Cái mới lạ của thơ chị đã đánh thức được tri giác và tâm thức người đọc; thơ chị gọi dậy những điều cố hữu cũ xưa đến mức ta tưởng như nó không hiện hữu hoặc hiện hữu đó mà ta không thấy được, cho đến khi thơ lên tiếng: “của tôi một ngày thương nhớ/ Hà Nội xênh xang phố phường/ Hàng Đào đỏ bừng đôi má/ Hàng Lược chải mái tóc mây/ của tôi triền đê chớm nắng/ ngô xanh rẽ lá thu về/ phù sa như làn da mịn/ con đò buông bút bên sông”.
Có những sự khám phá trong thơ chị làm ta như “lịm” đi bởi sự sâu lắng, Hà Nội như một giấc mơ dài hàng nghìn năm bởi những hình ảnh sống động mà tĩnh lặng như thể được chuốt từ tinh hoa kinh kỳ: “cửa ô trầm ngâm choàng khăn rêu cũ/ phố Phái xô lệch hoàng hôn/ ly cà phê khuấy chậm/ giọt thời gian rơi bạc tháp đồng hồ/ chuỗi cườm sáng ngoại ô nhẫn nại/ Hà Nội trổ cầu vào nghìn năm/ chảy về đông dòng phù sa nghìn tuổi/ ngô non phơ phất nhớ nguồn”. Vì sao Trần Kim Hoa có thể gọi ra được hồn của Hà Nội một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng đến vậy, chỉ có thể lý giải điều này bằng sự vượt thoát của thơ ca.
Nghệ thuật làm thơ chính là một phép biến hóa khôn lường, mà ở đó nhà thơ có thể dẫn ta đến những ý nghĩ, những chân trời không thể biết. Sống ở Hà Nội nhiều năm hay một đời đi nữa thì người ta vẫn có thể rất đỗi ngạc nhiên trước một Hà Nội trong thơ của Trần Kim Hoa: “Hà Nội tôi mơ/ cá lội bến trong, phù sa bến đục/ phố, làng kề vai/ bách thảo trút vàng ngày cũ...”; “phố làng bụi đỏ/ lá non trăng tháng giêng/ cành sen ướp gió Tây Hồ/ vuông lụa người xinh dệt lúc sang canh”.
Không sinh ra ở Hà Nội nhưng Trần Kim Hoa là người sống ở Hà Nội và chứng kiến sự biến chuyển, xê dịch của Hà Nội. Và trong muôn hình vạn trạng của Hà Nội, giữa cũ và mới, giữa phố và làng, giữa ồn ào và thinh lặng, giữa tung hê và kín đáo, giữa được và mất..., Trần Kim Hoa đã chọn cho mình một Hà Nội của những giá trị mãi mãi thuộc về sự bất biến, cho dẫu đó là những hình ảnh của thoáng qua, của khoảnh khắc, hay của chìm khuất mà con - mắt - thơ của chị đã soi vào: “phố cổ không quen kín cổng cao tường/ tầm xuân bồn chồn nụ đỏ/ chị hàng hoa gánh hoa ngang qua phố hoa”.
Có những điều ai cũng nhìn thấy nhưng chỉ nhà thơ mới là người gọi ra được chính xác. Chất thi sĩ của Trần Kim Hoa là điều mà ta có thể cảm thấy qua mỗi câu thơ chị viết. Không làm dáng, không điểm phấn tô son, bằng lối viết giản dị nhưng thơ chị vẫn mang đến những cảm nhận mới mẻ, điều này quả thực không nhiều người viết làm được. “Hà Nội gió mùa đông bắc về/ phố chưa kịp trở vàng/ ai đó vừa thốt lời yêu đã vội vã chia tay/ những ngày thu cuối cùng phập phù trên cây bàng lá đỏ/ như tấm áo phù dung/ sắp sửa tuột khỏi bờ vai thiếu phụ...”. Cũng như vẻ đẹp của Hà Nội không đến từ những xa hoa, hào nhoáng vậy, mà đó là vẻ đẹp của sâu xa những tầng vỉa lịch sử, văn hóa, nghệ thuật bao đời.
Và cho dẫu Hà Nội đã khác, đang khác và rồi đây sẽ khác nhưng tôi tin thơ ca sẽ còn giữ lại những gì vốn dĩ thuộc về Hà Nội từ bao đời nay: “Hà Nội đầu thế kỷ hai mốt/ như người đẹp bước ra từ tiệm làm đầu/ tóc nhiều màu song mắt cứ là đen...”. Vâng, đó là tâm hồn Hà Nội mà bao đời vẫn giữ. Những bài thơ viết về Hà Nội của Trần Kim Hoa cũng thấm đẫm một tâm hồn Hà Nội như thế.
Nhà thơ Trần Kim Hoa sinh năm 1966 tại Hà Tĩnh. Chị đã xuất bản các tập thơ: Nơi em về (1990), Quá khứ chân thành (1998), Lối tầm xuân (2003), Họa mi năm ngoái (2006). Bên trời là tập thơ mới nhất của chị vừa được trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020.