Gợi mở giải pháp xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng
Ngày 24/11, tại Hội trường Nhà máy xe lửa Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), Tạp chí Kiến trúc đã chủ trì tổ chức hội thảo “Đề án xây dựng Công viên văn hóa cảnh quan bãi giữa sông Hồng: Tầm nhìn và Giải pháp”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023.
Hội thảo được chia làm hai phiên: Phiên 1 (buổi sáng): Bàn về tiềm năng phát triển không gian cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng thành công viên văn hóa cảnh quan - không gian xanh cho cộng đồng cùng những hướng quản lý, chính sách từ phía chính quyền. Phiên 2 (buổi chiều): Những bài học kinh nghiệm trên thế giới cũng như các kịch bản phát triển cho Bãi Giữa sông Hồng ở tương lai.
Sông Hồng chảy qua Hà Nội có chiều dài khoảng 120km (bắt đầu từ xã Phong Vân, huyện Ba Vì và kết thúc ở xã Quang Lăng, huyện Phú Xuyên). Bãi nổi sông Hồng (Bãi Giữa) là vùng đất được phù sa bồi đắp trong nhiều năm, là không gian rộng lớn có diện tích khoảng 23ha. Khu vực này thuộc địa giới quản lý của 4 quận Tây Hồ (các phường Tứ Liên, Yên Phụ); Ba Đình (phường Phúc Xá); Hoàn Kiếm (các phường Phúc Tân, Chương Dương); Long Biên (phường Ngọc Thụy) và phần lớn diện tích Bãi Giữa nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm.
Trục sông Hồng và Bãi Giữa, Bãi bồi sông Hồng thuộc vùng đang mang lại những kỳ vọng tươi sáng cho ngày mai đột phá sáng tạo từ những mục tiêu đặc ra trong tổng thể Chương trình Quy hoạch Xây dựng một đô thị Hà Nội Văn hiến - Văn minh - Hiện đại. Những cây cầu lịch sử hay hiện đại đều là những kết nối quan trọng trong không gian đôi bờ sông Hồng. Nhất là cầu Long Biên, chứng nhân lịch sử, nằm vắt ngang khoảng trục giữa sông Hồng, ngay trên Bãi giữa, đang có những thay đổi cơ bản về cách ứng xử trong quy hoạch mới, là một điều kiện tham chiếu và kết nối thuận lợi trong nghiên cứu vấn đề quy hoạch cho không gian khu vực này.
Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 cũng như bản sửa đổi của Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/TTg ngày 26/7/2011 với mục tiêu đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội là Thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại đã xác định lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Bãi Giữa sông Hồng nếu được khai thác hiệu quả, sẽ trở thành một biểu tượng mới cho Hà Nội về một không gian xanh gắn liền với thiên nhiên.
Theo Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Bãi Giữa, Bãi nổi sông Hồng được định hướng xây dựng Công viên Văn hóa đa chức năng, quy hoạch các tuyến đường giao thông kết nối từ khu vực nội đô và từ thành phố phía Bắc, xây dựng các quảng trường, đài vọng cảnh… phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, tham quan, khám phá, vui chơi giải trí của người dân và du khách…
Phát biểu tại Hội thảo, ông Đỗ Đình Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội cho biết, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị năm 2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rất rõ việc sử dụng văn hóa là nguồn lực mới để phát triển Thủ đô. Đặc biệt là Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ năm 2023 về thực hiện và hiện thực hóa Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, trong đó có phần nội dung nói về việc xây dựng Công viên Văn hóa cảnh quan Bãi Giữa sông Hồng. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Thành phố Hà Nội đã được giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Không gian sáng tạo và công viên cảnh quan hai bên bờ sông Hồng… Đây là nội dung cần sự cộng hưởng của nhiều lĩnh vực, nhiều cơ quan từ kiến trúc, sáng tạo đến quy hoạch.
“Trong việc phát huy giá trị các dòng sông của Hà Nội, tôi chỉ có một mong ước về góc độ văn hóa là hãy hoàn thiện, chỉnh trang nó, làm thế nào để mỗi dòng sông trở thành một công viên phù hợp với lợi thế, giá trị vốn có. Hi vọng hội thảo có thể làm rõ hơn, cho thấy những tầm nhìn phát triển về kinh tế xã hội, quy hoạch xây dựng xung quanh hai bờ sông Hồng, nhất là phát huy khu Bãi Giữa sông Hồng…”, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội nhấn mạnh./.