Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) được Đại biểu Quốc hội đánh giá cao, cần thiết sớm được ban hành
Tại phiên thảo luận Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sáng 27/11 ở hội trường, kỳ họp thứ Sáu, Quốc hội khóa XV; ngoài những góp ý tâm huyết để Dự án Luật đạt chất lượng tốt nhất, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao Dự thảo Luật và sự cần thiết sớm ban hành Luật này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng (đoàn Thành phố Cần Thơ), cho biết, đồng tình rất cao với việc ban hành sửa đổi Luật Thủ đô. Theo ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng, về chính trị, pháp lý đã có Nghị quyết số 06 của Trung ương, Nghị quyết số 15 và Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị, trong đó nhấn mạnh yêu cầu và mục tiêu: xây dựng và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách phát triển Thủ đô trở thành thủ đô văn minh, hiện đại, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa liên kết đô thị.
ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, từ cơ sở thực tiễn, qua 10 năm thực hiện Luật Thủ đô 2012 cho thấy, kết quả thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Luật còn nhiều hạn chế, tồn tại, nhất là về công tác quy hoạch, xây dựng, giao thông, hạ tầng văn hóa, xã hội, tôn giáo, việc thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển, vấn đề an sinh xã hội, phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường… Do đó, ĐBQH Nguyễn Mạnh Hùng đồng tình rất cao với việc ban hành sửa đổi Luật Thủ đô.
Có chung quan điểm, ĐBQH Nguyễn Quốc Luận (đoàn Yên Bái) đồng tình và nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật Thủ đô. ĐBQH Nguyễn Quốc Luận bày tỏ thống nhất cao với các nội dung trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) của Chính phủ trình kỳ họp thứ 6 (ngày 10/11/2023). Theo đánh giá ĐBQH Nguyễn Quốc Luận, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện khá đầy đủ, toàn diện các nhóm chính sách trên cơ sở kế thừa Luật hiện hành, đồng thời bổ sung thêm một số chính sách mới, trong đó có nhiều nội dung chính sách mang tính đột phá, đặc thù để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện...
ĐBQH Nguyễn Quốc Luận cho rằng, sửa đổi Luật Thủ đô sẽ khắc phục những tồn tại, hạn chế trong 10 năm thi hành Luật trong việc xây dựng, quản lý, thực hiện quy hoạch, quản lý, sử dụng đất, cơ chế tài chính, chính sách liên vùng, quản lý dân cư, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, phát triển an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ, môi trường để hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của Thủ đô. Từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, đưa Thủ đô trở thành trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ lớn, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, là động lực phát triển của vùng và cả nước.
Trong khi đó, ĐBQH Tráng A Dương (tỉnh Hà Giang), cho biết, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang đề xuất những chính sách đặc thù vượt trội, tạo cơ chế thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Điều này đồng nghĩa với các quy định chính sách tại dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ không tránh khỏi những xung đột với các văn bản luật hiện nay và trong tương lai. Từ đây, ĐBQH Tráng A Dương cho rằng, cơ quan soạn thảo cần lưu ý để giải quyết vấn đề này.
Bên cạnh đó, ĐBQH Tráng A Dương cho biết cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi dự thảo Luật Thủ đô cũng như các nội dung của dự thảo Luật nhằm cụ thể hóa các chủ trương của Đảng về xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô Hà Nội. Việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đảm bảo được các nguyên tắc thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; đảm bảo cơ chế, chính sách phù hợp; bám sát 9 nhóm nội dung chính sách được thông qua; quy định chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù để áp dụng được ngay; kế thừa, phát triển, quy định của Luật Thủ đô năm 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm và luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài những góp ý mang tính đột phá gắn với đặc thù của Hà Nội, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (tỉnh Tây Ninh) đánh giá cao Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có nhiều điểm mới so với luật hiện hành với 10 nội dung quản lý ngành, lĩnh vực có vượt so với quy định chung thuộc các lĩnh vực thiết yếu cho sự phát triển của Thủ đô như đầu tư công nghệ, y tế, nhân sự, xây dựng. Những quy định này về cơ bản sát với nhu cầu của Hà Nội để có thêm sức bật về thể chế.
ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh (đoàn Thành phố Cần Thơ) nêu một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật tại phiên thảo luận, đồng thời đại biểu nhất trí việc cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội. ĐBQH Trương Thị Ngọc Ánh cho rằng, quy định tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phải giải quyết được 3 nhóm vấn đề lớn về xây dựng và phát triển thủ đô Hà Nội, về xây dựng và phát triển một địa phương đặc thù, đô thị đặc biệt; xây dựng và phát triển thủ đô là hạt nhân liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (đoàn tỉnh Ninh Bình) thống nhất với quan điểm xây dựng và phạm vi sửa đổi Luật Thủ đô. Đại biểu đánh giá Dự thảo Luật đã quy định tương đối đầy đủ 9 nhóm chính sách với nhiều nội dung mang tính đột phá đặc thù có kế thừa bổ sung và phát triển so với luật hiện hành./.