Dư âm Ngày thơ Hà Nội
Giêng Hai, mưa xuân phủ mờ đất Kinh kỳ hoa lệ, nhưng không làm giảm đi sự phấn chấn trong lòng người dân, đặc biệt là những người yêu thơ của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Chắc nhiều người cũng như tôi, dư âm của Ngày thơ Hà Nội cứ ngân vang, ngân vang mãi trong lòng.
Khai hội đúng ngày 14 tháng Giêng năm Giáp Thìn, nhưng ngay từ ngày 13, từng đoàn nam thanh nữ tú của Thủ đô với những tà áo dài thướt tha, duyên dáng, với những bộ comple sang trọng và lịch lãm đã dập dìu đến hội.
Để có ngày khai hội, ngay từ những ngày đầu tháng Chạp năm Quý Mão, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cùng với Hội Nhà văn Hà Nội đã lao tâm khổ tứ để chuẩn bị cho công tác tổ chức. Vào những ngày giáp Tết, thời gian như ngựa chạy, vậy mà không ít anh chị em trong Ban Tổ chức vẫn gác việc nhà để lo cho cái chung của ngày khai hội long trọng này.
Đúng 8h30 sáng ngày 14 tháng Giêng, NSND Trần Quốc Chiêm vung dùi gióng lên hồi trống khai hội. Không gian Văn Miếu đang tĩnh lặng bỗng bừng lên một không khí hào hùng, náo nức. Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Trần Gia Thái đọc lời khai mạc. Ông tôn vinh giá trị vĩnh cửu của thơ ca trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Những đóng góp to lớn của thơ ca trong kiến hưng văn hóa dân tộc, trong bồi đắp tâm hồn, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Với chủ đề “Bản hoà âm đất nước”, Ngày thơ Hà Nội đã thể hiện đầy đủ và phổ quát nét thanh lịch, hào hoa, trí tuệ của người đất kinh kỳ. Mở đầu là màn múa trống, múa lân, múa rồng do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn càng làm tăng thêm vẻ hào khí của dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước.
Mặc cho màn mưa cứ phủ mờ trên nóc Thái Miếu, nhưng những dòng người vẫn lũ lượt kéo vào sân thơ. Và tiếng thơ vẫn vang lên lúc trầm hùng, lúc dịu ngọt như đưa hồn ta vào cõi mộng. Với chất giọng trầm ấm và truyền cảm, NSND Trần Quốc Chiêm đọc bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chủ tịch. Bài thơ như ngọn lửa thiêng thắp sáng mọi tâm hồn. Kế đến là những bài thơ đi cùng năm tháng từ các nhà thơ gạo cội của các thế hệ như: Nguyễn Công Trứ với “Tây Hồ hoài cổ“; Nguyễn Bính với “Mùa xuân”; Hữu Thỉnh với “Tiễn xuân”; Bằng Việt với “Hoa phượng”; Vũ Quần Phương “Với thơ”; Trần Đăng Khoa với “Đầu xuân uống trà cùng bạn”; Trần Gia Thái với “Làm xanh”; kế đến là các nhà thơ đang còn sung mãn như Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Thị Mai, Nguyễn Linh Khiếu cũng lần lượt đọc những bài thơ tâm đắc.
Trong ngày hội thơ còn phải kể đến một mảng không thể thiếu đó là dòng thơ “không chuyên”. Đây là sáng kiến độc đáo của Hội Nhà văn Hà Nội. Nhằm tạo ra một phong trào sáng tác sâu rộng trong quần chúng, Hội Nhà văn Hà Nội đã mở cuộc thi thơ giữa các câu lạc bộ. Qua chọn lọc, kết quả có 22 tác phẩm lọt vào vòng chung kết và trong 22 tác phẩm ấy có 15 tác phẩm được trình diễn trước công chúng Thủ đô trên sân khấu lớn của Ngày thơ Hà Nội. Và cũng không ít những bài thơ để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng yêu thơ Thủ đô. Chính mảng “thơ quần chúng” này đã đóng góp một phần không nhỏ vào dòng chảy thơ ca chung của cả nước. Cuộc thi đã nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả. Và kết quả đã trao 2 giải A, 5 giải B và 15 giải C.
Cùng với việc thi thơ là cuộc thi trưng bày quán thơ của các CLB. Do lần đầu tổ chức nên Ban Tổ chức chỉ hạn chế có 12 quán thơ với 15 CLB tham gia được dựng trong sân Thái Miếu. 12 quán thơ như 12 bông hoa rực rỡ sắc màu làm tôn vinh và đóng góp đáng kể cho Ngày thơ Hà Nội. Các quán thơ được thiết kế trang nhã bằng vật liệu tre, lá rất thân thiện với môi trường và mang đậm bản sắc dân tộc, tạo nên sự hài hòa và gần gũi với không gian Văn Miếu trầm mặc, tôn nghiêm nhưng cũng rất giản dị, gắn bó với đời thường. Tại đây, mỗi quán đều có bàn trưng bày hàng trăm tác phẩm thơ văn của hội viên; hàng nghìn tác phẩm được in trên các chất liệu như bạt, bìa, lụa với đủ sắc màu muôn hồng ngàn tía. Mỗi quán có một phong cách khác nhau tạo nên vẻ đẹp đa chiều và sự độc đáo riêng. Tôi đã chứng kiến từng đoàn khách ngoại quốc ghé vào các quán. Họ chụp ảnh, trò chuyện giao lưu để tìm hiểu về con người và thơ ca Việt Nam.
Ngày thơ Hà Nội khép lại trong chiều mưa xuân, nhưng trong lòng mỗi người yêu thơ lại mở ra một chân trời mới, một nguồn năng lượng mới và một khát vọng mới về non sông, về đất nước, về cuộc sống thanh bình.
Và chắc hẳn nhiều người cũng như tôi, chia tay lễ hội hẳn không tránh khỏi một chút bâng khuâng, một chút lưu luyến và… một chút thoáng buồn... của phút chia tay. Xin khép lại bài viết bằng mấy vần thơ:
Dáng chiều buồn, Văn Miếu
thơ chơi vơi
Ngồi đếm thời gian, mái đầu
sương tuyết.
Dòng đời lặng trôi cho lòng ai
nuối tiếc
Một thuở xuân sang,
tìm bóng lá thu vàng.
Dáng chiều buồn,
vương Hồ Gươm mênh mang
Hội đã khép mà riêng em
chẳng thấy
Trùng bước chân nghe lòng buồn
đến vậy
Hẹn mùa sau, thơ lại sẽ…
sum vầy.