Kiến trúc - Quy hoạch

Kiến trúc sư Việt Nam: 75 năm hòa nhịp cùng dòng chảy lịch sử dân tộc

Vũ Hoài Đức 16/05/2023 08:49

75 năm trước, ngày 27/4/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người Cha già của dân tộc Việt Nam đã khai sinh ra ngôi nhà chung cho những kiến trúc sư (KTS) - những người vẽ nên những ngôi nhà, những không gian và cảnh quan…, góp phần làm đẹp thành phố, làng quê… 75 năm qua, những KTS Việt Nam có thêm một nơi chốn để đi về, hẹn hò, gặp gỡ… sẻ chia kinh nghiệm, học thuật, nói lên những khó khăn, bức xúc, và tiếp nhận những ý tưởng sáng tạo mới… Có lẽ tất cả đều bởi những kiến trúc được chính chúng ta góp phần làm nên trong lịch sử, đương đại... và cả những hình dung, mê đắm cho tương lai.

kien-truc-su-vn.jpg
Nhà Thủy Tạ bên Hồ Gươm năm 1940 (ảnh của nhiếp ảnh gia Mỹ Harrison Forman).

75 năm là quãng thời gian không dài so với lịch sử dựng nước và giữ nước trải hàng nghìn năm của dân tộc, nhưng biết bao điều đã diễn ra với nền kiến trúc Việt Nam hiện đại và hội nhập.

Không thể nói về quãng thời gian 75 năm đã qua mà không thể nhắc lại lịch sử kiến trúc cả nghìn năm trước. Lịch sử - như lời của KTS Ngô Huy Quỳnh đã nói, “ngoại xâm và nội chiến phong kiến đã thử thách giá trị truyền thống của di sản kiến trúc dân tộc”. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, kinh thành Thăng Long tráng kiệt và biết bao thành lũy, đồn điền, những công trình văn hóa, trong đó có kiến trúc làng ấp, đình chùa, đền miếu, lăng tẩm vua chúa trên mảnh đất Việt, đã trả giá cho nền độc lập của đất nước. Nói đến lịch sử kiến trúc Việt Nam, phải chăng là khẳng định sức sống bền bỉ vô song của nền văn hóa dân tộc. Ngày hôm nay và mãi mãi về sau, nói như KTS Vũ Tam Lang: “Nhân dân Việt Nam chúng ta có thể tự hào về nền kiến trúc đậm đà sắc thái dân tộc độc đáo còn tồn tại nhiều di tích là do những sáng tạo của cha ông chúng ta”.

Trên miền Hà Nội ngày nay, những vòng thành đất Cổ Loa – một cấu trúc độc đáo riêng có, còn tồn tại ít nhiều, là di tích minh chứng cho kinh đô cổ xưa nhất của đất nước. Một cấu trúc độc đáo thể hiện sức sáng tạo riêng, vừa chống lại nguy cơ diệt vong và bị đồng hóa, vừa nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa – văn minh của một nhà nước độc lập, tự chủ từ nửa sau thế kỷ III Trước Công nguyên. Các thế hệ về sau vẫn còn ghi nhớ: kinh nghiệm xây dựng 3 vòng thành từ Cổ Loa luôn được trao truyền cho hầu hết các kinh đô Việt, qua Hoa Lư, Thăng Long và mãi tận đến Phú Xuân sau này. Những nghiên cứu mới nhất về kiến trúc – quy hoạch Kinh thành Thăng Long công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín năm 2022, nhà nghiên cứu trẻ Đinh Thế Anh còn chứng minh được, ở thời đại của mình, vua Lý Thái Tổ đã sử dụng “Biểu Sơn phong” để định vị, thiết lập phương vị Hoàng thành và các công trình trong đó. Một kỹ thuật được tiếp thu những ứng dụng khác với cường quốc phương Bắc khi xưa. Điều này không chỉ làm rõ thêm tầm vóc và tầm nhìn thiên tài của Lý Công Uẩn mà còn khẳng định tư duy và tính bản thể của người Việt trong diễn trình lịch sử kiến trúc, nơi tính ngoại lai luôn được chúng ta chấp nhận, tiếp thu để làm nên bản sắc của riêng mình. Những tàn tích ít ỏi của Kinh thành Thăng Long được phát lộ 20 năm trước càng cho thấy rõ hơn điều này.

Sau đổi mới, hội nhập, kiến trúc của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam và đô thị - kiến trúc thời kỳ Pháp thuộc, đã được nhìn nhận khác trước… bởi chúng sinh thành trong giai đoạn dân tộc mất chủ quyền và đường lối chính trị của nhà Nguyễn. Suy cho cùng, lịch sử là khách quan dù “hào hùng” hay “bi tráng”. Những biệt thự xây dựng trước năm 1954 ở Hà Nội đang trên tiến trình bảo tồn và phát huy giá trị trong đương đại. Những công trình công cộng theo trường phái nghệ thuật châu Âu đã và đang được coi là di sản quan trọng, là dấu mốc của sự va chạm – giao hòa văn hóa trên bình diện kiến trúc; điểm đến của du khách trong và ngoài nước, để nhiều người ngỡ ngàng với vẻ đẹp của một “Paris ở Viễn Đông” – như cách gọi của một nhà nghiên cứu nước ngoài. Và thật tự hào thay, trong thời kỳ Pháp thuộc, đất nước còn tăm tối ấy, ý thức dân tộc đã chớm nở trong sáng tạo kiến trúc của những KTS Việt Nam đầu tiên được đào tạo bài bản ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, bên cạnh những KTS phương Tây có tư tưởng tiến bộ - tôn trọng bản sắc văn hóa Việt như Ernest Hébrard (1875-1933). Tòa nhà Thủy Tạ nhỏ xinh bên bờ Hồ Hoàn Kiếm của KTS Võ Đức Diên vẫn còn đây như minh chứng cho những thành công của thế hệ tài năng ấy. Công trình như một dải lụa duyên – vừa là nét gạch nối giữa một quảng trường kiểu Tây (Đông Kinh Nghĩa Thục) với không gian độc đáo của Hồ Gươm, vừa là điểm tựa – và cũng là sự tiếp nối trong tổ chức không gian của những kiến trúc truyền thống: đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc... Ông cùng các thế hệ KTS tiền bối: Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp… đã gieo mầm cho những lớp KTS hôm nay. Và những thực hành kiến trúc của họ đã góp phần vào quỹ di sản tuyệt đẹp ở thời kỳ cận hiện đại cho Hà Nội và cả nước.

75 năm trôi qua, tính đến năm 1986, thì có đến 38 năm, tức là có đến một nửa thời gian, các thế hệ KTS cùng với cả nước ở trong giai đoạn chiến tranh – chia cắt và bao vây, cấm vận. Trong khi đó, kiến trúc thế giới chuyển mình mạnh mẽ với đa dạng các trào lưu hiện đại. Trước đó, ở giai đoạn chiến tranh, kiến trúc miền Nam đi theo xu hướng riêng của phong cách “Nhiệt đới ẩm”, kiến trúc và KTS miền Bắc cũng tìm cho mình cách đi riêng trong gian khó… Dù trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt, nhưng dường như các KTS vẫn chung một cách nghĩ, cách làm trong thực hành kiến trúc, thoát ly hoàn toàn khỏi xu hướng kiến trúc trang trí nghệ thuật thời kỳ Pháp thuộc, để hôm nay chúng ta có thể nói rằng: thế hệ ấy âm thầm tiếp dẫn kiến trúc đương đại của thế giới theo một cách riêng đáng để ghi lại. KTS Hà Nội tự hào bởi tác phẩm Cung văn hóa thiếu nhi Hà Nội của KTS Lê Văn Lân. Ông đã để lại cho đời – cho Hà Nội một công trình công cộng đáng nhớ. Một tổ hợp kiến trúc hiện đại, hài hòa về tỷ lệ - bảo tồn được kiến trúc lịch sử, bảo vệ được cảnh quan Hồ Gươm mà tạo lập được không gian tươi sáng - tựa như chức năng của công trình. Bên cạnh những công trình do các KTS Việt Nam thiết kế, những kiến trúc quan trọng nhất trong thời kỳ gian khó ở Hà Nội vẫn còn đây, và còn vẹn nguyên giá trị. Đó là: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và bảo tàng mang tên Người, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt - Xô, Khách sạn Thắng Lợi… Những KTS xuất sắc của các nước XHCN cũ đã “tặng” cho Hà Nội, cho chúng ta những tác phẩm kiến trúc có tầm vóc.

Giờ đây, kiến trúc và KTS Việt Nam đã thực sự bước với trào lưu toàn cầu hóa. Những kiến trúc hiện đại – những khu đô thị mới là biểu hiện vật thể rõ ràng nhất cho bước phát triển thần kỳ của đất nước gần 40 năm qua, tính từ khi đổi mới, mở cửa – hội nhập. Trong không gian Hà Nội đã và đang xuất hiện các kiến trúc ấn tượng và độc đáo: Bảo tàng Hà Nội với dáng hình “kim tự tháp ngược”, Vòng cung ấn tượng của trụ sở Tổng công ty Viễn thông quân đội hay những những khối bàn xoay vuốt gốm giao thoa với nhau ở Bảo tàng gốm Bát Tràng…

bao-tang-gom-bt.jpg
Bảo tàng gốm Bát Tràng

Trong thời đại của cách mạng công nghệ 4.0, của Chat GPT, của ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong mọi lĩnh vực… thiết kế và kiến trúc sắp tới có thể sẽ có những thay đổi lớn lao. Và thời gian sẽ nhìn lại những gì chúng ta đã đặt lên mảnh đất này với cách nhìn mới. Nhưng sự ghi nhận của hiện tại với đóng góp của chúng ta chính là khởi đầu cho tương lai… Hy vọng rằng trong không gian đô thị Hà Nội “ngày mai” sẽ có thêm những kiến trúc xứng đáng đại diện cho thời kỳ hiện đại, do thành viên của Hội KTS Việt Nam kiến tạo nên./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Kiến trúc sư Việt Nam: 75 năm hòa nhịp cùng dòng chảy lịch sử dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO