Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục đích: “Phát triển ngành công nghiệp văn hóa là một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ đô Hà Nội. Chiến lược phát triển văn hóa được thực hiện theo lộ trình, chuyên nghiệp, hiện đại phát huy lợi thế của Thủ đô Hà Nội - Trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội đi đầu cả nước”
Phấn đấu sán xuất 5 phim nhựa/năm
Theo Kế hoạch 112, các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biển diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa. Để phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội, nâng cao năng lực hưởng thụ văn hóa cho nhân dân Thủ đô đến năm 2030, Kế hoạch 112 đã đưa ra mục tiêu chủ yếu cho các ngành.
Cụ thể, ngành điện ảnh phấn đấu sản xuất được từ 3 – 5 phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuất từ 4 – 6 phim/năm; đầu tư nâng cấp hiện đại hóa các rạp chiếu phim, có từ 0,8 – 1,2 lượt/người năm xem phim (giai đoạn 2016 - 2020). Đến năm 2030, ngành điện ảnh phấn đấu mỗi năm sản xuất được từ 5 phim truyện nhựa/năm; phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình mỗi loại sản xuất từ 10 phim/năm.
Còn ngành nghệ thuật biểu diễn phấn đấu đạt khoảng 5 triệu USD (giai đoạn 2016 - 2020). Trong đó, đối với nghệ thuật truyền thống phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn 15 – 20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có 3.500 – 4.000 buổi biểu diễn. Mục tiêu đến năm 2030, ngành nghệ thuật biểu diễn phấn đấu đạt khoảng 8 triệu USD. Đối với nghệ thuật truyền thống phấn đấu mỗi năm dàn dựng và biểu diễn trên 20 vở mới/năm cho các loại hình chèo, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Đối với nghệ thuật chuyên nghiệp phấn đấu mỗi năm có trên 4.000 buổi biểu diễn
.
Riêng ngành du lịch văn hóa, phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2020 đạt 30 triệu lượt, trong đó có 5,7 triệu lượt khách quốc tế; công suất phòng khách sạn từ 60 – 65%; tổng thu từ khách du lịch là 5.563 triệu USD.
Ngoài ra, Kế hoạch 112 cũng xác định phát triển đa dạng, đồng bộ và hiện đại các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô một cách bền vững, ứng dụng công nghệ tiên tiến; xây dựng thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ văn hóa có thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế.
Nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 có trên 4.000 buổi biểu diễn/năm. Ảnh HT
Khuyến khích doanh nghiệp văn hóa khởi nghiệp
“Thành phố ban hành các chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa.” – Đấy là nội dung mà Kế hoạch 112 đã đặc biệt chú trọng đến giải pháp khuyến khích doanh nghiệp văn hóa khởi nghiệp. Như với ngành điện ảnh bên cạnh việc tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà sản xuất phim trong nước phát triển, chiếm thị phần lớn trong công tác phát hành tại Thủ đô… thì Thành phố còn đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực điện ảnh dưới mọi hình thức theo quy định của pháp luật. Hay trong ngành nghệ thuật biểu diễn, cùng với việc phát triển thị trường cho tác phẩm sân khấu, âm nhạc; bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc kết hợp với các loại hình nghệ thuật đương đại; tài trợ phổ biến các tác phẩm có chất lượng và doanh thu cao… thì Thành phố cũng kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, biểu diễn nghệ thuật, tổ chức sự kiện… Hoặc ngành nhiếp ảnh thì Thành phố tạo điều kiện để các sản phẩm, dịch vụ văn hóa của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa Thủ đô tham gia các triển lãm, hội chợ có uy tín của quốc tế.
Hơn nữa, Thành phố thu hút đầu tư bằng việc xây dựng các chính sách ưu đãi; phát triển mạng lưới doanh nghiệp, trong đó hình thành một số tập đoàn lớn về công nghiệp văn hóa ở các lĩnh vực truyền thông, điện ảnh, phát thanh và truyền hình, phần mềm và các trò chơi trực tuyến. Đồng thời, Thành phố ban hành những chính sách cụ thể, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển nguồn nhân lực, quảng bá, phát triển thị trường văn hóa, tạo mối liên kết thị trường về ngành nghề và khu vực, xây dựng thương hiệu quốc gia, đặc biệt mô hình hợp tác công tư (PPP); khuyến khích hình thành và phát triển các loại quỹ đầu tư trong lĩnh vực văn hóa.
Cùng với đó, Thành phố còn tiến hành cải cách thủ tục hành chính theo hướng tinh giản ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia: TCVN ISO 90001: 2008 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước hoạt động trong lĩnh vực quản lý văn hóa; từng bước cải thiện điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nâng cao hiệu quả việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trên thị trường văn hóa. Theo đó, ngành điện ảnh cần xây dựng bộ thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tinh gọn; hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ cấp phép phổ biến phim; tạo điều kiện cho các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Hà Nội còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, đăng cai các sự kiện văn hóa quốc tế lớn tại Thủ đô như: liên hoan phim quốc tế, lễ hội hoa anh đào, chương trình lễ hội âm nhạc quốc tế gió mùa, chương trình hòa nhạc ngoài trời Vietnam Airline Classic – Hà Nội concert… có uy tín trong khu vực, thu hút sự tham gia của các nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật có uy tín, được đông đảo công chúng quan tâm.
Như vậy, Hà Nội đang kỳ vọng những ngành công nghiệp văn hóa sẽ trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế Thủ đô. Không những thế, những ngành công nghiệp văn hóa này còn góp phần giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh, con người Thủ đô; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa…