Văn hóa – Di sản

Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi): Sáng rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ sở hữu, phát triển di sản văn hóa

Trung Kiên 31/10/2024 07:12

Sở hữu di sản văn hóa và quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ liên quan của tổ chức, cá nhân... là một trong những nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi). Đáng kể, Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hình thức sở hữu di sản văn hóa, gồm: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của theo các luật khác liên quan.

Luật Di sản văn hóa hiện hành công nhận 5 hình thức sở hữu di sản văn hóa, gồm: Sở hữu nhà nước; sở hữu tập thể; sở hữu chung của cộng đồng; sở hữu tư nhân và các hình thức sở hữu khác về di sản văn hóa. Luật cũng quy định quyền và nghĩa vụ đối với chủ sở hữu di sản văn hóa. Trong dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) đã quy định các hình thức sở hữu di sản văn hóa: sở hữu toàn dân; sở hữu chung, sở hữu riêng. Như vậy, dự thảo Luật đã chuyển từ quy định “sở hữu nhà nước” thành “sở hữu toàn dân” (Điều 4).

thap-dong-kinh-hoa-2.jpg
Nắp Thạp đồng Kính Hoa II - niên đại khoảng thế kỷ II-I trước Công nguyên thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Văn Kính (Hà Nội). Thạp đồng Kính Hoa II đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. (Ảnh: Bá Ngọc).

Một số ý kiến cho rằng việc quy định sở hữu di sản văn hóa trong Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) cần quy định rõ hình thức sở hữu riêng, sở hữu chung về di sản văn hóa và quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa. Đồng thời quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy di sản văn hóa; quy định cụ thể về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với di sản văn hóa phát sinh giữa cá nhân, tổ chức nhằm bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của cộng đồng, người dân đối với di sản văn hóa.

Trả lời cho ý kiến trên, cơ quan chủ trì soạn thảo Dự thảo Luật, cho biết, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tiếp thu và điều chỉnh tại dự thảo Luật (sửa đổi), theo đó xác định di sản văn hóa thuộc từng loại hình sở hữu được xác lập quyền sở hữu, cụ thể là: “mọi di sản văn hóa ở trong lòng đất thuộc đất liền, hải đảo, ở vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đều thuộc sở hữu toàn dân” và “Di sản văn hóa phát hiện được mà không xác định được chủ sở hữu, thu được trong quá trình thăm dò, khai quật khảo cổ đều thuộc sở hữu toàn dân”.

Đồng thời, Bộ VH-TT&DL đã điểu chỉnh, quy định quyền sở hữu đối với di sản văn hóa được xác định đăng ký và giải quyết tranh chấp thực hiện theo quy định của pháp luật về di sản, đất đai, quản lý sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan tại trong dự thảo Luật (sửa đổi).

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) qua tiếp thu, chỉnh lý gồm 9 chương, 100 điều. Theo chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sẽ thông qua Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Trong dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), về nội dung sở hữu di sản văn hóa , dự thảo Luật còn quy định Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu khác bao gồm sở hữu chung, sở hữu riêng về di sản văn hóa theo quy định của Hiến pháp, Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan về sở hữu. Bên cạnh đó, di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân bao gồm hiện vật thuộc Bảo tàng công lập; các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; di sản tư liệu thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị công lập; di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia và di sản tư liệu không thuộc sở hữu chung hoặc sở hữu riêng.

Song song đó, Dự thảo Luật quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa, đó là: được thụ hưởng lợi ích từ việc bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa; được cơ quan nhà nước có thẩm quyền về văn hóa hỗ trợ và phối hợp nhận diện giá trị và quy trình thủ tục đưa vào Danh mục Kiểm kê; được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về văn hóa hỗ trợ và phối hợp về nghiệp vụ lưu giữ, bảo quản, tư liệu hoá, tạo điều kiện bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá theo thoả thuận.

hien-tang.jpg
Bộ công cụ làm nghề và các mảnh trai, ốc, cửu khẩu làm nguyên liệu chính cho nghề khảm trai của anh Dương Văn Sinh (huyện Thường Tín) tặng Bảo tàng Hà Nội.

Cộng đồng, cá nhân sở hữu di sản văn hóa cũng được gửi, trao tặng tư liệu di sản văn hóa phi vật thể, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu vào bảo tàng hoặc cơ quan, tổ chức nhà nước có thẩm quyền, chức năng phù hợp trong trường hợp không đủ điều kiện và khả năng bảo vệ và phát huy giá trị. Thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; thông báo kịp thời cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp di sản văn hóa có nguy cơ bị làm sai lệch giá trị, bị hủy hoại, bị mất…

Ngoài ra, Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa, đó là được Nhà nước xem xét, hỗ trợ kinh phí bảo vệ, giữ gìn, tu bổ, phục hồi di sản văn hóa. Được khai thác, sử dụng di sản văn hóa trên cơ sở bảo đảm không ảnh hưởng yếu tố gốc cấu thành di tích, tính toàn vẹn các giá trị tự thân của di sản; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham quan, du lịch, nghiên cứu di sản văn hóa. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại di sản văn hóa, thông báo kịp thời cho chủ sở hữu hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi gần nhất khi di sản văn hóa có biểu hiện sai lệch giá trị, có nguy cơ bị hủy hoại hoặc bị mất. Cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân quản lý trực tiếp di sản văn hóa phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với các quy định về quyền sở hữu di sản văn hóa và quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với di sản văn hóa sẽ góp phần khuyến khích mọi nguồn lực xã hội, các tổ chức, cộng đồng và cá nhân tham gia công tác bảo vệ, khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa. Qua đó tạo nguồn lực, động lực xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Dự thảo Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) cũng quy định nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Mọi di sản văn hóa trên lãnh thổ Việt Nam, có xuất xứ ở trong nước hoặc từ nước ngoài, thuộc các hình thức sở hữu, đều được quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị theo quy định của Luật này và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi cơ quan, tổ chức, cộng đồng và cá nhân.

nhiep-anh.jpg
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III một số bức ảnh, kỷ vật đáng quý trong dịp Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Di sản văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài được bảo hộ theo luật pháp quốc tế và theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, hài hòa với quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cộng đồng và cá nhân; tôn trọng sự đa dạng văn hóa, sự đối thoại giữa các cộng đồng và tính đặc thù dân tộc, vùng miền.

Ưu tiên bảo vệ các di sản văn hóa có nguy cơ bị mai một, thất truyền, di sản của cộng đồng các dân tộc sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, nhóm dân tộc thiểu số có khó khăn, nhóm dân tộc thiểu số đặc biệt ít người đặc thù và những di sản có giá trị toàn cộng đồng, xã hội…

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Cô giáo Lan và những bài học không chỉ đến từ kiến thức
    Trong cuộc sống của mỗi chúng ta, có những khoảnh khắc và những con người đặc biệt mà ta không thể nào quên. Đối với tôi, một trong những người để lại ấn tượng sâu sắc nhất là cô Lan - giáo viên trường Tiểu học Liên Bảo (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • ‏Những ấn tượng khó quên từ chương trình nghệ thuật kỷ niệm 10 năm thành lập Quỹ Vì Tầm Vóc Việt
    Ngày 15/11, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) tổ chức Lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập. Bên cạnh dấu ấn những thành tựu vì cộng đồng qua suốt một thập kỷ của Quỹ từ thiện xã hội này, người tham dự còn ấn tượng với chương trình nghệ thuật chào mừng đặc sắc. Điểm đặc biệt của chương trình là 12 tiết mục nghệ thuật đều có sự tham dự không kém phần chuyên nghiệp của các nghệ sĩ “nhí” đến từ trường TH School.‏
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi): Sáng rõ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ sở hữu, phát triển di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO