Sau khoảng thời gian yên lặng nghỉ Tết Nguyên đán, đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) Hà Nội đã trở lại sôi động bằng “cơn sốt” ảo tại 4 huyện chuẩn bị được nâng cấp hành chính thành quận vào năm 2020 là: Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức. Trong đó, “cơn sốt” đất hai bên Đại lộ Thăng Long (huyện Hoài Đức) được ghi nhận là mạnh nhất.
Đất tăng giá vì sắp lên quận
Anh Nguyễn Ngọc Chỉnh, trú tại xóm Giếng, thôn An Hạ, xã An Thượng (Hoài Đức) cho biết, gia đình anh có một lô đất hơn 200m2, được cắt thành 4 lô, mỗi lô có diện tích 50m2, cách đây chưa đầy nửa năm đã bán 2 lô với giá 10 triệu/m2. Hai lô còn lại ở thời điểm hiện tại đã có khách trả 16 triệu đồng/m2. “Giá đất tăng mạnh là do có thông tin huyện Hoài Đức sắp lên quận. Thời gian tới dự báo đất sẽ tiếp tục tăng cao hơn so với hiện nay nên gia đình vẫn giữa lại chưa muốn bán” - anh Chỉnh chia sẻ.
Trao đổi với chị Lương An Ngọc, chuyên môi giới BĐS tại khu vực xã An Thượng (huyện Hoài Đức) được biết, không chỉ đất nền trong khu dân cư tăng giá mà đất nền dự án tại các khu vực An Thọ, Vân Lũng, Phú Vinh... cũng ghi nhận giá tăng nhẹ từ 1 - 2 triệu đồng/m2, lên 13 - 14 triệu đồng/m2 tùy theo từng vị trí, thậm chí có vị trí đã ở mức 55 - 60 triệu đồng/m2.
Nhiều dự án bất động sản đang ''nở rộ'' ven Đại lộ Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng |
|
“Khách hàng thông qua trung tâm của tôi tìm đất chủ yếu là để kinh doanh, rất ít khách hàng có nhu cầu ở. Lãi suất gửi ngân hàng thấp, đầu tư vàng ổn định nhưng không có lời nên người dân đã đổ xô đi mua đất tại khu vực này để chờ tín hiệu tích cực khi Hoài Đức lên quận” - chị An cho biết.
Ghi nhận thực tế, tại các khu vực lân cận hai bên Đại lộ Thăng Long, đất nền tại một số khu vực đã được môi giới đẩy lên cao 1,5 - 2 lần so với thực tế. Cụ thể, giá đất thực tế tại khu vực thôn An Hạ (xã An Thượng) hiện được các gia chủ ra giá 15 - 16 triệu đồng/m2, nhưng khi qua trung tâm môi giới thì đều ở mức 20 - 25 triệu đồng/m2.
Qua tìm hiểu, giá đất tăng không phải do nhu cầu mua tăng lên mà do môi giới đã tìm cách “thổi giá” để kích cầu, các giao dịch thực tế diễn ra không có nhiều như những gì mà người dân đang tưởng tượng.
Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất (ĐK QSDĐ) Hà Nội - Chi nhánh huyện Hoài Đức Từ Thị Kim Ngọc cho biết, hiện nay, văn phòng đang phối hợp với Sở TN&MT Hà Nội tiến hành rà soát, tổng hợp tất cả các thông tin về việc sử dụng, đăng ký, chuyển nhượng đất đai trên địa bàn, để tổng hợp báo cáo UBND TP Hà Nội.
“Thời gian gần đây, tại huyện Hoài Đức có rộ lên thông tin giá đất tăng đột biến, do nhu cầu mua bán của người dân tăng cao. Nhưng trên thực tế, số lượng hồ sơ chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện tại Văn phòng ĐK QSDĐ vẫn ở mức ổn định, không có dấu hiệu tăng đột biến” - bà Từ Thị Kim Ngọc nói.
Không nên chạy theo tin đồn
Giám đốc sàn giao dịch BĐS IP Land Vũ Đức Tuyên cho biết, việc TP Hà Nội đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng để nâng cấp các huyện chuẩn bị lên quận đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa bàn này. Đồng thời cũng không thể phủ nhận việc đầu tư hạ tầng đã có tác động trực tiếp tới sự tăng giá của các sản phẩm BĐS tại khu vực.
“Việc gia tăng dân số nhanh, trong khi quỹ đất thì hạn hẹp, hơn nữa tâm lý chung của người Việt là muốn sở hữu chứ không muốn đi thuê là yếu tố khiến cho giá đất ngày càng tăng cao” - ông Tuyên chia sẻ.
Cũng theo ông Tuyên, ngoài việc tăng giá thực tế do tác động từ cơ sở hạ tầng, giá BĐS tại các khu vực này cũng chịu tác động không nhỏ từ đội ngũ “cò” đất, nhiều nhà đầu tư cũng kiêm luôn môi giới. Khi chủ đầu tư mở bán chính thức, nhà đầu tư thứ cấp nhanh chân đặt cọc để giữ suất và bán lại với giá chênh lệnh vài chục triệu đồng một sản phẩm.
“Việc nhà đầu tư thứ cấp đầu tư mang tính “lướt sóng” như vậy vừa kiếm được lời mà không phải bỏ ra vốn lớn. Qua kênh môi giới này, chỉ sau ít ngày giá trị của các sản phẩm BĐS đã được đẩy cao hơn” - ông Tuyên phân tích.
Theo đánh giá chung, môi giới kiêm nhà đầu tư là việc tất yếu của thị trường, nhưng câu chuyện một số cá nhân vừa là môi giới lại vừa có liên quan đến lợi ích của hợp đồng trong một giao dịch sẽ không đảm bảo tính minh bạch về tài chính và không tuân thủ pháp luật đối với giao dịch đó.
Theo Thạc sĩ Trần Quang Minh - Chuyên gia nghiên cứu thị trường, Hiệp hội BĐS Việt Nam, rất nhiều dự án vì không bán được sản phẩm nên nhà đầu tư đã thực hiện biện pháp bán qua lại cho nhau để tăng giá, từ đó lợi dụng hiệu ứng “đám đông” của người Việt để tăng thanh khoản sản phẩm của mình. Nhưng trên thị trường thì đây chỉ được xem là một “thủ pháp” chưa có dấu hiệu vi phạm pháp luật, nếu như các giao dịch qua tay nhau được thực hiện đúng trình tự, thủ tục và đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước.
“Vì vậy, đối với người dân khi quyết định mua một sản phẩm BĐS tại khu vực nào đó cần phải tìm hiểu giá trị thực tế, không nên chạy theo tin đồn, để “ôm” đất với giá cao sau đó không thanh khoản được, hoặc nếu có ở thì cũng bị mất giá. Người dân sẽ là những người chịu thiệt nhiều nhất nếu như mua bán theo hiệu ứng “đám đông” - ông Trần Quang Minh nói.