Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận buổi làm việc
Tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Huyền Mai, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội thông báo dự kiến chương trình làm việc kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XIV; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 4 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 8 tháng cuối năm 2018 của Thành phố.
Trong 4 tháng đầu năm 2018, kinh tế Hà Nội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực; các chỉ số kinh tế đa số đều tăng khá và cao hơn mức tăng cùng kỳ. Thu ngân sách trên địa bàn 4 tháng đầu năm đạt 77.031 tỷ đồng, bằng 32,3% dự toán, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương thực hiện 4 tháng đầu năm 15.663 tỷ đồng, đạt 16,4% dự toán.
Chương trình trồng 1 triệu cây xanh được đẩy nhanh tiến độ. Toàn thành phố đã trồng thêm 340,9 nghìn cây các loại, nâng tổng số cây đã trồng lên 800 nghìn cây, đạt 80% mục tiêu chương trình. Công tác quản lý và phát triển đô thị tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Trật tự, an toàn giao thông được duy trì, trật tự đô thị tiếp tục được tăng cường, quản lý tốt.
Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chủ đề năm 2018 “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”; Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được quan tâm phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; công tác cải cách hành chính, nội chính và đối ngoại tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh. 8 tháng cuối năm 2018, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thực hiện các giải pháp thu ngân sách bền vững; tăng cường, nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị, bảo vệ môi trường…
Trưởng ban Pháp chế HĐND Thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết: Hà Nội đang tập trung xây dựng chính quyền đô thị và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy. Vì thế sẽ có nhiều nội dung phải vượt qua Luật Chính quyền địa phương do chưa đáp ứng được mong muốn của Thủ đô trong việc xây dựng Thành phố thông minh. Cùng với đó, thời gian qua, có nhiều luật mới được ban hành như Luật Nhà ở, Luật Quy hoạch… nhưng lại không gắn với Luật Thủ đô, vô hình làm vô hiệu hóa các cơ chế của Luật Thủ đô. Do đo, đồng chí đề nghị, cần bổ sung, sửa đổi Luật Thủ đô để tránh tình trạng luật sau bác bỏ luật trước.
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đánh giá về kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố 3 tháng đầu năm 2018, điểm sáng chính là thành phố đã thực hiện quyết liệt CCHC gắn với CNTT, tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề xử lý ô nhiễm nguồn nước các sông trên địa bàn Thành phố. Trên cơ sở đó, đại biểu kiến nghị Thành phố có văn bản chỉ đạo tới quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị sản xuất kinh doanh không chấp hành luật về Tài nguyên môi trường; phân loại và không khuyến khích các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường như: giảm cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, dệt nhuộm truyền thống…
Ngoài ra, các ĐBQH cũng nêu một số nội dung cử tri quan tâm như: các dự án mở rộng Quốc lộ 1A, đường 21B, mở rộng các tuyến đường phía Nam Thành phố để giảm ùn tắc giao thông; vấn đề cải tạo chung cư cũ…
Làm rõ các nội dung ĐBQH nêu về tình trạng xử lý nguồn nước ô nhiễm tại các sông trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết: hiện nay, Thành phố đang triển khai 02 dự án, trong đó 01 bằng vốn ODA của Nhật Bản và 01 dự án theo hình thức BT để thu gom xử lý toàn bộ nước thải, sau đó sẽ quay trở lại phổ cập nước tại sông Tô Lịch, dự kiến cuối 2020 đầu năm 2021 sẽ hoàn thành, từ đó cơ bản xử lý được nguồn thải ra sông Tô Lịch.
Về vấn đề xử lý ô nhiễm tại các làng nghề, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 2 năm qua, Hà Nội mới thí điểm nhà máy xử lý ô nhiễm ở 3 làng nghề thuộc huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, Thành phố đang vướng đơn giá định mức đối với việc xử lý 1m3 nước xử lý ô nhiễm. “Thành phố cũng xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, không thể ngày một ngày hai xử lý ngay được bởi nguồn vốn ngân sách còn hạn chế, mà cần có thời gian để kêu gọi các nhà đầu tư đầu vào nhà máy xử lý nước thải làng nghề”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh. Liên quan đến mở rộng Quốc lộ 1A, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết: Còn đoạn đường liên quan đến các huyện Thanh Trì, Phú Xuyên, Thường Tín đã được bố trí đầu tư đủ vốn, tuy nhiên, đang chờ GPMB để hoàn thiện…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tiếp thu các ý kiến từ các đại biểu, đồng thời, làm rõ thêm một số nội dung được nhiều cử tri quan tâm. Về hiện tượng ô nhiễm môi trường, nguồn nước, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, quy hoạch của Thành phố về giải quyết các dòng sông đã làm rất bài bản từ khóa trước, đưa toàn bộ các chương trình BT để vừa thoát lũ và vừa xử lý ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, sông Đáy. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên khó khăn cho các hạng mục đầu tư, tiến độ thực hiện chưa như mong muốn. Thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng cải tạo các con sông khỏi ô nhiễm, ưu tiên những dự án cấp bách, quản lý chặt các nguồn xả thải tại các sông, hồ…
Bên cạnh đó, với tư cách là Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho biết, Đoàn đại biểu tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của UBND Thành phố về những vướng mắc trong thực hiện quy định của pháp luật.