Đời sống văn hóa

Giữ hồn Tết Việt phương xa

Linh Anh 16:28 03/02/2025

Có những thời khắc mà một món ăn, một mùi hương, một khung cảnh, một dáng hình bỗng dưng ùa về trong tâm trí chẳng hề báo trước. Như là khi những trang lịch cuối cùng của năm gọi mưa phùn bay nhè nhẹ, bánh chưng xanh dẻo thơm bên bếp than hồng, hương thoảng đưa từ nồi nước mùi già mẹ nấu, cái cảm giác sum vầy ấm áp bên gia đình… quyện lại thành nỗi xuyến xao trong tim. Với những người con ở phương xa, dòng ký ức này có lẽ càng cuộn trào hơn cả, như sóng vỗ từng hồi từng hồi không cách nào ngừng lại. Để rồi, họ chọn cách tự tạo ra không khí Tết cho mình, cho những người thân bên cạnh và sẻ chia cùng bạn bè quốc tế, để cùng đón một năm mới rực rỡ nhất theo cách “thật Việt Nam”.

Đi xa mới thấy mình muốn tìm hiểu về nguồn cội

Chị Mầu Thị Phương Thảo (30 tuổi, hiện đang sống tại Đức) chia sẻ sang Đức 4 năm cũng là chừng ấy năm chị tìm hiểu và sống trọn trong những trang sử Việt, ẩm thực Việt. “Kì lạ lắm! Khi sang Đức, tôi mới bắt đầu tìm hiểu nhiều hơn về nguồn cội, về những điều mà trước đây bỏ lỡ. Có lẽ là vì ở nước ngoài, ngày qua ngày lại thấy “tính Việt Nam” trong mình dần bị thay thế bởi những thói quen bản địa, khẩu vị cũng theo thời gian mà bị thuần phục bởi những đồ ăn thậm chí trước đây nghĩ đến là đã chẳng mặn mà. Thì cũng chính khi đó, tinh thần Việt Nam lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn cả, lại thấy tự hào vì dòng máu con Rồng cháu Tiên đang chảy trong người và tha thiết, khao khát giữ gìn nó”, Thảo bộc bạch.

img_8321.jpg
Để có đủ nguyên vật liệu cho một góc nhà Tết, Thùy Linh phải chuẩn bị từ trước 2 tháng.

Từ những tìm hiểu và thực hành, căn bếp nhỏ của gia đình Thảo tại thành phố Bad Langensalza (bang Thüringen, nước Đức) vẫn luôn đỏ lửa với nồi cơm trắng, đĩa đậu rán đơn sơ tẩm hành, nồi cá kho, bát bún thang, phở sốt vang… Những món ăn quê hương giúp cho tinh thần của cô được vực dậy những khi mỏi mệt nhất, kết nối với gia đình và nhận ra rằng: Ẩm thực là minh chứng rõ nhất, con đường ngắn nhất, mang đến cảm xúc nhanh và mạnh mẽ nhất có thể đưa người con xa quê quay trở về cảm giác ở nhà quen thuộc. Vậy nên dù bận rộn hay phải đứng trước nhiều khó khăn như nguyên liệu chế biến đắt đỏ, khó tìm, dù ngày thường hay dịp Tết, Thảo vẫn luôn trang trí nhà cửa và nấu những mâm cơm theo cách truyền thống của Việt Nam.

img_8322.jpg
Thùy Linh mang phong tục, những nét đẹp ngày Tết cổ truyền đến ngôi nhà ở Toulouse, nước Pháp.

Giống như Thảo, cô gái Nguyễn Quỳnh Hoa (sinh năm 1987, hiện sống tại Nhật Bản) cũng cảm nhận khi đi xa mới thấy muốn nấu món Việt Nam, muốn tìm hiểu văn hóa đất nước nhiều hơn. Những ngày cuối năm, khi bước đi trên đường phố Tokyo, cô thường cảm thấy nhớ nhà và có đôi chút cô đơn. Thảo bộc bạch: “Giờ đây khi ở xa, nhìn hoa mơ nở, tôi lại thèm được về nhà chỉ để hít hà mùi thơm của những nồi nước mùi già mẹ nấu, được uống chén chè sen của bố và nghe những bản nhạc cũ những chiều cuối năm…”.

