Du lịch Hà Nội “cất cánh” trên nền sáng tạo
Sở hữu nguồn tài nguyên phong phú, kết hợp khai thác tiềm năng hợp lý và bài bản, mở rộng các loại hình và tạo ra sản phẩm mới hấp dẫn, cùng thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển du lịch hiệu quả; du lịch Thủ đô đã phục hồi mạnh mẽ và “cất cánh”. Từ đó, thương hiệu du lịch Hà Nội đã được định vị trên bản đồ du lịch quốc tế.
Từ sự phục hồi mạnh mẽ…
Trong gần 3 năm liên tiếp (2020 - 2022) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch của Hà Nội và nhiều địa phương ở nước ta gần như “đóng băng”, mọi chỉ số về du lịch giai đoạn này đều thấp hơn so với các năm trước đó. Nhưng khi “cơn bão dịch bệnh” đi qua, du lịch Thủ đô đã bứt phá và phục hồi mạnh mẽ mà những con số “biết nói” trong năm qua là minh chứng rõ nét.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội hồ hởi cho biết, năm 2023 tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022 (tăng 9,1% so với kế hoạch, tương đương 83% kết quả năm 2019). Trong đó gồm: 4 triệu lượt khách quốc tế (có 2,82 triệu khách quốc tế có lưu trú), tăng 266,7% so với năm 2022 (tăng 33,3% so với kế hoạch) và 20 triệu lượt khách nội địa, tăng 16,3% so với năm 2022 (tăng 5% so với kế hoạch). Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 87,65 nghìn tỷ đồng, tăng 45,5% so với năm 2022 (tăng 13,83% so với Kế hoạch).
Ngoài những con số ấn tượng kể trên, Hà Nội đã khẳng định Thủ đô là điểm đến hấp dẫn, an toàn, chất lượng hàng đầu khi “ẵm” các giải thưởng uy tín do Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới vinh danh: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu thế giới cho kỳ nghỉ ngắn ngày, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á, Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày và Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á. “Đây là điều kiện để tạo động lực thúc đẩy các du khách đến với Hà Nội năm 2024 và những năm tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền chia sẻ tại Hội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững do Chính phủ tổ chức hồi giữa tháng 11/2023 ở Hà Nội.
Để có những “trái ngọt” này, nhiều năm qua Thành ủy, UBND Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao các Sở, ban ngành và các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện các kế hoạch về phát triển du lịch Thủ đô. Có thể kể đến: Kế hoạch số 191/KH-UBND ngày 30/9/2020 của UBND Thành phố về việc thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn Thành phố Hà Nội; Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 10/2/2022 về phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 và đặc biệt là Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”…
…đến tương lai bay xa từ “đôi cánh” sáng tạo
Hà Nội là “trái tim” của cả nước, có bề dày hơn 1000 năm lịch sử, nơi hội tụ của hàng ngàn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể độc đáo, đặc sắc. Cùng đó, Hà Nội là “đất trăm nghề” với hơn 1300 làng nghề hiện hữu trên khắp địa bàn Thành phố. Người dân Thủ đô thanh lịch - nghĩa tình - hiếu khách. Những tiềm năng lợi thế này chính là cơ sở để Hà Nội đẩy mạnh phát triển nhiều loại hình du lịch, từ du lịch văn hóa - di sản, du lịch ẩm thực, du lịch làng nghề đến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng...
Thực tế cho thấy, du lịch Thủ đô đã không ngừng chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch mới, từng bước định vị dấu ấn “Hà Nội - Đến để yêu” trên bản đồ du lịch thế giới. Hàng loạt sự kiện du lịch “Made in Hanoi” ra đời gần đây như: Cuộc thi ảnh du lịch Hà Nội, Lễ hội du lịch Hà Nội, Festival Thu Hà Nội, Festival Áo dài du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng du lịch Hà Nội, Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội... không chỉ tạo ra “tệp khách hàng” khổng lồ cho du lịch Thủ đô mà còn tạo động lực phát triển du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội và Việt Nam đi muôn nơi.
Một trong những bước đi mang tính đột phá, tạo sức bật cho du lịch Thủ đô, đó chính là các sản phẩm du lịch đêm hấp dẫn. Thành phố hiện có 15 sản phẩm du lịch đêm, bao gồm các tour du lịch đêm biểu diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc Bộ tại xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai), tour Giải mã Hoàng thành Thăng Long tại Di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long, chương trình Tinh hoa đạo học tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, trình diễn nghệ thuật ánh sáng 3D mapping tại Ô Quan Chưởng, tour Chữ Tâm chữ Tài tại Bảo tàng Văn học Việt Nam, tour ẩm thực Tống Duy Tân - Tạ Hiện - Chợ đêm Đồng Xuân,… Điểm nổi bật của các sản phẩm du lịch đêm này được hình thành, khai thác trên nền văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội, giúp du khách dễ dàng “chạm” vào những tinh hoa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đáng chú ý hơn, Sở Du lịch Hà Nội đã nghiên cứu quy hoạch tập trung phát triển các loại hình du lịch theo thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, khu vực trung tâm Thành phố tập trung nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch văn hóa - di sản, du lịch đêm, du lịch MICE, du lịch ẩm thực; quy hoạch khu vực phía tây: Ba Vì, Sơn Tây, Thạch Thất, Quốc Oai thành khu vực phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hoá. Khu vực phía bắc: Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch mua sắm - giải trí, du lịch thể thao; khu vực phía đông: Gia Lâm, Long Biên phát triển các hoạt động du lịch mua sắm, du lịch đêm, du lịch MICE. Và khu vực phía nam: Hà Đông, Thường Tín, Thanh Trì... tập trung quy hoạch phát triển du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa.
Dẫu còn bộn bề khó khăn, thử thách nhưng với sự vào cuộc của Thành phố, các cấp ngành, chính quyền và người dân địa phương… du lịch Hà Nội đã cất cánh. Trên “đường băng” để du lịch Thủ đô “bay lên”, ngoài thế và lực sẵn có thì không thể thiếu chính là yếu tố sáng tạo. Cùng với đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước; thanh tra, kiểm tra, xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh; chuyển đổi số; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch; quản lý, phát triển sản phẩm du lịch… hứa hẹn là những bệ phóng cho sự phát triển của du lịch Thủ đô trong thời gian tới./.