PV: Thưa bà, năm 2022 đánh dấu sự “trở lại” đầy ấn tượng của ngành du lịch Thủ đô sau hơn 2 năm “gỡ khó” vì đại dịch Covid-19. Bà có thể điểm qua một số thành tích nổi bật mà ngành du lịch Thủ đô đã đạt được trong năm vừa qua?
Bà Đặng Hương Giang: Từ ngày 15/3/2022, với chính sách mở cửa, phục hồi các hoạt động du lịch bao gồm du lịch quốc tế và nội địa, hoạt động du lịch Thủ đô từng bước phục hồi trở lại. Ước tính cả năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, tăng gấp 4,7 lần so với năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 1,5 triệu lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 17,2 triệu lượt, tăng 4,3 lần so với năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 60 tỷ đồng, tăng 5,3 lần so với năm 2021.
Trong bối cảnh mở cửa du lịch trở lại, ngành du lịch Thủ đô đã triển khai nhiều sản phẩm du lịch để tập trung thu hút du khách như: Chương trình Chợ phiên vùng cao phía Bắc của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chuỗi hoạt động Ocean Festival tại Công viên thiên đường Bảo Sơn, chuỗi sản phẩm: Khám phá Đông Nam Á của Bảo tàng Dân tộc học, Tour xe bus 2 tầng - Hanoi City Tour khám phá phố phường Hà Nội, Tour đi bộ “Kiến trúc Pháp trong lòng Hà Nội”...
Bên cạnh đó, Sở tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của thành phố; bổ sung thêm ngôn ngữ (6 ngôn ngữ: Việt, Anh, Pháp, Trung, Nhật, Hàn), vận hành và thường xuyên nâng cấp trang web du lịch Hà Nội để tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch.
Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô trên các nền tảng truyền thông mới như: Facebook, Youtube, Tiktok, cũng như các nền tảng 3D, trực tuyến… Đây là phương pháp truyền thông mới phù hợp với xu hướng mới của thị trường, đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh mạng.
Về phía các doanh nghiệp du lịch, hiện nay cũng rất chủ động, tích cực triển khai các hoạt động chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tuyên truyền, quảng bá các tour du lịch. Nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng các công nghệ mới như 360, 3D, FLYCAM, Mapping… trong xây dựng các sản phẩm du lịch mới…
PV: Để năm 2023 là năm đổi mới, sáng tạo và đột phá của Du lịch Thủ đô, Sở Du lịch đã có kế hoạch, hướng đi như thế nào nhằm phát triển du lịch trong bối cảnh hiện nay?
Bà Đặng Hương Giang: Năm 2023 sẽ còn nhiều khó khăn bởi những thách thức mới nảy sinh như xung đột Ukraine - Nga, tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến trong cùng khu vực, một số thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam chưa sẵn sàng mở cửa sẽ có tác động không nhỏ tới ngành du lịch.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao của ngành du lịch Thủ đô, trong năm tới du lịch Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt khoảng 22 triệu lượt khách, tăng 17,6% so với năm 2022, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 77 ngàn tỷ đồng, tăng 28,2% so với năm 2022.
Để làm được điều này, Sở sẽ đẩy mạnh triển khai các loại hình du lịch mới như: du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch trải nghiệm (loại hình du lịch bay trên cao để ngắm toàn cảnh Thủ đô Hà Nội), đặc biệt là du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là từ khu vực tư nhân, sự tham gia tích cực từ cộng đồng địa phương cho đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại Hà Nội... Thúc đẩy phát triển du lịch MICE tại các địa điểm có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf gắn với việc tổ chức, đăng cai các sự kiện văn hóa, thể thao, chính trị, xã hội, các chương trình lễ hội lớn của quốc gia và quốc tế.
Đồng thời, tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch gắn với di sản - di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã; chú trọng nâng cấp, phát triển sản phẩm du lịch tại 4 tuyến chính từ trung tâm thành phố đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), Hương Sơn (Mỹ Đức), Thạch Thất (Quốc Oai) và Sơn Tây (Ba Vì).
Bên cạnh đó, để hỗ trợ và đồng hành cùng các doanh nghiệp du lịch, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành, các điểm đến thay đổi trong cách tiếp cận khách hàng. Chú trọng đầu tư quảng bá giới thiệu, xây dựng các sản phẩm thực sự hấp dẫn, cạnh tranh, mang chiều sâu văn hóa, lịch sử của Hà Nội, tạo ra những tour sản phẩm mới, tổ chức các sự kiện gắn kết giữa các doanh nghiệp trong phát triển du lịch.
PV: “Sản phẩm du lịch đêm” phải chăng sẽ là điểm mới trong phát triển sản phẩm du lịch Thủ đô năm 2023, thưa bà?
Bà Đặng Hương Giang: Ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”; trong đó có lĩnh vực du lịch. Điều này khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ đối với phát triển các dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch, là căn cứ quan trọng để ngành du lịch phối hợp các ngành, các cấp cụ thể hóa quy định quản lý đối với hoạt động kinh tế còn khá mới mẻ này tại Việt Nam.
Thời gian tới Sở Du lịch Hà Nội sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, điểm đến đổi mới, cơ cấu lại các sản phẩm du lịch sáng tạo, thu hút khách du lịch nội địa gồm Sản phẩm tour du lịch trải nghiệm đêm “Đêm thiêng liêng” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, sản phẩm du lịch trải nghiệm dân gian... Sắp xếp lại không gian xây dựng cho hoạt động về đêm (khu vực chợ đêm, khu vực trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống Hà Nội, tổ chức phiên chợ quà tặng lưu niệm thủ công mỹ nghệ Thủ đô...).
Đặc biệt, để thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch đêm, tối ngày 23/12 vừa qua, khu ẩm thực đêm kết hợp phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chính thức khai trương, đây sẽ là khu phố ẩm thực đêm thứ hai ở Hà Nội. Đồng thời, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã cho phép khai trương không gian đi bộ khu vực phố Trần Nhân Tông (quận Hai Bà Trưng), trục chính công viên Thống Nhất và toàn bộ khu vực vườn hoa, cây xanh xung quanh hồ Thiền Quang… tạo thêm các điểm tham quan mới, đặc sắc cho du khách khi đến Thủ đô.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!