Hàng cây trứng cá

Đặng Trung Thành| 14/09/2017 14:47

Ngày ấy, đường làng quê tôi mọc rất nhiều cây trứng cá. Không biết tự bao giờ chúng đã có mặt ở nơi này. Chắc là do lũ chim mang đến. Hoặc ai đó trồng cây đầu tiên rồi sau đó trứng cá tự thụ phấn theo gió bay, hay do loài ong, bướm hút mật. Cây trứng cá cao chừng 3m với nhiều cành lá đan xen nhau như hình tay nấm, tỏa mát cả con đường.

Cứ mỗi lần đi học về, trẻ con chúng tôi thường lấy bịch nilon trong cặp rồi trèo lên cây hái trái chín. Những quả trứng cá chín mọng, thơm ngát kích thích vị giác trẻ con. Điểm nổi bật ở quả trứng cá là màu sắc. Trái cây chín thường chỉ một màu đặc trưng, nhưng với trứng cá như hoa chấm bi trên áo. Dù đỏ tươi là màu chủ đạo nhưng cũng có trái màu vàng nhạt, vàng đậm, đỏ sẫm, xanh vàng… Tùy theo mức độ chín, quả trứng cá có màu khác nhau. Chúng tôi vừa hái vừa ăn, say mê đến mức quên cả giờ về. Mẹ xách roi đến tìm, buộc phải “tự thú” vì tang chứng là những chiếc cặp để dưới gốc cây.

Những ngày cuối tuần, được nghỉ học, trẻ con họp thành nhóm, vác thanh tre nhỏ đi hái trứng cá. Chúng tôi kéo đi thành hàng như quân đội duyệt binh danh dự. Đứa nào thích mạo hiểm thì leo cao, hái được nhiều quả chín. Đứa nào sợ độ cao, muốn an toàn thì đứng dưới đất dùng thanh tre hái quả. Ở một đoạn đầu thanh tre, chúng tôi chẻ dọc đều ra và dùng kẽm gia cố là có ngay một công cụ hái quả độc đáo. Sau hơn một giờ tinh nghịch, mỗi đứa thu được vài bịch trứng cá to. Đã vậy, bọn tôi còn hái quả sống để chơi trò “xe trái”. Quả trứng cá sống được trẻ con cầm ở cuống và dùng tay xe cho xoay trên bàn. Quả nào ngã sớm hoặc văng ra khỏi bàn là bại. Phần thưởng cho người thắng cuộc là những quả trứng cá chín, tùy theo số lượng đã được giao kèo trước khi chơi.

Không giống như những loại quả chín khác, trứng cá chín rất nhanh, nhanh đến không ngờ. Chỉ sau một đêm sương ướt đẫm, sáng, chúng tôi đến trường đã thấy cây trứng cá rợp màu đỏ tươi và thơm ngát. Có nhiều trái chín muồi nên rụng ngập trên mặt đất. Đã bao lần tôi nán lại nhặt quả ăn đến nỗi suýt trễ giờ vào lớp. Quả trứng cá chín cũng là bữa ăn sáng thường ngày của tôi. Vì nhà tôi nghèo, nên những ngày cơm nguội hết sạch, tôi buộc lòng phải ăn trứng cá. Nhờ có vị ngọt lịm ấy, bụng tôi cầm cự được đến trưa.

Thích nhất là vào mùa mưa. Cứ qua một đêm mưa (thậm chí là ban ngày) trứng cá chín rợp trời. Trẻ con chúng tôi hớn hở mang bịch nylon, hộp, chai nước rỗng đi hái quả ăn. Dù sau một đêm mưa tầm tã, đường làng trơn trượt, sình lầy quẩn quanh nhưng chúng tôi cứ mặc kệ. Đứa nào cũng xăn ống quần qua khỏi đầu gối, chân trần bám chặt xuống đất để khỏi té ngã, nhanh nhẩu leo lên các cây trứng cá để giành những quả chín mọng. Cả một vùng thơm lừng vì mùi hương trứng cá thoảng đưa. Chao ôi, chỉ cần hít thật sâu thôi đã thấy thèm. Dù đã cẩn thận lắm nhưng cũng nhiều đứa “chụp ếch” đến nỗi mông ê ẩm, dính đầy bùn đất. Riêng tôi, chỉ một lần té từ trên cao xuống đất đã khiến lòng tởn tới già, chẳng bao giờ dám leo trèo tinh nghịch nữa. Dù cành trứng cá rất dẻo dai, không giòn, nhưng do ham hái những quả chín ở tận đọt, khiến tôi hụt chân, rơi từ trên cao xuống. Cũng may tôi ngã xuống mé sông, nếu không…

Tôi lớn lên cùng sự phát triển của quê hương. Những con đường làng giờ không còn sình lầy như ngày xưa nữa. Chúng đã được thay áo là những tảng bê tông to. Tuy nhiên những hàng cây trứng cá vẫn được người dân trồng xanh mát. Trẻ con bây giờ có nhiều quà bánh và những viên kẹo ngọt ngào nên chẳng màng đến những quả trứng cá đỏ au nằm khiêu khích trên tán lá xanh rì. Vì vậy, quả của chúng rơi đầy cả con đường làng. Những lần đi dưới hàng cây trứng cá, tôi và những người bạn cùng trang lứa như sống lại cái thời tuổi thơ gian khó. Cả bọn kể cho nhau nghe cái thời trèo cây tét đáy quần rồi phá lên cười giòn giã. Nụ cười đã làm chúng tôi xua tan đi những lo toan đời thường. 
(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
Hàng cây trứng cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO