Sự kiện & Bình luận

Bốn vấn đề quan trọng nhằm tăng cường hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung

T. Trang 11:09 17/11/2023

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, các địa phương cần chủ động, quyết tâm và sáng tạo hơn nữa góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận. Đồng thời, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.

Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đây là sự kiện đối ngoại chính trị và kinh tế quan trọng của Thủ đô Hà Nội, thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc. Chủ đề của hội nghị lần thứ X là “Mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác giữa các tỉnh, thành phố hành lang kinh tế Việt - Trung nhằm phát triển kinh tế trong tình hình mới”.

ptt.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế Việt - Trung lần thứ X.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Việt Nam nhất quán xác định hợp tác hữu nghị giữa địa phương hai nước là bộ phận cấu thành quan trọng của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc. Trong đó, hợp tác giữa các địa phương Việt Nam với tỉnh Vân Nam đã hình thành và phát triển một cách tự nhiên trên nền tảng tình hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai bên.

Cụ thể, Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương cần quyết tâm, chủ động và sáng tạo hơn nữa góp phần thực hiện tốt các thỏa thuận. Đồng thời, nỗ lực không ngừng để củng cố, vun đắp quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng bền vững.

Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đi đôi với việc cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các khuôn khổ, mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, điều kiện của các địa phương. Từ đó, tạo ra những bước đột phá trong hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, du lịch...

Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc hợp tác để quản lý tốt và sử dụng an toàn, hiệu quả, bền vững nguồn nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực; bảo đảm sinh kế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống cho người dân hai bên.

Đặc biệt, cần phối hợp nhằm củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình, hữu nghị; đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ. Đồng thời, tạo thuận lợi hơn nữa cho nhân dân khu vực biên giới an cư, lạc nghiệp và tăng cường giao thương./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Bốn vấn đề quan trọng nhằm tăng cường hợp tác hành lang kinh tế Việt – Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO