Tu bổ di tích đình Phú Xuyên cần bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND Thành phố Hà Nội về việc cho ý kiến thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phú Xuyên (xã Phú Châu, huyện Ba Vì).
Trước đó, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã nhận được Tờ trình số 105/TTr-UBND của UBND Thành phố Hà Nội về việc đề nghị thẩm định Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phú Xuyên, xã Phú Châu, huyện Ba Vì (kèm theo hồ sơ Dự án và Biên bản Hội nghị lấy ý kiến về Dự án). Sau khi xem xét, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có ý kiến thẩm định.

Cụ thể, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thỏa thuận Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Phú Xuyên với nội dung: tu bổ đại đình (đại bái, hậu cung, tu bổ hệ mái, nền và phục dựng sàn đình), tả mạc; tôn tạo hữu mạc; lắp dựng nhà bao che, bảo quản cấu kiện, hiện vật, phòng cháy, chữa cháy và chống mối mọt di tích.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý, đối với phương án tu bổ đại đình và tả mạc. Do dự án đề xuất hạ giải cục bộ để tu sửa mái, nền… (không hạ giải bộ khung gỗ), nên cần có phương án bao bọc, bảo vệ an toàn cho bộ khung gỗ, hạ giải phần ngói, hoành, rui, con giống cẩn thận để tránh nứt vỡ cấu kiện không hạ giải.
Đồng thời bảo tồn nguyên vẹn các cấu kiện có chạm khắc trang trí như: câu đầu, bẩy, con chồng, đầu dư, hệ con chồng, cốn, xà ngang, xà dọc…, không thay mới các cấu kiện này mà chỉ thực hiện biện pháp tu bổ, bảo quản xà. Bảo tồn tối đa các cấu kiện gỗ cổ và cũ, giữ nguyên các cấu kiện còn tốt, gia cố, tu bổ bằng biện pháp chắp – vá – nối, thay cốt, ốp mang đối với cấu kiện hư hỏng một phần, chỉ thay mới cấu kiện hư hỏng hoàn toàn khi có sự đồng ý của Hội đồng đánh giá di tích, đặc biệt là hệ thống cột.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lưu ý cũng lưu ý việc hạ giải phải thận trọng, tận dụng tối đa ngói cũ (ngói lợp, ngói lót). Hồ sơ cần bổ sung, bao gồm phương án bảo vệ hệ thống đồ thờ, nội thất và hiện vật trong suốt quá trình thi công. Có biện pháp bảo vệ các thành phần trang trí như cửa võng, đại tự, hoành phi, các đồ thờ tự trong suốt quá trình thi công và sắp xếp lại như cũ. Sử dụng đèn rọi, đèn hắt để chiếu sáng nội thất công trình” – văn bản do Thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương ký gửi UBND Thành phố Hà Nội, nhấn mạnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến và đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung, hoàn thiện Dự án, công bố công khai nội dung tu bổ, tôn tạo di tích trước khi triển khai các bước tiếp theo theo quy định của pháp luật.
Đình Phú Xuyên, xã Phú Châu, huyện Ba Vì được xây dựng vào năm Canh Thìn (1640), là nơi thờ hai vị tướng Bùi Đôn và Bùi Chân, những anh hùng đã góp công lớn trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh thế kỷ XV. Khi giặc Minh vây hãm làng Phú Xuyên, hai anh em Bùi Đôn và Bùi Chân đã không ngại nguy hiểm, dẫn dắt dân binh chiến đấu dũng cảm để bảo vệ dân làng và giải vây cho Nguyễn Trãi.

Cả hai đã đã chiến đấu và hy sinh anh dũng vào sáng ngày 6 tháng Hai năm Đinh Dậu (1417). Sau khi đất nước giành lại độc lập, vua Lê Thái Tổ đã truy tặng cho hai ông danh hiệu “Quận công tả bộ lang suý” và “Quận công hữu bộ lang suý” để ghi nhận công lao của họ. Để tri ân và tưởng nhớ hai vị anh hùng, dân làng Phú Xuyên đã dựng đình thờ, miếu thờ tại khu Cổng Lão. Cả khu di tích đình Phú Xuyên và miếu thờ đều gắn liền với hai vị tướng có công lớn trong việc bảo vệ đất nước, che chở nhân dân.
Hiện nay, kiến trúc đình còn lưu giữ được nhiều nét cổ kính của kiến trúc cổ truyền với nhiều bức chạm khắc và tượng tròn đặc sắc của thế kỷ XVII. Năm 1990, đình Phú Xuyên của huyện Ba Vì được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Nhiều năm qua, đình Phú Xuyên là điểm đến hấp dẫn với người dân thập phương bởi giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đình đã hơn 400 tuổi, nhà là sự cổ kính và vững chãi của ngôi đình. Đình Phú Xuyên với một tổng thể hài hoà: Ao sen, Nghi môn, Tả Hữu mạc, Đại đình và Hậu Cung.
Trong đó, Nghi Môn xây bằng gạch, kiểu cổng vòm cuốn với các lá mái uốn, đao cong thanh thoát. Hai nhà Tả, Hữu mạc nằm hai bên sân đình đều gồm 5 gian nhỏ, tường xây, đầu hồi bít đốc, mặt quay ra sân, lòng nhà để trống. Phía sân sau là khu đình chữ “đinh” ra đời từ thời Lê và được tu bổ vào các giai đoạn sau. Trải qua gần 4 thế kỷ nhưng đình Phú Xuyên vẫn giữ nguyên kiểu dáng kiến trúc, các hạng mục, cấu kiện, nhờ đó giá trị nghệ thuật kiến trúc được bảo tồn nguyên vẹn.
Những mảng điêu khắc gỗ tinh xảo với những hình tượng độc đáo cho thấy trình độ chế tác, thẩm mỹ của người xưa rất cao. Các di vật trong đình cũng được bảo quản tốt. Ngoài các đồ thờ tự thì những di vật quý nhất là 24 đạo sắc phong của các triều đại phong kiến hiện còn lưu giữ trong cung cấm./.