Văn hóa – Di sản

Hoàng Đôn Hòa – một thầy thuốc lớn đời Lê

Lê Văn Đức 06/11/2023 14:33

Hoàng Đôn Hòa ở thôn Huyền Khê, xã Thanh Oai trung, tổng Thanh Oai thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, thi đậu Giám sinh, ẩn cư dạy học, rất tinh thông nghề y.

Theo Nam Việt thần kỳ hội lục, làng Đa Sĩ, xã Kiến Hưng, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) có đền thờ Lương y Linh Thông đại vương và Phương Dung Từ thục phu nhân.

0758_2783_le_hoi_xuan_truyen_thong_lang_da_sy.jpg
Di tích miếu làng Đa Sỹ, phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội.

Thần tích đền làng ghi:

“Hoàng Đôn Hòa ở thôn Huyền Khê, xã Thanh Oai trung, tổng Thanh Oai thượng, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên, thi đậu Giám sinh, ẩn cư dạy học, rất tinh thông nghề y. Dưới đời vua Lê Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533), bệnh dịch lan rộng, ông đã phát thuốc và chu cấp tiền gạo cho nhân dân, cứu sống được rất nhiều người, nên ở địa phương ai cũng coi là vị phúc tinh. Do đó, thanh danh của ông ngày càng vang lừng khắp nơi. Đến đời vua Lê Thế Tông Nghị hoàng đế, năm Gia Thái thứ 2 (1574), quân họ Mạc chiếm đóng Thái Nguyên, triều đình cất đại binh đi đánh. Hoàng Đôn Hòa được cử làm Điều hộ lục quân (quân y). Sau khi thành công về ông được thăng chức Thị nội thái y viện phủ thiên (đứng đầu coi việc chữa bệnh trong cung ở Thái y viện) và được phong tước “Lương dược hầu” nhưng ông xin về nghỉ.

Sau khi mất, nhân dân lập đền thờ ông. Các triều đại sau đã truy phong ông là phúc thần “Lương dược Đại vương” và phu nhân.

Trước kia, hàng năm cứ ngày 12 tháng Giêng (âm lịch) có khâm sai quan phủ huyện đến tế trọng thể để hậu báo công ơn của ông”...

Theo truyền thuyết ở địa phương, nhất là dựa vào các tài liệu, thần tích, ngọc phả thì Hoàng Đôn Hòa đã có nhiều công trạng. Sinh thời Hoàng Đôn Hòa được phong tước Lương Dược hầu và sau khi mất được phong sắc Lương Dược Linh thông cư sĩ. Ông là một sĩ phu đi ở ẩn, chuyên nghiên cứu các vị thuốc để chữa bệnh giúp dân. Ông sớm nổi tiếng là thầy thuốc giỏi. Có trường hợp bệnh của một công nương tôn thất rất nặng, nhiều người chữa không khỏi, đã được Hoàng Đôn Hòa cứu lành mau chóng. Vua Thế Tông mến tài của ông, chọn ông làm phò mã, gả con gái là Phương Anh công chúa cho ông. Công chúa lại là người có đức hạnh và học thức, càng thêm ý hợp tâm đầu. Phương Anh (đổi tên là Phương Dung) phục tài năng chữa bệnh và mến đạo đức giúp dân của chồng, nên rất đồng tình phát huy sự nghiệp cao quý của chồng ở nơi thôn dã.

hoang-don-hoa.jpg
Tượng danh y Hoàng Đôn Hòa.

Hoàng Đôn Hòa và phu nhân Phương Dung công chúa tự trồng kiếm lấy thuốc để chữa bệnh cho dân một cách rộng rãi. Bà lại quyên góp tiền gạo để phát chẩn khi đói kém. Trong những năm dịch lệ, nhân dân đã được cứu chữa tận tình, và chu cấp cả thuốc men tiền gạo. Khi Hoàng Đôn Hòa đi làm quân y, ông cũng đã trồng kiếm thuốc tại chỗ, dùng thuốc hoàn tán chế sẵn, cứu chữa cho quân đội và nhân dân địa phương được qua khỏi các bệnh dịch tả và dịch sốt rét ác liệt. Vì vậy nhân dân địa phương rất quý mến ông. Ông đã giúp quân đội triều Lê về mặt bảo vệ sức khỏe, tạo thêm điều kiện cho việc chiến thắng quân Mạc. Ở nhà, bà Phương Dung cùng những người giúp việc vẫn tiếp tục cấp phát thuốc men, liên tục chữa bệnh, cứu giúp nhân dân, không quản ngại gì công của.

Hoàng Đôn Hòa, nhờ có môn thuốc chữa sốt rét lam chướng và dịch tả rất công hiệu (phương thuốc Tam hoàng hoàn, đã giúp quân đội vượt qua bệnh tật, như câu: “Kim đan viên hộ nhung hành sơn tiêu chướng khí (Thuốc quý đã giúp việc hành quân vượt núi và tiêu tan khí độc lam chướng) ở đền Đa Sĩ đã ghi lại thành tích ấy.

Hoàng Đôn Hòa đã lưu truyền các phương thuốc hiệu nghiệm trong quyển Hoạt nhân toát yếu. Nhân dân đã khắc câu đối tặng thờ ông, hiện còn:

- Tung nhạc giáng thần, hộ quốc chuân cần lưu uyển diệm

(Thần Tung nhạc giáng sinh, giúp nước ân cần lưu phương châu ngọc)

- Dược Vương xuất thế, hoạt nhân công đức mãn hoàn doanh

(Phật Dược Vương xuất thế, cứu người công đức khắp cõi bao la)

Đến thế kỷ thứ XVIII, Trịnh Đôn Phác, người làng Đa Sĩ, làm thủ phiên ở Thái y viện, đã thừa kế các môn thuốc của Hoàng Đôn Hòa được hiệu quả và biên soạn lại quyển Hoạt nhân toát yếu lưu truyền đến nay. Tương truyền Trịnh Đôn Phác sau khi đi sứ sang Trung Quốc đã có dịp chữa cho vua nhà Thanh khỏi bệnh với phương thuốc của Hoàng Đôn Hòa, nên đã được phong là “Lịch thế y” (Thầy thuốc trải nhiều đời). Và khi trở về nước, vua nhà Thanh đã gửi sang tặng đền thờ Hoàng Đôn Hòa một cái chóe bằng sứ, một cây đèn nến để dẫn rượu tế và một cái áo thờ bằng gấm tím (áo vương). Có đôi câu đối hiện còn ghi lại sự tích ấy:

- Lục nghệ trân tàng, nội ngoại nho thư y điển

(Sáu nghề được tôn sùng, trong sách nho, ngoài sách thuốc)

- Lưỡng quốc hạo tặng, hầu thiên hậu thụy vương chương

(Hai nước đều phong tặng, trước tước hầu, sau tước vương)

Từ sau khi Trịnh Đôn Phác phát huy tác dụng của Hoạt nhân tác yếu, các triều đại Hậu Lê và Nguyễn mới đổi sắc, phong cho Hoàng Đôn Hòa là Lương dược Đại vương và Phương Dung là từ thục trinh ý kỵ nương.

Sự nghiệp y học của Hoàng Đôn Hòa đã có ảnh hưởng lúc đương thời và cả đời sau đối với việc bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Công ơn đó đã được nhân dân địa phương đời đời ghi tạc và thể hiện bằng ba bức hoành phi ở đền thờ ông lưu truyền đến nay:

Âm dương hợp đức (Hợp đức của âm dương)

Lương y quốc (Thầy thuốc giỏi giúp nước)

Thọ tư dân (Thêm thọ cho dân)

Dưới đây xin giới thiệu sơ lược nội dung trước tác Hoạt nhân toát yếu để chúng ta thấy được phần nào những cống hiến của Hoàng Đôn Hòa cho nền y dược dân tộc.

Trước tác Hoạt nhân toát yếu của Hoàng Đôn Hòa gồm phần chính 208 phương thuốc đơn giản và kinh nghiệm ứng dị các loại bệnh về nội khoa, ngoại khoa, thương khoa, phụ khoa, nhi khoa và các bệnh về gia súc, thú vật, ngoài ra có kèm thêm một thiên Tính mệnh khuê chỉ tăng bổ chỉ dẫn cách giữ gìn sức khỏe.

Như thể hiện nhan đề Hoạt nhân toát yếu (Nắm phép cốt yếu cứu người), quyển sách chỉ trình bầy một số vấn đề chủ yếu để phòng bệnh và trị bệnh cần thiết cho sự sống của người ta, nên những phương thuốc này nhằm chữa bệnh theo chứng dễ áp dụng và mang nhiều tính chất thực tiễn như một cuốn sổ tay dùng thuốc. Trước tác không nói đến lý luận cơ sở hay nguyên nhân bệnh lý, tuy nhiên phần dược lý và tác dụng của các phương thuốc này thì thấy được ít nhiều tính chất của nó. Hơn nữa qua nội dung hướng dẫn việc dùng thuốc thì chúng ta càng thấy được rõ nét một kho tàng kinh nghiệm quý báu. Đặc sắc là trước tác này có sự chọn lọc thực tiễn nên số phương thuốc ít mà tinh, không rườm rà như trong các sách phương tễ học hay bệnh học khác, thường làm cho người đọc thêm loạn mắt, khó nắm.

Nhằm mục đích cứu người (Hoạt nhân), với một ý nghĩa rộng rãi, trước tác gồm cả các phép dưỡng sinh, hít thở vận động để trị bệnh, tăng sức khỏe và lời dạy thanh tâm tiết dục, giữ gìn trong sinh hoạt để sống lâu, gắn liền việc chữa bệnh với phòng bệnh. Nó còn có thêm mục Thủ y phục vụ chăn nuôi trâu bò để lấy thực phẩm và có lực lượng sản xuất lương thực cung ứng cho đời sống nhân dân và quân đội, cùng việc chữa bệnh cho voi ngựa để vận tải quân lương quân dụng và chiến đấu quốc phòng. Hoạt nhân toát yếu cung ứng một cách toàn diện những phương pháp chữa bệnh có hiệu quả cho người thầy thuốc nhân dân ở nông thôn, cũng như cho người quân y trong quân đội phong kiến với điều kiện chiến đấu du kích, vũ khí, phương tiện thô sơ, theo hoàn cảnh lịch sử đương thời.

Ngoài việc phục vụ nhân dân và quân đội triều Lê, sự nghiệp của Hoàng Đôn Hòa đã phát huy truyền thống của Tuệ Tĩnh (danh y Việt Nam ở thế kỷ XVI), góp phần xây dựng nền y dược học nước ta.

Về mặt dược học, qua sự tổng hợp các vị thuốc và những kinh nghiệm dùng thuốc trong sách Hoạt nhân toát yếu, tác giả đã đúc kết trên 300 vị, trong đó 265 vị thuốc Nam để bổ sung vào nền dược học dân tộc.

Một số vị thuốc mới được phát hiện, như lá dầu sơn, dây gắm, cúc mắn, bồ cu vẽ, dây rung rúc, huyết gác, gối hạc... Nhiều vị thuốc được bổ sung công dụng, như lá chỉ thiên, vỏ dưa chuột chữa phạm phòng, huyết dụ chữa bạch đới, lậu đái giắt, gỗ vang chữa ỉa chảy, lá thanh táo, cỏ răng cưa... đắp vết thương chảy máu.

Đặc biệt Hoàng Đôn Hòa đã trọng dụng thuốc cao đơn hoàn tán chế sẵn để đáp ứng kịp thời yêu cầu trị bệnh hàng loạt cho nhiều người trong một lúc, như khi chống dịch bệnh nhân gần như tập trung, hay trong quân đội với hoàn cảnh lưu động, thiếu điều kiện và phương tiện sắc thuốc. Thuốc hoàn toàn chế sẵn rất tiện dụng để phục vụ đại chúng, giúp cho nhà lương y được phát huy tài năng, làm tròn nghĩa vụ của mình, và mở rộng phạm vi tác dụng của nền y dược dân tộc.

Về mặt nghiệm phương, một số phương thuốc trong Hoạt nhân toát yếu có tác dụng tốt, được nhân dân tín nhiệm lâu đời. Ở đây, chúng tôi không đi sâu vào các phương thuốc chỉ nêu một thí dụ về việc điều trị vết thương.

Về điều trị vết thương, tác giả đã trọng dụng đại hoàng và vôi, trầu. Đại hoàng có tác dụng làm tan máu ứ, bớt sưng tấy, với sát trùng, cầm máu lành vết thương. Theo khoa học ngày nay, đại hoàng còn chống độc do tụ cầu trùng ngoài da, nước vôi là một chất dễ kiếm cũng được dùng chữa bỏng trong Tây y, trầu không có tác dụng sát trùng rất mạnh và chống nhiễm trùng ngoài da. Điều này cũng nói lên giá trị sáng tạo của tổ tiên ta trong y dược học dân tộc.

Tính dân tộc đại chúng cũng được biểu hiện rất rõ nét trong thuốc của Hoàng Đôn Hòa, cụ thể qua mấy bài thuốc chữa súc vật sau đây:

- Chữa voi ngựa trâu bò bị dịch mùa hè truyền nhiễm mắt đỏ, họng đau không nuốt được, dùng lá cây cốt khí tím (Sơn thanh), cỏ chi thiên, sắn dây, gừng gió, liều lượng bằng nhau, giã thật nhỏ, hòa với nước cho uống.

- Chữa trâu bò nghẹt tắc họng bột bồ kết thổi vào lỗ mũi thì khỏi,

- Chữa trâu bò bị đau bụng, đi ngoài, dùng củ nâu, lá đậu ván, lá duối, liều lượng bằng nhau, giã nhỏ hòa vào nước cho uống v.V...

Những phương thuốc này toàn là những cỏ cây sẵn có. Mọi người nông dân hay quân sĩ đều có thể tìm thấy để chữa cho gia súc, thú vật tiện lợi, giúp cho việc chăn nuôi phát triển.

Về phương pháp dưỡng sinh, Hoạt nhân toát yếu lại đặc biệt chú trọng việc giữ gìn sức khỏe để sống lâu. Hoàng Đôn Hòa đã áp dụng các phép khí công. Ông đã đưa ra thuyết Thanh tâm tiết dục, kèm theo phương pháp tĩnh công hô hấp và ông hướng dẫn phương pháp dưỡng sinh gồm 4 điều chính sau đây:

Một là luyện khí, hít thở sâu và đều, để đưa thêm nguồn sống vào cơ thể, thay đổi khí đục, tiếp thu khí mới, và làm cho mạch máu chạy đều, với quan niệm sự sống của người ta lấy khí làm gốc, lấy hơi thở làm đầu. Khí là cơ sở của mệnh.

Hai là giữ cho tinh thần được yên lặng. Vậy cần tập trung tinh thần, không nghĩ ngợi gì, dẹp hết mọi mối tâm tư suy nghĩ trong khi luyện thở. Đồng thời cần bảo đảm cho giấc ngủ được đầy đủ và điều hòa, để lấy lại sức và làm cho tinh thần được yên định.

Ba là cần vận động thân thể cho khí huyết lưu thông điều hòa, nếu ngưng trệ thì sinh bệnh, ví như “nước chảy thì không bẩn, ngõng cửa quay thì không mọt”. Do đó, thân thể phải làm việc để giúp cho sự phân hóa bên trong được điều hòa, và tinh thần khoan khoái, gân xương vững chắc.

Bốn là cần giữ cho trong lòng thanh tĩnh, hạn chế các dục vọng ham muốn thái quá về tiền tài, danh lợi, nữ sắc làm xúc động tinh thần, và đặc biệt chú trọng việc tiết dục để cho tinh khí khỏi hao tán, thì tinh thần được vững mạnh, tránh được bệnh tật và có thể kéo dài tuổi thọ.

Bình sinh, Hoàng Đôn Hòa không màng danh lợi. Ông đã suốt đời cùng phu nhân là Phương Dung công chúa, làm thuốc chữa bệnh, cứu giúp nhân dân. Ông đã phục vụ nhân dân trên 40 năm, chưa kể thời gian trước đó và sau khi ông về hưu cho đến khi mất. Việc ông xin về nghỉ, không ở lại phục vụ trong cung, có lẽ là ông không thích làm thầy thuốc của nhà vua, mà chỉ muốn dành cả đời mình cho việc phục vụ nhân dân lao động.

Quan điểm y học của Hoàng Đôn Hòa là phục vụ đại chúng với dược liệu sẵn có và thuốc hoàn tán đơn giản tiện dùng. Ông rất coi trọng và đã bổ sung cho nền dược học dân tộc một số vị thuốc Nam dễ kiếm và có nhiều công hiệu. Ông còn chỉ dẫn cụ thể phương pháp dưỡng sinh gồm các phép khí công vận động và thuyết thanh tâm tiết dục để tăng sức khỏe, phòng bệnh và sống lâu.

Nhờ tác dụng độc đáo và cách dùng giản tiện, một số phương thuốc hiệu nghiệm đã được cải tiến gia giảm qua nhiều đời và trở thành những phương thuốc hay của dân tộc.

Sự nghiệp của Hoàng Đôn Hòa đã có tác dụng trọng đại trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân ta từ bao đời nay. Trước tác Hoạt nhân toát yếu của ông là một cống hiến to lớn cho nền y dược học lâu đời của nước ta./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Tô Hiến Thành – nhà chính trị tài năng
    Chính sử chép rằng Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng giêng và mất năm Kỷ Hợi 1179, đời vua Lý Cao Tông, nhưng không ghi rõ năm sinh. Lịch sử có điều khiếm khuyết như vậy (Tháng 7 năm 1997 tại cuộc hội thảo lớn về thân thế, sự nghiệp của Tô Hiến Thành, có nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, đại diện các nơi thờ cúng cụ Tô, đại diện các chi hệ dòng họ cụ Tô tham dự. Hội nghị đã tham khảo nhiều bản thần tích, tộc phả và đã tìm ra ngày tháng năm sinh Tô Hiến Thành là ngày 22 tháng giêng năm Nhâm Ngọ 1102, triều Lý Thần Tông)...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Nhà văn hoá Nguyễn Đình Thi - người nghệ sĩ tài hoa của Thủ đô và đất nước
    Chiều 12/12/2024, Thành ủy Hà Nội phối hợp cùng Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Báo Nhân Dân và các cơ quan tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề “Di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi cho hôm nay” nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn hóa lớn, nghệ sĩ tài năng Nguyễn Đình Thi (20/12/1924 – 20/12/2024). Hội thảo là dịp để nhìn nhận, đánh giá, tôn vinh di sản văn hóa, văn nghệ của Nguyễn Đình Thi.
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • Nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND TP Hà Nội
    Bà Nguyễn Thị Tuyến, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội và ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Trưởng ban Nội chính, được cho thôi nhiệm vụ đại biểu HĐND thành phố do được phân công công tác khác.
  • Cơ hội tăng trưởng cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam
    Ngày 12/12, tại Hà Nội đã diễn ra buổi họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành Công nghệ sản xuất và Chế biến rau, hoa, quả lần thứ 7 (HortEx Vietnam 2025).
Đừng bỏ lỡ
Hoàng Đôn Hòa – một thầy thuốc lớn đời Lê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO