Chính sách & Quản lý

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước

Quỳnh Phạm 16:47 31/08/2024

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ban hành Chỉ thị số 30/CT-Ttg về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Nhiều chuyển biến tích cực nhưng còn bất cập, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa

Chỉ thị nhấn mạnh, trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) đang có xu hướng phát triển mạnh mẽ và được xác định là yếu tố quan trọng, bền vững nhằm thu hút nguồn lực, tạo lợi thế cạnh tranh, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, định vị thương hiệu quốc gia. Việt Nam có tiềm năng, lợi thế lớn về nhiều mặt để phát triển các ngành CNVH, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước, phù hợp với xu thế của thời đại.

ket-4.jpg
Các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta thời gian qua đã phát triển nhưng còn nhiều bất cập, hạn chế. (Ảnh minh họa).

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”, Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã nhấn mạnh cần “Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh”. Việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc phát triển các ngành CNVH ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: Thiếu các văn bản quy phạm pháp luật quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể có liên quan trong một số lĩnh vực; Cơ chế, chính sách chưa theo kịp thực tiễn, quá trình tổ chức thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực chưa đạt hiệu quả; Cơ chế phối hợp còn thiếu đồng bộ; Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng, dàn trải, việc huy động nguồn lực xã hội chưa đạt yêu cầu.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng; chưa xác định được sản phẩm, dịch vụ trọng tâm, chủ lực. Hệ thống theo dõi, thống kê chưa chuẩn hóa, khó đánh giá; hành vi sao chép bất hợp pháp sản phẩm sáng tạo, vi phạm pháp luật về bản quyền chưa được ngăn chặn kịp thời, triệt để...

“Là các ngành mới trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các quốc gia trên thế giới có nhiều cách tiếp cận về CNVH phụ thuộc vào tiềm năng, lợi thế cạnh tranh và định hướng phát triển. Để thúc đẩy phát triển CNVH, cần chú trọng, đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo, phát huy nguồn vốn văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước”, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.

Đồng thời, phát triển các ngành CNVH phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đa dạng, liên kết đa ngành, lĩnh vực; có tư duy sắc bén, hành động quyết liệt, hiệu quả, biết lựa chọn tinh hoa và tạo đột phá phát triển; đáp ứng được các yếu tố: Sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng; từng bước tạo dựng thương hiệu quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; phù hợp với quy luật của kinh tế thị trường, luật pháp trong nước và quốc tế.

Nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành công nghiệp văn hóa

Trong giai đoạn mới, để các ngành CNVH Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế lớn, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quán triệt, nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, giá trị của các ngành CNVH đối với sự phát triển của kinh tế xã hội và quảng bá văn hóa Việt Nam; đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc chỉ đạo phát triển các ngành CNVH. Tiếp tục chủ động triển khai Chiến lược theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.

Các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động rà soát, tham mưu trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cần thiết để hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy phát triển các ngành CNVH trong giai đoạn tới; ưu tiên các chính sách về: Ưu đãi đầu tư, đối tác công - tư, quản lý tài sản công, thuế, tiếp cận tín dụng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, rà soát, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh nhằm phát huy vai trò, nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, đội ngũ nhân lực sáng tạo.

cnvh-2.jpg
Các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của CNVH đối với sự phát triển đất nước. (Ảnh minh họa).

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của các ngành CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động, phối hợp xây dựng phương án đầu tư, hỗ trợ theo từng giai đoạn đối với một số lĩnh vực CNVH cần ưu tiên phát triển; trong đó xây dựng kế hoạch và triển khai thí điểm đến năm 2030 đối với một số lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, như: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, du lịch văn hóa... Chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/2/ 2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.

Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng khung chỉ tiêu thống kê về các ngành CNVH, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý II năm 2025. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu và hình thành bản đồ số về các ngành CNVH, báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý III năm 2025; xây dựng sản phẩm, dịch vụ CNVH đặc trưng gắn với vùng, miền, địa phương; nghiên cứu, đề xuất, kết nối hình thành quỹ khuyến khích sáng tạo và phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm không trùng lặp, chồng chéo với các quỹ khác liên quan đến phát triển văn hóa nếu có.

Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tổ chức thường niên các sự kiện công bố sáng tạo quốc gia đối với các sản phẩm, dịch vụ CNVH; tổ chức hoạt động tôn vinh, trao giải thưởng cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong việc phát triển các ngành CNVH.

Chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất bổ sung kế hoạch đào tạo theo từng giai đoạn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các ngành CNVH. Đề xuất chính sách đào tạo nguồn nhân lực trẻ, tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật nhằm hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành CNVH; báo cáo cấp có thẩm quyền trong Quý II năm 2025.

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan và địa phương xây dựng các chương trình hỗ trợ, tư vấn theo từng giai đoạn về CNVH; hình thành các không gian sáng tạo, trung tâm hỗ trợ sáng tạo, nghệ thuật; hỗ trợ, kết nối các không gian sáng tạo trong cả nước và kết nối với mạng lưới không gian sáng tạo quốc tế; hỗ trợ địa phương xây dựng hồ sơ và đăng ký tham gia vào “Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO".

Cùng với đó, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch chủ trì chủ trì, phối hợp thường xuyên với các bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế hợp tác, liên kết giữa các tổ chức đại diện quyền tác giả, quyền liên quan, tác giả, chủ sở hữu, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng... trên cơ sở minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên; xây dựng hệ thống phần mềm tìm kiếm, đối chiếu, so sánh giúp phát hiện, chống vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng và môi trường kỹ thuật số.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ: Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Ngoại giao, Xây dựng, Công thương; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Hội, Hiệp hội, tổ chức liên quan đến các CNVH; cộng đồng doanh nghiệp; các chuyên gia, các cá nhân sáng tạo… xác định các hoạt động, nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay và các nhiệm vụ dài hạn, cách thức tổ chức thực hiện, thời gian thực hiện, thời gian hoàn thành; kịp thời kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện và gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

Bài liên quan
  • Khai thác di sản văn hóa gắn với phát triển công nghiệp văn hóa
    Chiều 27/8, UBND quận Bắc Từ Liêm tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Di sản văn hóa Bắc Từ Liêm, làng khoa bảng Đông Ngạc với kết nối chuỗi giá trị di sản văn hóa, du lịch trong phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thành phố sáng tạo”.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Quận Bắc Từ Liêm triển khai 5 nhiệm vụ thi hành Luật Thủ đô
    UBND quận Bắc Từ Liêm vừa ban hành Kế hoạch về triển khai thi hành Luật Thủ đô (sửa đổi) trên địa bàn quận. Kế hoạch của quận Bắc Từ Liêm đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, qua đó nhằm bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao nhận thức về Luật Thủ đô, chính sách xây dựng và phát triển Thủ đô, trách nhiệm của các cấp, các ngành và địa phương trong việc thi hành Luật.
  • Xúc động chương trình "Điểm tựa Việt Nam"
    Chương trình "Điểm tựa Việt Nam" được truyền hình trực tiếp tối 15/9 trên kênh VTV1 đã kể câu chuyện chân thực, xúc động từ những nơi cơn bão đi qua.
  • [Podcast] Câu chuyện truyền thanh: Tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam
    Trong lúc mọi người tản mát mỗi nơi thì Bình xán tới bên người phụ nữ chủ quán vui vẻ thân thiện: Chào chú! mời chú uống nước, trà nhà tôi tự chế biến đấy/ Dạ cháu xin bác ạ! trà thơm quá...
  • Chung tay giúp người dân thu hoạch lúa sau mưa lũ
    Những ngày này, Chính quyền huyện Thanh Oai cùng nhiều ban ngành, đoàn thể đã xuống đồng hỗ trợ bà con nông dân khắc phục các diện tích ngập úng, nhằm hạn chế tối đa các thiệt hại về sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
  • Hà Nội: Tăng cường khắc phục hậu quả bão số 3
    Tính đến thời điểm 19h00 ngày 14/9/2024, trên địa bàn các quận, huyện, thị xã đã huy động 100% lực lượng tham gia dọn vệ sinh môi trường với số lượng khoảng 139.000 người...
Đừng bỏ lỡ
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, tạo động lực mới cho sự phát triển đất nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO