Dấu ấn phồn thịnh của thời đại Hùng Vương
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết: Dấu tích văn hóa Đông Sơn được tìm thấy ở rất nhiều di chỉ khảo cổ tại Hà Nội. Những phát hiện này đã khẳng định sự phát triển phồn thịnh của thời đại Hùng Vương với những tiến bộ trong đời sống nông nghiệp, giàu có trong đời sống tinh thần. Đồng thời, đây cũng là cứ liệu cho thấy thành tựu của người Việt cổ trong việc chinh phục đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với sự chuyển dời trung tâm đất nước từ Việt Trì - Bạch Hạc (Phú Thọ) về Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội ngày nay).
“Hàng loạt xương trâu, bò ở di chỉ Đồng Vông, Đình Tràng (Đông Anh), gò Chùa Thông (Thanh Trì)… cho thấy đó đều là những con vật đã được thuần dưỡng, chứng tỏ nền nông nghiệp thâm canh, dùng sức kéo của trâu, bò xuất hiện ở vùng đất nay là Hà Nội từ rất sớm. Đặc biệt, việc phát hiện các lò đúc đồng, khuôn đúc mũi tên, dụng cụ nấu, luyện đúc đồng thau tại các di chỉ tiền Đông Sơn và Đông Sơn ở Đông Anh cho thấy, Hà Nội thời đó với trung tâm Cổ Loa là một trong những nơi đúc đồng lớn nhất nước ta”, PGS.TS Tống Trung Tín phân tích.
Sự phồn thịnh của thời đại Hùng Vương trên đất Hà Nội không chỉ thể hiện qua các di chỉ khảo cổ mà còn lưu dấu đậm nét trong đời sống văn hóa tinh thần, đã và đang được tiếp nối tới ngày nay. PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Viện Sử học Việt Nam cho biết, trên đất Hà Nội có hai trung tâm tín ngưỡng dân gian in đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương, là: Lễ hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn; hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm và tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Khu di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh núi Ba Vì thuộc địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, huyện Ba Vì.
“Từ huyền thoại, câu chuyện dần dần được tái hiện và hoàn thiện bằng các tục thờ, lễ hội bài bản, mang tính cộng đồng rộng lớn của cư dân vùng châu thổ sông Hồng. Ngoài ra, Hà Nội còn có 137 đình, đền, miếu, quán… thờ phụng các vị thần thời Hùng Vương, điều đó chứng tỏ di tích lịch sử - văn hóa thời đại Hùng Vương là một phần quan trọng trong di sản văn hiến Thăng Long - Hà Nội", PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ cho hay.
Lập bản đồ di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
Phát huy các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trên đất Thăng Long - Hà Nội, những năm qua, thành phố đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để tôn tạo, phục hồi di tích; phục dựng, bảo tồn, vinh danh nhiều nghi lễ thờ cúng, di sản văn hóa phi vật thể liên quan…
Cùng với đó, bằng nhiều cách làm khác nhau, các địa phương sở hữu di sản liên quan đến thời đại Hùng Vương đã góp phần thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương trong đời sống hiện đại. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Huy Diệp cho biết: “Đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân, vị thần sinh ra các vua Hùng, tại làng Bình Đà, xã Bình Minh luôn là trung tâm tín ngưỡng, nơi trở về của đông đảo đồng bào cả nước. Di tích đã được xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Lễ hội đền thờ Quốc tổ Lạc Long Quân tại làng Bình Đà được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2014. Đặc biệt, trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích đã được đầu tư hàng tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, việc bảo tồn, phát huy tín ngưỡng liên quan đến thời đại Hùng Vương đã được huyện đặc biệt quan tâm. Trong đó, nhiều nghi lễ thờ cúng được phục dựng đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của người dân, như: Hội giỗ làng Hà Hương; tục kéo rắn làng Xuân Nộn; hội cướp cầu làng Viên Nội; hội kéo lửa thổi cơm thi làng Lương Quy… Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này chưa thực sự được xâu chuỗi để trở thành một hệ thống nhằm góp phần lan tỏa hơn nữa trong điều kiện hiện nay.
"Trong thời gian tới, cần kiểm kê chuyên sâu toàn bộ di sản liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và các nhân vật liên quan, làm cơ sở lập bản đồ di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên địa bàn thành phố. Tổ chức hội thảo giao lưu giữa các địa phương đã và đang thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để tạo mối liên kết giữa Hà Nội với các vùng lân cận”.
Về vấn đề này, PGS.TS Tống Trung Tín cho rằng: Cần có quy hoạch khảo cổ để các di sản không bị xâm lấn, phục vụ hiệu quả cho việc nghiên cứu, củng cố các thông tin từ quá khứ. Đồng thời cần có hoạt động khảo cổ học cộng đồng để người dân cùng hiểu, cùng tham gia. Việc khôi phục các lễ hội, trò diễn dân gian liên quan đã bị mai một; tổ chức kết nối các di tích lịch sử - văn hóa thành luồng, tuyến du lịch… cũng cần được quan tâm, nhằm góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa.