Tối tăm, chật chội
Nằm lọt thỏm phía sau dãy cửa hàng tại số 3 Điện Biên Phủ (quận Ba Đình) là ngôi nhà biệt thự cũ 3 tầng được xây dựng từ rất lâu. Ông Lâm Tiến Tài (70 tuổi) gắn bó với nơi đây từ khi sinh ra và được thừa hưởng lại căn nhà sau khi bố mẹ qua đời. Ông Tài dẫn chúng tôi qua lối vào nhỏ, chỉ rộng chưa đầy nửa mét để vào nơi sinh sống của gần chục hộ dân đã sống qua ba, bốn thế hệ. Ở ngay cửa vào bày biện cơ man nào chậu, thùng phuy, chum vại, phơi phóng quần áo của những người dân sinh sống tại tầng 1.
Bước vào trong ngôi nhà, lối đi chung tối đen như mực, đến mức nếu có xòe bàn tay ra trước mặt cũng không nhìn rõ mười đầu ngón tay. Đâu đó chỉ có ánh sáng leo lét toả ra từ các phòng có người đang sinh sống. Phải rọi bằng đèn pin mới có thể nhìn rõ từng mảng tường bong tróc, dây điện chằng chịt, ẩm mốc khắp nơi. Mò mẫm lên cầu thang, căn phòng nơi vợ chồng ông Tài đang ở chỉ 13m2 với trần thấp, lúc đi không thể thẳng người, cả căn phòng quanh năm không có ánh mặt trời. Để có chỗ ngủ, một phần diện tích phòng đặt chiếc đệm nhỏ; một phần làm chỗ để đồ dùng hàng ngày và phần ngách được tận dụng để làm chỗ rửa bát.
"Phía ngoài cửa phòng, cũng là cầu thang chung gia đình tôi tận dụng để xếp bát đĩa, xoong nồi. Nhiều hôm mưa to, gia đình phải huy động hết chậu trong nhà để hứng nước dột. Nhà chật hẹp, ngột ngạt, ẩm mốc, nhiều chuột và gián do xuống cấp trầm trọng" - ông Tài cho hay.
Cũng giống hoàn cảnh của ông Tài, những hộ dân đang sinh sống trong căn biệt thự cũ tại số 8 Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng) hàng ngày đối mặt với nguy hiểm khi nơi "an cư" của họ xuống cấp, đang dần mục nát. Vữa tường bong tróc, ngói cũng bị vỡ khiến nước ngấm vào nhà, các cánh cửa cũng mục nát, thậm chí không còn. Nhiều người dân ở đây cho biết, mặc dù biết xuống cấp nhưng họ không dám sửa vì biệt thự nào cần bảo tồn, biệt thự nào được phép cải tạo, sửa chữa lớn đều có trong danh mục theo phân nhóm. Bên cạnh đó, họ cũng không biết di dời đi đâu nên phải cố gắng ở lại ngôi biệt thự cổ đang xuống cấp trầm trọng.
Hiểm họa rình rập
Với việc nhiều căn biệt thự Pháp cũ trở thành nơi trú ngụ của từ 5 - 20 gia đình khiến cho mật độ sinh sống tại đây trở nên quá tải. Nhiều cư dân tự cơi nới, lắp đặt thêm tiện ích để giải quyết phần nào nhu cầu cuộc sống. Thực tế này không chỉ phá vỡ kết cấu ngôi nhà vốn đã xuống cấp mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm về cháy nổ, đặc biệt căn nhà có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Đơn cử, vào cuối tháng 12/2021, đã xảy ra vụ hỏa hoạn tại ngôi nhà xây từ thời Pháp trên phố Tôn Đức Thắng (quận Đống Đa). Vụ việc đã khiến toàn bộ tài sản, đồ đạc của các hộ dân bị hư hỏng nặng; kết cấu của ngôi nhà sau khi cháy bị thay đổi, gây mất an toàn cho tính mạng người dân, nguyên nhân được xác định do chập điện.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh (trường Đại học Xây dựng Hà Nội) phân tích, việc mật độ người dân sinh sống tại các nhà Pháp cũ hiện nay ở ngưỡng rất cao và các điều kiện cơ bản không thể đáp ứng được cuộc sống sinh hoạt hiện tại, dẫn đến tình trạng cơi nới, cải tạo không chuẩn mực, giảm giá trị ban đầu. Với việc không có kinh phí cải tạo, duy tu định kỳ, ngôi nhà dần mất đi thẩm mỹ, an toàn.
"Bài toán về di dân cần được đặt lên hàng đầu, duy trì quy mô tối đa 4 hộ gia đình với những căn 2 tầng; 6 hộ gia đình với những căn 3 tầng. Để làm được như vậy, cơ quan chức năng, chuyên gia, kiến trúc sư và các hộ dân cần có sự đồng thuận trong việc cải tạo cũng như di dời (hoặc tạm cư) sang nơi ở mới để đảm bảo lợi ích các bên" - PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh nhìn nhận.
Cũng theo PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh, nếu xác định phương hướng di dời với những căn nhà Pháp cũ cần phải có ưu đãi cho người tái định cư để đảm bảo cuộc sống không bị xáo trộn. Đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng khi đây là những di sản hiếm còn tồn tại. Khi các lợi ích được cân đối, hài hòa, việc bảo tồn di sản sẽ không quá khó và di sản sẽ tồn tại lâu dài và bền vững. Những kinh nghiệm hay sẽ được tổng kết, phân tích và áp dụng cho việc bảo tồn các nhà phố Pháp khác ở Hà Nội, trước khi được triển khai rộng hơn cho các đô thị khác trong nước cũng có hệ thống di sản kiến trúc Pháp.
Một đô thị nếu mất đi di sản sẽ mất đi một khoảng sống, như một quyến sách mất đi 1, 2 chương sẽ làm giảm đi giá trị của nó. Hà Nội là nơi có bề dày lịch sử văn hóa cũng giống như vậy, sẽ mất đi tính lịch sử nếu không có sự quan tâm tới những di sản này.
PGS.TS.KTS Nguyễn Quang Minh - trường Đại học Xây dựng Hà Nội
Hà Nội hiện có 1.216 biệt thự, gồm 367 căn thuộc sở hữu Nhà nước, 732 căn thuộc sở hữu hỗn hợp giữa Nhà nước với các hộ dân hoặc giữa các hộ dân với nhau; 117 căn thuộc sở hữu tư nhân. Các biệt thự cũ chủ yếu nằm ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ. Đa số biệt thự được xây dựng trên dưới 100 năm. Nhiều công trình không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên bị xuống cấp, hư hỏng.