Phân tích về mặt mạnh khi người nổi tiếng, các nghệ sĩ tham gia từ thiện, ông Trần Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thừa nhận, cách kêu gọi của họ thu hút hơn, cảm xúc hơn và hơn nữa họ tận dụng ưu thế về công nghệ, mạng xã hội, thông qua lượng fan lớn và lan tỏa một cách nhanh chóng. Cách cứu trợ của các cá nhân bao giờ cũng nhanh hơn các đơn vị, tổ chức, kể cả đơn vị chuyên nghiệp như Hội Chữ thập đỏ, vì họ được chủ động quyết định, không cần bình xét, không cần kế hoạch...
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu các hoạt động từ thiện tự phát không có quy trình, kế hoạch, kỹ năng và thực hiện theo cảm hứng thì sớm hay muộn cũng phát sinh những hệ lụy. Không chỉ một số nghệ sĩ mà báo chí mới đề cập trong thời gian gần đây mà trước đó đã có nghệ sĩ phải đối mặt với sự xì xào của dư luận. Với cách thức kêu gọi và phân bổ từ nguồn lực như trên rất có thể dẫn tới việc không minh bạch, thậm chí vi phạm và có thể là cơ hội cho một số người vô tình, hoặc cố tình lợi dụng để xuyên tạc theo mục đích của họ.
Người dân không bằng lòng một vài nghệ sĩ khi qua bão lũ rồi mới đi cứu trợ, bởi tâm lý của người dân là muốn cứu trợ khẩn cấp tại thời điểm đó. Nhưng thực tế, theo ông Hùng, trong cứu trợ thì có nhiều giai đoạn gồm phòng ngừa (như chằng chống nhà cửa, diễn tập, tập huấn… cho người dân về biến đổi khí hậu, ứng phó, khi có thiên tai thì có kỹ năng an toàn); Giai đoạn cứu trợ khẩn cấp, trong quy trình chuẩn là hỗ trợ các gói hàng thiết yếu với nước uống là quan trọng nhất, sau đó là thực phẩm, chỗ ở an toàn, hỗ trợ y tế. Điều này không phải ai làm từ thiện cũng biết. Sau cứu trợ là giai đoạn phục hồi sinh kế, nhà cửa; tiếp theo tái thiết (điện, đường, trường, trạm…) và giai đoạn thứ năm là giảm nhẹ, diễn tập, chuẩn bị tâm thế cho người dân về các thảm họa có thể xảy ra để thích ứng với cuộc sống. Có chuyện người phát từ thiện lên án và từ chối phát quà từ thiện cho những người sơn móng tay, hoặc béo mập…, nhưng họ không biết rằng, có rất nhiều gia đình trước đó khá giả, chỉ cần một cơn lũ ập đến là họ không còn gì. Do đó, nếu các nghệ sĩ, cá nhân kết hợp với Hội Chữ thập đỏ, có thể sẽ không xảy ra những chuyện ồn ào không đáng có.
Bài toán đặt ra là làm sao giải quyết được hai vấn đề là xã hội hóa và huy động được mọi tầng lớp xã hội tham gia, nhưng phải tránh được hạn chế là cứu trợ không đúng lúc, đúng chỗ dẫn đến lan tràn, chồng chéo, lộn xộn và khó khăn về việc báo cáo, giải trình. Nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cá nhân và cơ quan hoạt động từ thiện chuyên nghiệp chắc chắn sẽ tập trung được nguồn lực và việc cứu trợ sẽ hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho rằng, theo các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động từ thiện tại Nghị định số 64/2008/NĐ-CP, việc vận động, kêu gọi, cứu trợ tự phát của các cá nhân là không vi phạm pháp luật.
“Tuy nhiên, ngay tại trong Điều 4 của Nghị định này cũng quy định chỉ có 4 tổ chức chính thống được kêu gọi vận động ủng hộ là MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, các quỹ xã hội từ thiện được cấp phép, và thứ 4 là các cơ quan thông tin đại chúng (báo đài). Do đó, có thể hiểu là Nhà nước khuyến khích mọi tổ chức cá nhân tham gia hoạt động từ thiện, tăng nguồn lực, nhưng cũng quy định rõ các đầu mối vận động, tập hợp nguồn lực hỗ trợ. Và các tổ chức, cá nhân khi kêu gọi ủng hộ phải thông qua các tổ chức này để thực hiện điều phối tổ chức hoạt động từ thiện. Với các quy định hiện nay, việc cá nhân thực hiện từ thiện tự phát là không sai. Nếu các cơ quan công an, kiểm toán vào cuộc mà phát hiện có hiện tượng vi phạm pháp luật thì sẽ chịu các khung hình phạt của Bộ luật Hình sự với tội Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản tiền của công dân”, ông Hùng nói.
Hiện Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 64/2008/ NĐ-CP. Hiện các cơ quan đã có những đóng góp ý kiến để xây dựng Dự thảo. Lý giải vì sao không để cho mọi cá nhân, đơn vị, tổ chức được tự do đứng ra kêu gọi, vận động và phân bổ nguồn lực, ông Hùng cho rằng, nếu tư duy như thế sẽ xảy ra tình trạng “trăm hoa đua nở”, không kiểm soát được, không điều phối được, nguồn lực không tập trung thì rất lãng phí, chỗ có chỗ không, chỗ tiện đường thì đến… Hội nào uy tín thì huy động được nhiều, hội nào nhỏ hơn huy động được ít thì thành cạnh tranh lẫn nhau… “Dự thảo Nghị định 64 sửa đổi có đề cập về việc cá nhân được phép vận động, tuy nhiên cần phối hợp với các đơn vị hoặc chính quyền địa phương, làm rõ được vận động cái gì, thời gian bao lâu, cho địa bàn nào… Do đó, trong các hoạt động thiện nguyện thì người nghệ sĩ, cá nhân nên phối hợp với chính quyền địa phương, MTTQ, đặc biệt là Hội Chữ thập đỏ vì đây là những cơ quan chuyên nghiệp, có hệ thống và cung cấp cho các tài liệu, danh sách, được thực hiện theo quy trình, đối tượng bị thiệt hại ra sao, ai ít, ai nhiều”, ông Trần Quốc Hùng nêu.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp, cùng với đó là mùa mưa bão đang đến gần nên Nghị định 64/2008/NĐ-CP cần nhanh chóng được sửa đổi để hoạt động từ thiện mang đúng ý nghĩa. Đồng thời, các cơ quan công an, kiểm toán cũng cần vào cuộc để làm rõ vấn đề dư luận quan tâm, minh oan cho các cá nhân nghệ sĩ nếu không họ không có chứng cứ vi phạm; xây dựng lòng tin cho người dân trong khi gửi gắm, ủng hộ tiền, tài sản qua các cá nhân để chia sẻ khó khăn với người dân.