Kiến trúc - Quy hoạch

Gợi ý giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội

Yến Ly 23/05/2023 18:56

Sáng ngày 23/5/2023, Viện nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Gợi ý giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Tòa nhà Cung trí thức Thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại tọa đàm, Viện trưởng – TS. Lê Anh Ngọc cho biết: Thực hiện nhiệm vụ để triển khai các Nghị quyết quan trọng của Bộ chính trị có liên quan đến Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội chủ trì nhiệm vụ lập quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Và hội thảo này nhằm kêu gọi các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học đóng góp các ý tưởng phát triển Thủ đô.

TS. Lê Anh Ngọc nhấn mạnh: Sở dĩ lựa chọn sông Hồng là một nội dung trao đổi ngày hôm nay vì sông Hồng được xác định là trục phát triển quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn tới trong Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

0000.jpg
Tọa đàm khoa học “Gợi ý giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”

Giải pháp phát triển Thủ đô trong những năm tới đã được các chuyên gia nghiên cứu hoàn thiện đề xuất theo các trục: Trục sông Hồng, trục Hồ Tây – Ba Vì, trục Hồ Tây – Cổ Loa và hai trục không gian được nghiên cứu bổ sung mới nhất cho giai đoạn xa hơn về sau năm 2045 là phát triển trục Nhật Tân – Nội Bài, trục trung tâm Thủ đô – phía Nam Thủ đô. Đề xuất từ các nghiên cứu này đã được UBND Thành phố thông qua. Tuy nhiên, trục sông Hồng vẫn là phân khu quan trọng nhất trong giải pháp phát triển Thủ đô.

Theo GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, trong thư tịch cổ từ đầu Công nguyên ghi chép thì sông Diệp Du (tên của sông Hồng lúc bấy giờ) là hệ thống sông chính trên địa bàn quận Giao Chỉ, là động mạch chủ của toàn bộ hệ thống giao thông giao thương của người Lạc Việt, Âu Việt… Trên bản đồ các di tích khởi nghĩa như Hát Môn, Mê Linh, Cổ Loa, Luy Lâu, Vạn Xuân, Dạ Trạch… đều có mối quan hệ mật thiết với sông Hồng, bám dọc theo sông và lấy sông Hồng làm trục chính. Đến thời kỳ thành Thăng Long qua các triều đại Lý – Trần – Lê, Hồ Tây, Hồ Hoàn Kiếm, sông Tô Lịch và các hệ thống nhánh khác đều có sự liên thông với sông Hồng.

Tới thế kỷ 17, Samuel Baron, tác giả cuốn “Mô tả vương quốc Đàng Ngoài” đã ghi lại rằng: “Sông Hồng cực kỳ thuận tiện cho kinh thành. Tất cả hàng hóa đều dược mang đến đây theo dòng sông này. Đây là nơi thấu tóm mọi hoạt động của vương quốc. Vô vàn thuyền bè đi lại buôn bán khắp nơi trong nước.”

Và bản thân tên gọi “Hà Nội”, bắt đầu theo đúng nghĩa của chữ là một tỉnh “trong sông”, được bao bọc bởi sông Hồng ở phía Bắc và phía Đông, sông Đáy ở phía Tây và phía Nam, mà hạt nhân là khu đô thị cổ truyền tương đương với địa bàn hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận.

Tuy nhiên đã từng có một quãng ngắt đó là trong thời Pháp thuộc và thời kỳ bao cấp, hệ thống giao thông giao thương đường thủy và các dòng sông Hồng, Tô Lịch, Kim Ngưu không được khai thác, sử dụng. Sông Hồng bao đời được người Hà Nội chung sống đã mất đi vẻ thân thiện, hài hòa của một dòng chủ đạo lịch sử - kinh tế - văn hóa Thủ đô và trở thành chướng ngại vật khổng lồ cho bước đường phát triển đô thị Hà Nội.

Trong khoảng 20 năm qua, Hà Nội đã chứng kiến quá trình phát triển đô thị và đô thị hóa rất nhanh ở cả hai bên bờ sông. Hệ thống cầu đường được xây dựng, hiện đại và hệ thống giao thông hai bên bờ sông được nâng cấp. Các hoạt động phát triển và hoàn chỉnh hệ thống giao thông đã tạo kết nối hai bên bờ sông, kéo sông Hồng trở lại vị trí trung tâm, trục phát triển chủ đạo của Thủ đô Hà Nội.

Phân tích quá trình chuyển đổi của Hà Nội theo tiến trình lịch sử, TS. Nguyễn Quang đề cập tới sự thay đổi của cấu trúc không gian theo cùng quá trình đô thị hóa khu vực ven đô. Ông cũng làm rõ mô hình phát triển không gian đa trung tâm đòi hỏi lượng đầu tư lớn với những rủi ro cần kiếm soát và hạn chế đi kèm.

Hướng tới tầm nhìn Thủ đô sáng tạo, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đều mong muốn có thể vừa duy trì đặc sắc của thành phố ngàn năm văn hiến, vừa xây dựng một thành phố đầy sáng tạo, nơi hòa quyện của nghệ thuật, văn hóa và cuộc sống để Hà Nội trở thành một thành phố sống động bậc nhất khu vực./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Gợi ý giải pháp phát triển Thủ đô Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO