Hiểu rõ giá trị của thời đại Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam
NXB Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam”. Không chỉ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về thời đại Hùng Vương trong tiến trình lịch sử phát triển của dân tộc, hai cuốn sách còn góp phần bồi đắp tinh thần tự hào về lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của cha ông ta.
Thời đại Hùng Vương là một giai đoạn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử, bởi đây là thời đại mở đầu dựng nước, hình thành nên những giá trị về văn hóa để rồi trở thành những tiền đề cơ bản trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thời đại Hùng Vương đã đạt được rất nhiều thành tựu, với nhiều công trình được công bố, góp phần làm sáng tỏ thời kỳ khởi thủy của lịch sử dân tộc.

Cuốn sách “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” do các tác giả Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng biên soạn. Nội dung cuốn sách được chia thành 5 phần với các chủ đề: “Nước Văn Lang: Bờ cõi, tên nước và dân cư”; “Trạng thái kinh tế”; “Thể chế xã hội và chính trị”; “Đời sống văn hóa”; “Nước Âu Lạc của An Dương Vương và sự kết thúc thời đại Hùng Vương”.
Không chỉ đề cập đến mô hình tổ chức nhà nước sơ khai thời Văn Lang - Âu Lạc, cuốn sách còn làm rõ đời sống kinh tế nông nghiệp lúa nước, các phong tục tập quán hình thành nền văn hóa Việt cổ. Đặc biệt, các tác giả đã đặt thời đại Hùng Vương trong bối cảnh lịch sử Đông Nam Á, làm rõ vai trò của quốc gia Văn Lang trong tiến trình phát triển của khu vực.
Những kết quả nghiên cứu trong cuốn sách này góp phần làm sáng tỏ thời kỳ khởi thủy của lịch sử dân tộc mà còn khẳng định tính liên tục, trường tồn của văn hóa Việt Nam từ buổi sơ khai cho đến nay. Đây là tài liệu quý báu dành cho những ai mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn dân tộc, từ đó củng cố niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa Việt.
Nếu “Thời đại Hùng Vương (Lịch sử, kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội)” GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, PGS.TS. Vũ Trọng Lâm chủ biên đưa người đọc trở về thời kỳ sơ khai, nơi cư dân Lạc Việt xây dựng nền móng đầu tiên của quốc gia Văn Lang, thì cuốn sách “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” lại lý giải vì sao phong tục thờ cúng Vua Hùng không chỉ là một truyền thống, mà còn là một di sản văn hóa được UNESCO công nhận.
Cuốn sách gồm hai phần: “Lịch sử và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” và “Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay”. GS.TS. Tạ Ngọc Tấn chia sẻ, cuốn sách được thực hiện nhằm góp phần truyền bá tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ra thế giới, đồng thời đánh giá các di tích Đền thờ Vua Hùng trên toàn quốc, từ đó đưa ra kế hoạch trùng tu, tôn tạo các nơi thờ tự sao cho trang nghiêm và xứng tầm. Cuốn sách cũng nhấn mạnh việc sưu tầm, chuẩn hóa các nghi lễ thờ cúng Hùng Vương để tạo sự thống nhất trong cả nước cũng như xây dựng các giải pháp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa nhân loại.
Các bài viết trong cuốn sách đi sâu làm sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương qua kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ, kết quả nghiên cứu khảo cổ học và sự tồn tại của tín ngưỡng này trong tâm thức người Việt, cả trong nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Cuốn sách còn khẳng định vai trò của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong việc hình thành bản sắc văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đồng thời gắn kết cộng đồng dân tộc trong chiến lược đại đoàn kết vì mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.
Ngoài ra, cuốn sách cũng nhấn mạnh vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách là Di sản văn hóa thế giới, những biến đổi trong Lễ hội Đền Hùng và việc khai thác di tích, Lễ hội Đền Hùng trong hoạt động du lịch bền vững. Đây là những vấn đề quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hóa.
Hai cuốn sách này không chỉ là những tài liệu khoa học giá trị mà còn mang trong mình một sứ mệnh lớn lao: kết nối quá khứ với hiện tại, truyền lửa yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau. Đọc những trang sách này, mỗi người Việt sẽ thêm hiểu, thêm yêu lịch sử dân tộc, đồng thời ý thức rõ hơn về trách nhiệm gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu./.