Quỳnh Hoa tâm sự thêm, khi còn nhỏ, cô không hiểu vì sao năm nào cỗ Tết cũng chỉ lặp lại với ngần ấy món ăn như vậy. Sau này, khi xa nhà, phải tự mình chuẩn bị cỗ Tết, cô mới hiểu những món ăn Tết tuy năm nào cũng nấu nhưng chẳng năm nào có mùi vị giống hệt nhau. Bởi người nấu mỗi năm đều sẽ dựa vào tình hình làm ăn của gia đình mà nấu ra mâm cỗ mang nhiều tâm tư của người giữ lửa gia đình nhất - có những vui buồn, trăn trở, có những thanh thản, bình yên, đó là vị Tết trong những món ăn lặp lại nhưng “chín dần” theo độ tuổi. Vậy nên dù Tết cổ truyền ở Nhật không được nghỉ, Thảo vẫn lên kế hoạch trang trí nhà cửa, chuẩn bị một mâm cỗ Tết với những món ăn của các gia đình Hà Nội dù đó là những món ăn mà ngày còn ở nhà, cô chưa bao giờ tự nấu.

mam-co-co-truyen-voi-bon-bat-tam-dia-duoc-minh-thuc-hien-nhu-mong-muon-cua-me-minh-la-phai-giu-duoc-cho-cac-con-coi-nguon..jpg
Mâm cỗ Quỳnh Hoa chuẩn bị luôn đủ 4 bát 8 món.

Cụ thể vào ngày nghỉ, Hoa thường chuẩn bị trước các nguyên liệu cho các món ăn đòi hỏi nhiều thời gian chế biến như làm giò sống, viên mọc, sơ chế măng khô… trữ đông để nấu cỗ Tết. “Tôi luôn giữ những nguyên tắc mâm cỗ cổ truyền với bốn bát - tám đĩa từ lời dặn của mẹ là phải giữ được cho các con cội nguồn. Bốn bát gồm: canh măng khô móng giò, bát nấm thả, rau củ mọc, bát miến tim. Tám đĩa gồm: cá trắm kho riềng, hạnh nhân xào, thịt đông, nem rán, giò lụa, tôm hấp, rau củ luộc, dưa muối. Ba món cơ bản gồm: gà luộc - bánh chưng - xôi gấc. Thêm nữa, nhà chồng tôi thường nấu bún thang vào mồng ba Tết sau khi hóa vàng nên giờ đây nấu bún thang mỗi dịp Tết ở Nhật cũng trở thành thói quen của gia đình tôi”, Quỳnh Hoa chia sẻ.

Những người phụ nữ như Phương Thảo, Quỳnh Hoa hay rất nhiều người con Việt Nam xa xứ khác dù định cư ở nước ngoài nhưng vẫn luôn giữ trong tim niềm tự hào rằng mình là người Việt. Ý thức rằng gia đình nhỏ đang tiếp xúc với văn hóa bản xứ mỗi ngày nên điều khiến những người con Việt Nam suy ngẫm không phải con bị lạc lõng giữa môi trường sống mà là lạc lõng với người thân ở Việt Nam khi chẳng giữ được điều gì về văn hóa - truyền thống Việt. Vì vậy, họ tự đặt ra trách nhiệm phải làm tròn là ngoài một cái Tết nước ngoài vào ngày 1/1 dương lịch thì còn phải giữ được một cái Tết Việt trọn vẹn vào ngày 1/1 âm lịch, để nhớ về mâm cỗ Tết, về phong tục thờ cúng, đêm giao thừa… và quan trọng nhất là luôn hướng về cội nguồn.

Trở thành “sứ giả” lan tỏa Tết Việt, văn hóa Việt

Đỗ Thùy Linh (sinh năm 1989, sống tại Pháp) xa Hà Nội từ năm 2019, đến nay đã chuẩn bị đón cái Tết thứ 5 trên đất khách. Mỗi dịp Tết đến xuân về, trong cô ngoài nỗi nhớ quê hương còn xen lẫn sự háo hức được chuẩn bị Tết cho gia đình nhỏ. Vợ chồng cô có một cậu con trai 4 tuổi, hiện đang sống cùng bố mẹ chồng là người Pháp gốc Việt. Trước Tết cả tháng, cô đã bắt đầu lên kế hoạch sẽ trang trí nhà cửa như thế nào, nấu những món gì vì ở nước ngoài mọi nguyên liệu đều không sẵn như tại Việt Nam. Việc đầu tiên và yêu thích nhất của Linh là năm nào cũng đi mua những tàu lá dong đẹp nhất về gói bánh, mang ý nghĩa và đem lại không khí Tết nhất. Rồi cô chuẩn bị măng khô, nấu thịt đông, muối dưa cải… Đặc biệt, bố mẹ chồng của Linh dù gốc Việt nhưng là người Pháp, không sinh ra và lớn lên ở Việt Nam nhưng rất hưởng ứng, hào hứng với việc chuẩn bị Tết, yêu thích những phong tục mà cô con dâu Hà Nội chính là “đường dẫn”.

ngoai-chuan-bi-nhung-bua-an-phuong-thao-con-mang-cau-chuyen-van-hoa-viet-den-gan-hon-voi-ban-be-quoc-te..jpg
Ngoài chuẩn bị những bữa ăn, Phương Thảo còn mang câu chuyện văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè quốc tế.

“Hồi ở Việt Nam, tôi thường được cùng mẹ chuẩn bị mọi thứ cho Tết nên cũng có nhiều kinh nghiệm. Và bây giờ, tôi lại sử dụng kinh nghiệm đó để chia sẻ cùng gia đình chồng, trên một đất nước khác, thấy ý nghĩa và tự hào hơn rất nhiều”, Thùy Linh chia sẻ. Những ngày cuối năm, ngôi nhà kiến trúc Pháp ở thành phố Toulouse của gia đình Linh lại trở nên ấm áp, rực rỡ hơn với cây tre, đèn lồng, dây ruy băng, dây tài lộc, bao lì xì đỏ, cành đào, chậu quất, cúc vàng, bát hoa thủy tiên, mâm ngũ quả, mâm cỗ Tết… Cô con dâu khéo léo kết nối mọi thành viên trong nhà cùng nhau chuẩn bị, bày biện, trang trí một cách phấn khởi để tạo ra một không khí Tết Việt Nam trong căn nhà Pháp.

Dù bận rộn nhưng được nấu cỗ, đón tiếp họ hàng, bạn bè tới nhà, Linh cảm thấy hạnh phúc vô cùng. “Đối với tôi, dù Tết phương xa vẫn luôn rộn ràng và ấm áp. Nhiều gia đình cộng đồng Việt quanh đây cũng sửa soạn đón Tết nên các gia đình cũng bớt cô đơn hơn. Có những khi ngó qua ngó lại các nhà, thấy nhà ai cũng thấy rất tưng bừng đón Tết, ai cũng sửa soạn trang trí nhà cửa rộn ràng, ai cũng gói bánh chưng bánh tét, ai cũng canh măng, thịt kho làm tôi cảm thấy không phải như mình đang ở Pháp, mà là đang ở giữa không khí Tết ở Việt Nam vậy”, Linh chia sẻ.

Những phong tục, món ăn Việt lại có thể trở thành một sợi chỉ đỏ mang mọi người đến gần nhau hơn. Phương Thảo cho biết cô hiện đang làm việc trong một nhà hàng ở Đức và không biết từ lúc nào, cô đã chọn cách trở thành một “sứ giả” đem văn hóa Việt đến gần hơn với thế giới. Cô ý thức rằng bước chân lên lãnh thổ nước Đức, cô không chỉ là con của bố mẹ mình nữa mà là một công dân Việt Nam, mọi hành vi, thái độ và cử chỉ lúc này nếu không chú ý sẽ có thể làm ảnh hưởng đến suy nghĩ của người khác về dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, Thảo luôn cẩn trọng nhất có thể trong hành xử và đặc biệt là khi đem một món ăn giới thiệu đến với người lạ, cô cũng luôn cố gắng giữ tính chân thật và mộc mạc nhất.

“Tôi chuẩn bị những món ăn cho các vị khách người Đức và đi kèm với món ăn là những câu chuyện mang nhiều cảm xúc. Có khi là chủ đề lịch sử, có khi là sự tích dân gian, hay có khi lại đơn giản là một thông tin thực tế về vị trí địa lý của dải đất hình chữ S liên quan trực tiếp đến nguyên liệu chế biến. Ví dụ như vì sao chúng tôi lại gói bánh chưng vào ngày Tết? Vì sao gạo lại xuất hiện trong mâm cơm và trong nhiều món ăn biến thể như bún, phở… đến thế? Cứ như vậy, những món ăn nấu cho người nước ngoài đã lay động trái tim, nhiều vị khách đã rưng rưng nước mắt khi ăn món Việt và nghe câu chuyện Việt”, Thảo chia sẻ thêm.

Ngoài mang những món ăn của đất nước chia sẻ cùng bạn bè quốc tế, mỗi dịp Tết đến, Thảo còn hẹn những người đồng hương Việt Nam ở Đức tụ họp, tổ chức những bữa tiệc đón năm mới tưng bừng, rộn rã. “Những bạn trẻ nhỏ hơn tôi tầm 7 - 10 tuổi bên này nhiều em chẳng nấu ăn chẳng biết gì mấy về truyền thống nhưng cứ sang nhà tôi là được “tuyên truyền” cho ngấm vào người, cũng đều tự hào vì dòng máu Việt chảy trong mình. Sau này, tôi cũng muốn trở thành người có thể đồng hành và hỗ trợ thế hệ người Việt f2, f3, f4 sang nước Đức biết đến Việt Nam, về văn hóa Việt nhiều hơn”, Thảo nói về dự định.

Năm mới, những người con phương xa vẫn một lòng hướng về Việt Nam với nỗi nhớ. Và họ cũng muốn gửi gắm với đồng bào rằng bằng cách nào đó, mỗi người vẫn đang nỗ lực để giữ hồn Tết Việt phương xa, để sống đúng với niềm tự hào dân tộc luôn chảy trong tim./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Mùa xuân và tục khai bút của người Việt
    Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có rất nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục. Trong đó, tục khai bút được xem như là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần trọng học, trọng cái đẹp của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về. Tương truyền, tục khai bút xuất hiện ở Việt Nam gắn với việc tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An - một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học và dược lưu danh là “Ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam”.
  • Về làng Đồng Kỵ, xem người dân rước "ông pháo" khổng lồ
    Sáng mùng 4 Tết, hàng vạn người dân và du khách tấp nập đổ về phường Đồng Kỵ, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh để cùng chứng kiến lễ hội rước pháo truyền thống. Đây là một trong những lễ hội giàu bản sắc truyền thống ở Bắc Ninh, khởi đầu cho một năm mới nhiều tài lộc, may mắn.
  • Dâng hương kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi
    Sáng 1/2 (mùng 4 Tết Ất Tỵ), tại Khu di tích chiến thắng Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn nhân kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789).
  • Trang trọng Lễ rước kiệu đền Hai Bà Trưng
    Sáng 1/2 (tức mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ), nghi thức rước kiệu Hai Bà Trưng năm 2025 mở đầu cho lễ kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trang trọng diễn ra tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
  • 9 lễ hội đặc sắc của Hà Nội
    Là một địa danh ngàn năm văn hiến, những lễ hội truyền thống ở Hà Nội cũng được lưu giữ và truyền lại từ đời này qua đời khác. Như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân Thủ đô, chứa đựng những giá trị văn hóa tiêu biểu tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Tết truyền thống cùng sắc thái văn hóa Mường tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
    Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi hoạt động đặc sắc “Vui xuân Ất Tỵ: Sắc thái văn hóa Mường, Hòa Bình” vào hai ngày mùng 4-5 Tết (tức ngày 1 và ngày 2/2 dương lịch).
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Lễ hội xuân miền di sản
    Địa linh, tự bản thân nó đã là nơi chung đúc nên linh khí và kiến tạo các giá trị vật thể của vùng đất. Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, “nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa Nam Bắc Đông Tây” (Chiếu dời đô), là một địa linh từ ngàn xưa. Ở nơi này, người người tụ họp, do cố kết với nhau, cộng mệnh cộng cảm mà thành ra những lễ hội của cộng đồng.
  • Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người
    “Lương tri” và “phẩm giá” con người, cùng sự kết tinh và thăng hoa của nó, - hai tiêu chí thiêng liêng và cao quý này, không dễ gì mà bạn bè quốc tế đã từng trân trọng dành cho chúng ta, coi đó là biểu tượng khí phách của Thủ đô Hà Nội và toàn dân tộc.
  • Tết Việt dưới góc nhìn di sản
    Tết Nguyên đán còn được gọi là Tết Cả. Đã có nhiều huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ dân gian xưa phản ánh nguồn gốc của Tết Cả mang tính thuần Việt như “Truyện Lang Liêu” (hay còn gọi là “Sự tích bánh chưng, bánh dày”), “Sự tích Táo Quân”, “Sự tích cây nêu”,… Và trong lịch sử hàng nghìn năm qua, Tết Cả không ngừng duy trì và củng cố mối liên kết tình cảm giữa các cá nhân, gia đình và đất nước, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sự tiếp nối của nền văn minh nông nghiệp.
  • Gắn biển công trình Trường THPT Tây Hồ chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam
    Ngày 3/2, trong không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân Ất Tỵ, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức lễ gắn biển công trình Trường THPT Tây Hồ, một sự kiện quan trọng chào mừng 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 – 3/2/2025).
  • Truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam
    Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã mở ra một trang sử mới, đưa đất nước ta từ thân phận nô lệ trở thành một quốc gia độc lập, tự do và phát triển. Trong suốt 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội đón 1 triệu lượt khách du lịch dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
    Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Thủ đô Hà Nội đón khoảng 1 triệu lượt khách du lịch, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước.
  • Mùa xuân và tục khai bút của người Việt
    Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam có rất nhiều phong tục hay, đáng được gọi là thuần phong mỹ tục. Trong đó, tục khai bút được xem như là một nét đẹp văn hóa, thể hiện tinh thần trọng học, trọng cái đẹp của người Việt mỗi khi Tết đến Xuân về. Tương truyền, tục khai bút xuất hiện ở Việt Nam gắn với việc tưởng niệm nhà giáo Chu Văn An - một con người chính trực, từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà về Chí Linh (Hải Dương) để mở trường dạy học và dược lưu danh là “Ông tổ của đạo Nho ở Việt Nam”.
  • Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Đón hơn 65.000 lượt khách trong 3 ngày đầu năm mới
    Thông tin từ Trung tâm Hoạt động văn hoá, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, tính riêng trong 3 ngày Tết Nguyên đán Ất Tỵ, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã đón trên 65.000 lượt du khách. Dự kiến, trong cả 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán, số lượng người dân và du khách đến tham quan, trải nghiệm tại di tích sẽ còn tăng cao.
  • Dâng hương kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi
    Sáng 1/2 (mùng 4 Tết Ất Tỵ), tại Khu di tích chiến thắng Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu đã dâng hương tưởng nhớ Hoàng đế Quang Trung và nghĩa quân Tây Sơn nhân kỷ niệm 236 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789).
  • Đền Sóc nhộn nhịp trước ngày khai hội
    Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội) năm 2025 sẽ khai hội vào ngày 3/2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Ất Tỵ). Đây được xem là một trong những lễ hội lớn nhất của Hà Nội cũng như khu vực phía Bắc. Những ngày đầu năm mới, trước thời điểm khai hội đã có rất đông người dân và du khách đến với Khu di tích đền Sóc để du xuân, vãn cảnh và cầu bình an.
  • Trang trọng Lễ rước kiệu đền Hai Bà Trưng
    Sáng 1/2 (tức mùng 4 tháng Giêng năm Ất Tỵ), nghi thức rước kiệu Hai Bà Trưng năm 2025 mở đầu cho lễ kỷ niệm 1985 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã trang trọng diễn ra tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội.
  • Ban mai
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Ban mai của tác giả Nguyễn Bình Phương.
  • 9 lễ hội đặc sắc của Hà Nội
    Là một địa danh ngàn năm văn hiến, những lễ hội truyền thống ở Hà Nội cũng được lưu giữ và truyền lại từ đời này qua đời khác. Như một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần người dân Thủ đô, chứa đựng những giá trị văn hóa tiêu biểu tốt đẹp, đậm đà bản sắc dân tộc.
  • Ra mắt phần 2 phim tài liệu "Hồ Chí Minh - Con đường phía trước"
    Với độ dài 2 tập (20 phút/tập), bộ phim tái hiện 1 giai đoạn lịch sử khi Nguyễn Ái Quốc đến Liên Xô với giấy thông hành mang tên người thợ ảnh “Chen Vang”.
  • Đền Hai Bà Trưng: Di tích quốc gia đặc biệt, điểm du lịch văn hóa tâm linh
    Đền Hai Bà Trưng là di tích lịch sử lớn nhất và lâu đời nhất Việt Nam, thờ hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị - hai vị anh hùng đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa đánh đổ ách thống trị của nhà Đông Hán vào năm 40 - 43 (sau Công nguyên) giành lại nền độc lập, tự chủ dân tộc. Ngày nay, nơi đây còn là điểm đến tâm linh hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch khắp nơi đến tham quan, chiêm bái.
Giữ hồn Tết Việt phương xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO