Chuyển động Hà Nội

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đưa văn hóa thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững

Quỳnh Phạm 12/11/2023 07:13

Điều 23 “Bảo vệ và phát triển văn hóa” tại Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các chính sách, cơ chế đặc thù nhằm bảo vệ, phát triển văn hóa Hà Nội, từ đó đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 6. Trong đó, các chính sách phát triển văn hóa của Dự thảo Luật được dư luận quan tâm. Bởi Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, vùng đất ngàn năm văn hiến, có bề dày truyền thống và giàu bản sắc văn hóa. Và từ lâu, Thành ủy, chính quyền cũng như nhân dân Hà Nội coi văn hoá là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nên một Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

vhhan.jpg
Trình diễn áo dài với chủ đề Phụ nữ Thủ đô hội nhập và phát triển tại Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2023. (Ảnh: Hoa Quỳnh).

Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hoá là cách hiệu quả nhất để phát triển công nghiệp văn hoá Thủ đô. Điều này đã được chứng minh khi Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn...

Tinh thần của Nghị quyết số 09-NQ/TU tiếp tục được thể hiện trong Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Khoản 1, Điều 23 Dự thảo Luật nhấn mạnh việc bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô phải bảo đảm tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Thủ đô và dân tộc, xây dựng Hà Nội thực sự là Thủ đô văn hiến, trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước, xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Các nguồn lực văn hóa trên địa bàn Thủ đô phải được ưu tiên quản lý, khai thác, sử dụng đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô và cả nước và hội nhập quốc tế.

Đặc biệt, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có quy định các cơ chế để phát triển văn hóa, nổi bật là cơ chế xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 6 lĩnh vực, gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm và du lịch văn hóa. Những dự án đầu tư mới xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa tại Hà Nội theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được hưởng các ưu đãi: miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 10 năm và giảm 50% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho thời gian còn lại; Áp dụng mức thuế suất 5% thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời gian 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập phải nộp trong 9 năm tiếp theo…

pht_3266.jpg
Nghệ thuật biểu diễn là 1 trong 6 lĩnh vực công nghiệp văn hóa theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). (Ảnh: Hoa Quỳnh).

Việc đưa cơ chế xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa trong 6 lĩnh vực kể trên Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể chế hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW về việc ưu tiên phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch của Thủ đô thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là du lịch văn hóa. Đồng thời, cơ chế này đã cụ thể hóa các mục tiêu về Thành phố Sáng tạo của UNESCO về việc công nhận Thành phố Hà Nội là thành viên mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Việc xây dựng Trung tâm công nghiệp văn hóa dựa trên tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa với mục tiêu phát triển công nghiệp văn hóa gắn với xây dựng Thành phố Sáng tạo xứng tầm là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước.

Tiếp nữa, nhằm đưa văn hóa thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô, khoản 5, Điều 23 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra cơ chế đặc thù. Đó là Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội quy định phạm vi hỗ trợ, mức hỗ trợ cao hơn quy định hiện hành của Trung ương theo khả năng cân đối ngân sách của Thành phố Hà Nội đối với nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc truyền dạy cho đội ngũ kế cận; hoạt động quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; không gian trình diễn, thực hành di sản văn hóa phi vật thể; việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể.

Thực tế thời gian vừa qua, phóng viên Tạp chí Người Hà Nội đã gặp nhiều nghệ nhân thực hành về Ca trù, Tuồng cổ, hát Dô, Hò cửa đình và hát múa Bài Bông, hát Trống quân, múa rối nước… tới nghệ nhân làng nghề sơn mài, mây tre đan, dát quỳ vàng, nặn tò he, điêu khắc gỗ… trên địa bàn Hà Nội. Rất nhiều nghệ nhân từ cao niên lẫn trẻ tuổi bày tỏ tâm tư, tình cảm, mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ cơ quan có thẩm quyền. Khi được quan tâm, cổ vũ về tinh thần lẫn vật chất, các nghệ nhân có thêm động lực gìn giữ, bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung.

nghe-nhan.jpg
Nghệ nhân nhân dân Lương Tất Tố và vợ - nghệ nhân ưu tú Vũ Thị Xuyên - "báu vật sống" của di sản văn hóa phi vật thể Hò Cửa đình và hát múa Bài Bông tại xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội. (Ảnh: Hải Quỳnh).

Do đó, cơ chế đặc thù hỗ trợ cao hơn theo khả năng cân đối ngân sách của Thành phố Hà Nội cũng như xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Hà Nội đối với nghệ nhân di sản văn hóa phi vật thể trong Dự thảo Luật, sẽ đem đến “làn gió mát lành” với hoạt động gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể, nhất là việc phát triển nguồn lực trong lĩnh vực này. Cơ chế hỗ trợ đặc thù cũng sẽ góp phần lan tỏa việc xây dựng văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh; thúc đẩy sự cống hiến, khuyến khích các văn nghệ sĩ, nghệ nhân trên địa bàn Thủ đô nỗ lực sáng tạo, giữ nghề, trao truyền nghề cho thế hệ sau.

Nhằm huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa trên địa bàn Thành phố Hà Nội, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép áp dụng hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, đồng thời quy định quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực văn hóa. Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô có nhiều công trình do Nhà nước quản lý trong các lĩnh vực văn hóa đã xuống cấp, hư hại cần được đầu tư nâng cấp, tôn tạo, sửa chữa; nhiều dự án, công trình văn hóa chưa được đầu tư mới, trong khi Luật PPP không quy định cho phép áp dụng trong lĩnh vực văn hóa. Vì vậy, việc cho phép áp dụng hình thức PPP trong Dự thảo Luật sẽ góp phần thu hút, huy động nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực văn hóa của Thủ đô.

Thành phố Hà Nội đã, đang dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, coi văn hóa là động lực, một trong các nguồn lực phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Đảng bộ Thành phố Hà Nội trong nhiều nhiệm kỳ liên tục, đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch, định hướng xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

Theo tinh thần trên, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có các chính sách, cơ chế đặc thù để bảo vệ và phát triển văn hóa Hà Nội, đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững Thủ đô./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Đưa văn hóa thành nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO