ngoại ngữ và tin học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Thủ đô và đất nước.
Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhấn mạnh nhiệm vụ nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện. Đồng thời “xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế... Có cơ chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế”.
Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW; Quyết định số 313/QĐ-TTg ngày 07/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch 306/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chương trình hành động 16-CTr/TU thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do thành phố Hà Nội ban hành, những năm gần đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm, lấy ý kiến lãnh đạo các đơn vị, sở ngành, chuyên gia về phương án phát triển của giáo dục và nguyên tắc, cách thức tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Trong đó, các chuyên gia, sở, ban ngành Thành phố đều nhất quán quan điểm xác định vị thế của quy hoạch giáo dục trong Quy hoạch Thủ đô phải xứng tầm với vai trò, vị thế của Hà Nội; ngành giáo dục Hà Nội không chỉ phát triển cho riêng mình mà phải trở thành hình mẫu cho cả nước và mang tầm quốc tế bởi Hà Nội trong tương lai sẽ là thành phố kết nối toàn cầu. Những công dân Hà Nội, sản phẩm của nền giáo dục Thủ đô, sẽ là những nhân tố tạo ra sự kết nối đó. Đồng thời, nâng tầm chất lượng giáo dục để có thể sánh vai với nền giáo dục Thủ đô của các nước trong khu vực và quốc tế, đào tạo ra thế hệ các công dân toàn cầu có sự am hiểu kiến thức, có trình độ ngoại ngữ và tin học.
Đồng thời, Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: Quy hoạch Thủ đô cần có “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài. Kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”. Xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô.
Đặc biệt, gần đây, ngay sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định mới, chính sách đặc thù cho Hà Nội được Quốc hội thông qua, một lần nữa khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung, Hà Nội nói riêng là luôn đề cao vai trò, vị trí của giáo dục, coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 của ngành GD&ĐT Thủ đô, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khẳng định, với tinh thần coi GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội trong tương lai. Thành phố đã, đang và sẽ tập trung mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục… nhằm nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục của Thủ đô.
Những Nghị quyết, Kết luận và mới nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) của Trung ương và Hà Nội về việc phát triển giáo dục đã được ngành giáo dục Thủ đô tiếp thu và thực hiện một cách khẩn trương, bài bản, có lộ trình rõ ràng, trong đó có thể kể đến như: Sở GD&ĐT Hà Nội đã tham mưu và bắt tay ngay vào xây dựng 07 văn bản quy phạm pháp luật triển khai thi hành Điều 22 Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tổ chức thi hành những chính sách về phát triển GD&ĐT bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, hiệu lực và hiệu quả; nâng cao nhận thức về chính sách phát triển GD&ĐT của Thủ đô, từ đó định vị không gian phát triển, đưa ra tầm nhìn, khát vọng tương lai phát triển của Ngành, đồng thời xây dựng 10 nhiệm vụ trọng tâm mũi nhọn mà Ngành đã đặt ra và phấn đấu hoàn thành trong những năm học tới để hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng đó. Cụ thể là: Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT Thủ đô; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh; chủ động phòng, chống và ứng phó với thiên tai, dịch bệnh; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh các phong trào thi đua; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.
Song song việc thực hiện phát triển ngành Giáo dục gắn kết, tích hợp với mạng lưới phát triển Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngành giáo dục Hà Nội trong những năm qua cũng triển khai nhiều đề án, nhiệm vụ, phong trào nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, giáo dục "chân-thiện-mỹ" cho học sinh Thủ đô. Có thể kể đến như: “Triển khai xây dựng trường học hạnh phúc”; Đề án “Giới thiệu và biểu diễn các vở diễn được chuyển thể từ các tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và thế giới có trong chương trình giáo dục phổ thông tại các trường học của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030”. Triển khai chương trình “Giáo dục di sản trong trường học”; Phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm”; “Tuần lễ học tập suốt đời”; “Ngày hội CNTT và STEM”... Nhiều hoạt động đều cơ bản đạt được những kết quả hết sức tích cực, được trung ương, Hà Nội và nhân dân Thủ đô ghi nhận.
Có thể khẳng định, Nghị quyết số 15-NQ/TW; Kết luận số 80-KL/TW của Bộ Chính trị; Luật Thủ đô (sửa đổi) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô khi xác định mục tiêu phát triển cho Hà Nội không chỉ đến năm 2030 mà còn đặt tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam); khi bao hàm được toàn bộ tầm nhìn chiến lược, mang tính thời đại của Đảng, Nhà nước nói chung, Hà Nội nói riêng đối với sự phát triển của ngành giáo dục Thủ đô thời điểm hiện tại và trong tương lai chính là xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo; đồng thời, không chỉ là lá cờ tiên phong, dẫn đầu, hình mẫu trong sự phát triển chung của ngành giáo dục cả nước mà còn cần đào tạo ra thế hệ các công dân Thủ đô toàn cầu có sự am hiểu kiến thức, có trình độ ngoại ngữ và tin học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Thủ đô và đất nước trong thời đại mới./.
Bài 1: Từ cái nôi bình dân học vụ đến trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước
Bài 2: Ngành giáo dục Thủ đô tự tin bứt phá sau ngày thống nhất non sông
Bài 4: Xây dựng Hà Nội là trung tâm lớn của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao