Giải bài toán khó trong lĩnh vực văn hóa để Việt Nam vươn mình trong thời kỳ mới
Trong kỷ nguyên mới, khi đất nước Việt Nam đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển mạnh mẽ, lĩnh vực văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững. Để giải bài toán khó này, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết chúng ta cần thực hiện một số giải pháp cấp thiết, cần làm ngay trong lĩnh vực văn hóa giúp Việt Nam vươn mình trong thời kỳ mới.
Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách
PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, cho rằng, để văn hóa thực sự vươn mình, không chỉ cần sự phát triển tự thân của văn hóa mà còn cần một nền tảng thể chế vững vàng, những chính sách đột phá và sự chung tay từ mọi thành phần xã hội. Từ đó, văn hóa Việt Nam không chỉ duy trì giá trị cốt lõi mà còn được tiếp thêm sức sống mới, sẵn sàng đón nhận những đổi thay và khẳng định vị thế quốc gia trong cộng đồng toàn cầu.

Từ khi Đổi Mới đất nước đến nay, vấn đề thể chế, chính sách văn hóa đã được nhận biết và hoàn chỉnh, sửa chữa qua việc ban hành nhiều văn bản pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch. Tuy vậy, vấn đề thể chế trong văn hóa hiện vẫn là một trở ngại lớn với nhiều vấn đề cần khắc phục: trước hết là sự chồng chéo và mâu thuẫn trong nhiều văn bản luật ở cả trung ương và địa phương của những bộ, ban, ngành khác về nguồn nhân lực, nguồn tài chính, đất đai, tài sản, nhà cửa, tổ chức...
“Xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách phải bắt đầu từ tư duy mở, sẵn sàng đón nhận những ý tưởng đổi mới, khuyến khích sự sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của người làm văn hóa. Để làm được điều này, các thể chế, chính sách văn hóa cần được xây dựng với tầm nhìn xa, không chỉ đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn phải tiên đoán được xu hướng tương lai, giúp văn hóa có thể linh hoạt thích nghi với những thay đổi của thời đại, góp phần tạo động lực phát triển hơn là duy trì tính ổn định và chưa đồng bộ như hiện nay” - PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
Đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Văn hóa chỉ thực sự vươn mình trong thời kỳ mới khi chúng ta phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu của thời đại mới. Từng bước cân đối cơ cấu nguồn lực cán bộ cho phù hợp. Có chính sách phát hiện, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, trọng dụng nhân tài. Đào tạo lực lượng lao động có các kỹ năng và chuyên môn phù hợp để thích ứng trong bối cảnh mới, có ước mơ và động lực, có năng lực sáng tạo, có khả năng thích ứng với môi trường chuyển đổi. Đầu tư vào giáo dục và đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như bảo tồn di sản, nghệ thuật, truyền thông văn hóa… để tạo ra một thế hệ chuyên gia có năng lực đóng góp vào việc phát triển văn hóa quốc gia.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương, đặc biệt cần đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật truyền thống là một vấn đề cấp bách hiện nay bởi chèo, tuồng, cải lương... đang ngày càng sụt giảm số lượng khán giả cả trên truyền hình và ngoài rạp. Doanh thu của những tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống không cao và thu nhập của nghệ sĩ cũng chưa đủ để đảm bảo cho cuộc sống của họ.

Trong bối cảnh này việc tuyển sinh những ngành nghệ thuật truyền thống ở bậc trung cấp, cao đẳng, đại học vẫn tiếp tục gặp khó và có xu hướng sụt giảm số sinh viên. Do đó việc có những ưu đãi học bổng và miễn học phí cho sinh viên những ngành này là một việc làm cần thiết. Chính sách tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp những ngành này về những tổ chức nghệ thuật cũng cần thay đổi theo hướng thu nhập tăng thêm cần phải cao hơn so với những loại hình nghệ thuật hiện đại như kịch nói hay ca nhạc vốn có nhiều khán giả hơn.
Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế và quảng bá mạnh mẽ văn hóa Việt Nam ra thế giới
Chúng ta cần khuyến khích các cá nhân tổ chức tham gia tích cực vào các hoạt động hợp tác quốc tế với tư cách là thành viên của các mạng lưới quốc tế về văn hóa, nghệ thuật. Đổi mới hình thức triển khai công tác ngoại giao văn hóa trong và ngoài nước, tích cực ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đáp ứng mục tiêu: Thúc đẩy quan hệ, hội nhập văn hóa, quảng bá đất nước, qua đó đóng góp vào xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời chủ động bảo vệ các giá trị, nền tảng tư tưởng của Đảng, thành quả của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Văn hóa Việt Nam đã hội nhập với văn hóa thế giới từ hơn ba thập niên qua với mức độ ngày càng sâu rộng qua quá trình giao lưu và tiếp xúc với văn hóa thế giới. Trong quá trình này yếu tố chủ đạo vẫn là sự tiếp nhận văn hóa thế giới vào văn hóa Việt Nam. Đây là một điều đúng đắn và tích cực nhưng nhìn một cách lâu dài thì mặt là những giá trị văn hóa Việt Nam không được biết đến nhiều và sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam chưa được phát huy và phát triển trên thế giới.

Để giải quyết vấn đề này việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới cần được thực hiện mạnh mẽ hơn giai đoạn trước qua mọi kênh phù hợp như hệ thống truyền thông bao gồm truyền hình, phát thanh và Internet cần được tiếp tục đẩy mạnh. Việc thúc đẩy giao lưu hợp tác quốc tế nhằm giới thiệu văn hóa Việt Nam vẫn cần tiếp tục được thực hiện, bên cạnh đó cần xây dựng thêm một số Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài bên cạnh hai trung tâm ở Lào và Pháp để việc quảng bá và giới thiệu văn hóa nhanh chóng và có hiệu quả hơn.
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH)
Phát triển các ngành CNVH nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng văn hóa Việt Nam, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị của đất nước trong kỷ nguyên mới, khiến cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển các ngành CNVH đòi hỏi hệ thống các giải pháp về chính sách, truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực, nguồn lực. Nhất là phát triển các ngành CNVH Việt Nam trên cơ sở hướng tiếp cận tổng thể và hệ thống, bao gồm nhiều vấn đề tương tác và có mối liên quan mật thiết đến nhau như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực với các kỹ năng toàn diện về kinh doanh, quản trị, năng lực sáng tạo; xây dựng cơ chế tài chính, cơ chế pháp lý, phát triển các chương trình giáo dục, đào tạo và các mạng lưới làm việc, phát triển công chúng...
Các hoạt động này mang tính tổng thể, đòi hỏi sự hợp tác giữa những bộ ngành khác nhau và liên quan đến tất cả các đối tác công và tư. Một cách tiếp cận chiến lược tổng thể là cần thiết, bao gồm sự cải tổ trong giáo dục, kỹ năng, hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển thương hiệu và thị trường và sự tích hợp với các ngành có liên quan khác. CNVH trong kỷ nguyên mới này cần phải có sự phát triển mạnh hơn giai đoạn trước.

Muốn thực hiện được điều này cần phải cụ thể hóa những mục tiêu đã được nêu ra trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045”. Nhưng bên cạnh đó, đòi hỏi phải có sự thay đổi hay cải cách những vấn đề về thể chế pháp luật liên quan đến việc phát triển công nghiệp văn hóa như những vấn đề tài chính, đầu tư cho văn hóa, lao động và nguồn nhân lực văn hóa, thuế sản phẩm và dịch vụ văn hóa, phát triển doanh nghiệp văn hóa... Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức truyền thống của xã hội cũng như của những bộ ngành khác và chính quyền địa phương về văn hóa.
Công việc trước mắt cần thực hiện là sự phối hợp giữa Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch và các Bộ, ban ngành liên quan, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về tiền thuê đất cho những doanh nghiệp văn hóa cũng như luật đầu tư, tài trợ, hiến tặng để tạo điều kiện thu hút vốn đầu tư và các nguồn lực đa dạng từ xã hội cho lĩnh vực văn hóa. Nhiệm vụ thứ hai là ban hành những chính sách hỗ trợ việc chuyển những đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp những dịch vụ và sản phẩm văn hóa cần được thực hiện mạnh hơn giai đoạn trước.
Tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa
Chuyển đổi số trong văn hóa là một xu hướng tất yếu trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập toàn cầu. Chuyển đổi số trong văn hóa mang lại nhiều tác động tích cực, không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là một bước đi chiến lược và cần thiết để đảm bảo rằng văn hóa Việt Nam không chỉ được lưu giữ mà còn phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên số…
Cùng với chuyển đổi số trong những lĩnh vực khác của xã hội, chuyển đổi số trong văn hóa sẽ góp phần tạo dựng nên một xã hội số với một nền kinh tế số mạnh mẽ và năng động. Việc thực hiện thành công chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa đòi hỏi sự đồng bộ trong chính sách, công nghệ, nguồn lực và sự tham gia của cả mọi cá nhân, cộng đồng, tổ chức, đơn vị.
Bằng cách xây dựng một hệ thống thể chế, chính sách cho phát triển văn hóa mạnh mẽ, toàn diện, Việt Nam sẽ xây dựng nền văn hóa không chỉ là nền tảng của xã hội mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển, mang đến cho dân tộc “sức mạnh mềm” để đứng vững trong kỷ nguyên mới. Thể chế, chính sách sẽ là đôi cánh giúp văn hóa vươn cao, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và là kim chỉ nam dẫn đường cho dân tộc đi tới tương lai.
Ngoài các giải pháp kể trên, PGS. TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng chúng ta cũng cần đổi mới tư duy, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp xã hội; tăng cường đầu tư cho văn hóa.
Trong kỷ nguyên mới, văn hóa chính là động lực phát triển bền vững của đất nước. Các giải pháp tập trung vào bảo tồn, đổi mới, sáng tạo và hội nhập văn hóa sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ gìn được bản sắc dân tộc mà còn vươn mình ra thế giới. Những nỗ lực này sẽ góp phần xây dựng một xã hội văn minh, giàu bản sắc và đầy sáng tạo, phù hợp với xu thế phát triển của kỷ nguyên mới./.