Giao lưu văn hóa làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc
Thời gian qua, hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam – Trung Quốc được đẩy mạnh, có nhiều dấu ấn, góp phần làm sâu sắc thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc, đồng thời tô đậm mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Trung.
Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, trong hai ngày 12 – 13/12/2023, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Nhân dịp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có bài viết đăng trên Báo Nhân Dân của Việt Nam.
Nội dung bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có đoạn nhấn mạnh việc giao lưu văn hóa nhân dân giữa Việt Nam – Trung Quốc ngày càng sâu sắc: “Các tác phẩm kinh điển truyền thống Trung Quốc được nhiều người dân Việt Nam biết đến, các tác phẩm truyền hình đương đại Trung Quốc cũng rất được người dân Việt Nam yêu thích. Nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đang rất thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc, ca sĩ Việt Nam nhận được số lượng lớn người hâm mộ Trung Quốc khi tham gia chương trình truyền hình giải trí của Trung Quốc. Giao lưu nhân dân ngày càng mật thiết, giống như các dòng suối nhỏ vươn dài chảy mãi, hội tụ thành dòng sông giao lưu hữu nghị rộng lớn giữa hai nước”.
Thực vậy, trong nhiều năm qua, nhất là khi Việt Nam và Trung Quốc nâng mối quan hệ thành “đối tác chiến lược toàn diện” từ năm 2008, hai quốc gia “núi liền núi, sông liền sông” không ngừng đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, học hỏi lẫn nhau. Đặc biệt hơn, Việt Nam và Trung Quốc đã thúc đẩy thực hiện tốt “Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc” đã được hai bên ký kết, đồng thời triển khai, thực hiện Kế hoạch Hợp tác Văn hóa và Du lịch Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 2023 - 2027.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam, nhiều năm qua, tại các tỉnh có chung đường biên giới, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Việt Nam đã chỉ đạo các Sở trực thuộc tăng cường các hoạt động trao đổi, giao lưu văn hóa, nghệ thuật giúp nhân dân hai nước hiểu sâu hơn về văn hóa giữa hai quốc gia, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hợp tác, hữu nghị; từ đó, thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Minh chứng cụ thể, tháng 11/2023, trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Lai Châu 2023, các đoàn nghệ thuật tỉnh Lai Châu (Việt Nam) và huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã cùng đem đến cho khán giả những tiết mục nghệ thuật hát, múa mang đậm bản sắc văn hóa hai nước, ca ngợi tình yêu quê hương đất nước; vẻ đẹp của đất và người Việt Nam; mối quan hệ láng giềng thủy chung sắt son, bền chặt của nhân dân tỉnh Lai Châu (Việt Nam) với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).
Đối với hoạt động mỹ thuật, nhiều sự kiện đã được tổ chức ở cả Việt Nam và Trung Quốc. Nổi bật phải kể đến, năm 2017, Triển lãm mỹ thuật đương đại Việt Nam tại Trung Quốc với tên gọi “Đồng hành 2017”, diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Trung Quốc - China Art Museum, giới thiệu gần 40 tác phẩm của 18 họa sĩ Việt Nam. Cùng đó phải kể đến triển lãm Nghệ thuật Việt Nam - Trung Quốc 2018 diễn ra tại Cung Hữu nghị Việt - Trung (Hà Nội), thu hút hàng nghìn người dân hai nước cũng như du khách quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn, thúc đẩy giao lưu văn hóa nói chung, mỹ thuật Việt – Trung nói riêng thêm sâu sắc, toàn diện.
Điện ảnh cũng là một trong những lĩnh vực nghệ thuật được đẩy mạnh giao lưu, hợp tác giữa hai quốc gia Việt – Trung. Các nhà làm phim Việt Nam và Trung Quốc đã cùng hợp tác sản xuất các tác phẩm điện ảnh được khán giả chú ý, như, “Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông”, “Kế hoạch 99 - Lưới trời lồng lộng”, “Vượt qua bến Thượng Hải”, “Hà Nội, Hà Nội”, “Tình xuyên biên giới”… Trong khi đó, các đài truyền hình của Việt Nam thường xuyên chiếu các tác phẩm do Trung Quốc sản xuất, với nhiều bộ phim cổ trang được xếp vào hàng kinh điển, như: Tây du ký, Bao Thanh Thiên, Thuỷ hử, Hồng lâu mộng, Tân dòng sông ly biệt, Tiếu ngạo giang hồ...
Ngược lại, dù là một quốc gia có nền điện ảnh hùng mạnh và hàng đầu thế giới, Trung Quốc vẫn nhập khẩu phim Việt để giới thiệu đến khán giả ở đất nước tỷ dân. Đặc biệt phải kể đến phim “Hai Phượng” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân đã ra rạp tại Trung Quốc hồi tháng 9/2019, đã gây “sốt” với người xem tại Trung Quốc. Ngoài ra, trên các đài truyền hình Trung Quốc cũng chiếu phim một số Việt Nam tiêu biểu, như: “Ba mùa”, “Mùa đu đủ xanh”, “Bao giờ cho đến tháng Mười”...
Việt Nam và Trung Quốc cùng tham dự Festival Nghệ thuật sân khấu Trung Quốc - ASEAN tại Nam Ninh (2018), Festival Nghệ thuật sân khấu Trung Quốc - ASEAN (2019), Diễn đàn Văn hóa Trung Quốc - ASEAN,... Hằng năm, điện ảnh Việt Nam tích cực tham dự các liên hoan phim quốc tế tại Trung Quốc có uy tín, gồm: Chợ phim Hồng Kông, Liên hoan phim Thượng Hải…
Hòa vào dòng chảy giao lưu văn hóa nghệ thuật Việt – Trung, những năm qua, các đoàn nghệ thuật của hai nước thường xuyên tổ chức các chương trình biểu diễn nghệ thuật tại mỗi nước. Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Đoàn Ca múa nhạc nhẹ Vạn Xuân, Đoàn Nghệ thuật dân tộc Khơ Me (tỉnh Sóc Trăng), Đoàn Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia Việt Nam… đã sang thăm và biểu diễn tại nhiều địa phương của Trung Quốc, giới thiệu hồn cốt văn hóa Việt Nam tới người xem ở quốc gia tỷ dân. Ngược lại, Đoàn Xiếc Hoành Dương, Đoàn Ca múa nhạc Vân Nam, Đoàn Nghệ thuật xiếc Vân Nam, Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương Trung Quốc, Đoàn Nghệ thuật Chiết Giang, Đoàn Kinh kịch Trung Quốc… đã có những chuyến lưu diễn tại nhiều địa phương của Việt Nam, để lại ấn tượng sâu sắc đối với người dân quốc gia hình chữ S.
Có thể khẳng định, quá trình và các hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc đã giúp nền văn hóa của mỗi nước thêm sự phát triển phong phú, đa dạng hơn. Từ giao lưu văn hóa, nền văn hóa mỗi nước đã tổng hợp, tích hợp các yếu tố ngoại sinh thành các yếu tố nội sinh, làm thay đổi nhiều về diện mạo và nội dung của nền văn hóa. Hơn nữa, hoạt động giao lưu văn hóa thúc đẩy nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa. Quá trình giao lưu, trao đổi văn hóa giúp Việt Nam và Trung Quốc tiếp nhận những giá trị và thành tựu văn hóa nổi bật của nhân loại để làm giàu thêm kho tàng văn hóa của mình. Trong quá trình này, nhân dân hai nước sẽ hiểu hơn những giá trị, sản phẩm văn hóa vật thể, phi vật thể của nước mình và nước bạn, từ đó có thái độ trách nhiệm với văn hóa nhân loại. Mặt khác cũng có tinh thần trân trọng, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Giao lưu văn hóa Việt – Trung cũng góp phần hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Trong quá trình giao lưu, hai nền văn hóa Việt Nam và Trung Quốc có cơ hội để chuyển giao vốn, khoa học kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm hiện đại hóa nền văn hóa dân tộc. Đây cũng là cơ hội để mỗi quốc gia tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ văn hóa, tham gia thị trường văn hóa phẩm của nhau một cách bình đẳng./.