Theo thống kê, Hà Nội hiện có khoảng 10,3 triệu người dân sinh sống, làm việc. Nhu cầu tiêu thụ lương thực, thực phẩm rất lớn. Dù vậy, năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp chưa thể đáp ứng 100% nhu cầu đối với một số ngành hàng như: Gạo, thịt trâu bò, thuỷ sản và rau xanh. Các sản phẩm khác mà Hà Nội cơ bản đáp ứng đủ phục vụ người dân gồm: Thịt lợn, thịt gia cầm, trứng gia cầm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để bảo đảm đủ nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô, đơn vị đã phối hợp với Sở NN&PTNT 55 tỉnh thành trên cả nước, đưa sản phẩm của 1.130 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến về tiêu thụ trên địa bàn TP. Sản lượng cung ứng hàng tháng từ các tỉnh thành đối với một số nhóm ngành hàng chính như: Rau, củ, trái cây (khoảng 92.600 tấn); thịt gia súc, gia cầm (hơn 13.200 tấn); thuỷ sản (gần 11.350 tấn)…
Bên cạnh nguồn cung, công tác phân phối cũng được Hà Nội hết sức quan tâm. Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thanh Hải cho biết, để bảo đảm đưa nông sản, thực phẩm đến với người dân Thủ đô, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở đã tổng hợp 1.208 điểm phân phối, lên phương án để mở cửa liên tục trong dịp Tết phục vụ người dân. Sở cũng tạo điều kiện hoạt động cho 25 trung tâm thương mại, 141 siêu thị, 454 chợ, hơn 2.000 cửa hàng tiện tích, gần 1.800 cửa hàng trái cây... nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm mọi lúc, mọi nơi cho người dân Thủ đô.
Giám sát chặt chẽ chất lượng hàng hoá
Nhằm bảo đảm chất lượng thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân 2022, UBND TP Hà Nội đã sớm ban hành kế hoạch, đồng thời thành lập 4 đoàn liên ngành, đi kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các quận, huyện, thị xã. Chú trọng đôn đốc địa phương tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến vi phạm quy định ATTP.
“Hiện, Sở Công Thương Hà Nội vẫn duy trì việc kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm với các tỉnh thành. Trong đó, đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử. Đối với hàng hoá phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Sở chủ trương giám sát bình ổn về giá, bảo đảm người dân được tiếp cận hàng hoá với giá tốt nhất...”.
Ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.
Năm 2021 cũng như thời điểm cận Tết Nguyên đán, Hà Nội tăng cường công tác lấy mẫu, giám sát chất lượng ATTP. Trong đó, tập trung vào nhóm các sản phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến tiêu dùng hàng ngày của người dân tại các công đoạn có nguy cơ cao. Với những mẫu vi phạm ATTP, lực lượng chức năng của TP tiến hành cảnh báo nguy cơ và yêu cầu khắc phục nghiêm túc.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, hiện nay các đoàn liên ngành của TP đang tiếp tục thanh tra, kiểm tra việc bảo đảm ATTP phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ghi nhận kết quả bước đầu cho thấy, công tác hậu kiểm và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP được các quận, huyện, thị xã quan tâm, thực hiện nghiêm.
Theo ông Vũ Cao Cương, vào dịp Tết, Sở Y tế Hà Nội sẽ chú trọng nhiều hơn đến công tác giám sát ngộ độc thực phẩm. Ngành y tế tiếp tục duy trì 4 đội cơ động để xử lý vấn đề về ATTP trong dịp Tết. Bên cạnh đó, trong năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng đến công tác ATTP, nhất là truyền thông và thanh kiểm tra, hậu kiểm; do đó năm 2022, công tác này sẽ được Hà Nội tăng cường, trên cơ sở bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Cho ý kiến tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp cho biết, nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán thường tăng. Do đó việc bảo đảm đầy đủ nguồn cung cần được Hà Nội quan tâm. Về bảo đảm ATTP, Hà Nội có sự phối hợp nhuần nhuyễn của các sở ngành nên không ghi nhận những vụ việc phức tạp.
“Trước mắt, Hà Nội cần chuẩn bị phương án để cung ứng nông sản, thực phẩm cho người dân, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán. Đối với công tác phân phối, cần chú ý bảo đảm 5K trong phòng chống dịch Covid-19 tại các điểm mua bán…” – ông Nguyễn Như Tiệp lưu ý.
Đẩy mạnh truyền thông về ATTP
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, trong bối cảnh dịch Covid-19, Hà Nội cơ bản bảo đảm được hai mục tiêu là đáp ứng đủ về sản lượng và quản lý tốt chất lượng nông sản, thực phẩm cho người dân Thủ đô. TP đã phân cấp rất rõ trách nhiệm, do đó các sở ngành có sự vào cuộc tích cực. Nhờ đó vấn đề ATTP của Hà Nội cơ bản được bảo đảm tốt, không phát sinh vụ việc phức tạp.
Năm 2022, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền mong muốn Bộ NN&PTNT tiếp tục quan tâm, hỗ trợ phát triển nông nghiệp Thủ đô, với kỳ vọng nông nghiệp Hà Nội phải có những khác biệt so với các tỉnh thành. Ở đó, nông nghiệp cần gắn với dịch vụ đô thị, tận dụng được tiềm năng, lợi thế, nhất là về khoa học công nghệ, nguồn nhân lực.
Liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP, Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chuyên môn phối hợp chặt chẽ với các sở ngành của TP trong việc triển khai Chương trình phối hợp số 7237/CTPH-BNNPTNT-UBND về bảo đảm ATTP, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm sản và thuỷ sản giai đoạn 2021 - 2025. Ưu tiên phát triển các nội dung của Dự án ATTP vì sự phát triển (SAFEGRO) nhằm phát triển các chuỗi cung ứng nông sản an toàn trên địa bàn Hà Nội.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đánh giá cao nỗ lực của ngành nông nghiệp Hà Nội trong năm đại dịch 2021. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, sản xuất nônng nghiệp của Hà Nội đã cơ bản đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Hà Nội cũng đã làm tốt công tác quản lý, giám sát và bảo đảm ATTP; không để xảy ra vụ việc phức tạp.
Dịp Tết Nguyên đán cận kề, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Hà Nội cần chú trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng đủ nhu cầu hàng hoá có chất lượng phục vụ người dân Thủ đô. Trong đó, tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông để người sản xuất có ý thức chấp hành nghiêm các quy định pháp luật; người tiêu dùng có những lựa chọn thông thái về nông sản, thực phẩm thiết yếu cho gia đình.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đồng tình với ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền về một số định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô trong năm 2022 và những năm tiếp theo. Bộ NN&PTNT sẽ đồng hành cùng Hà Nội để phát triển nông nghiệp Thủ đô có nét riêng; nông nghiệp hướng nhiều hơn đến phục vụ cho dịch vụ đô thị, chứ không chỉ dừng ở bảo đảm an ninh lương thực.