Đời sống văn hóa

Lễ hội Hoa Ban 2024: Phát triển du lịch trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa

Quỳnh Chi 15/03/2024 17:11

Lễ hội Hoa Ban 2024 và Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024 có nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc, góp phần tôn vinh các giá trị di sản văn hóa, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh đến với du khách trong và ngoài nước.

Thông tin UBND tỉnh Điện Biên cho biết, năm 2024, Lễ hội Hoa Ban là sự kiện quan trọng và khai màn Năm Du lịch Quốc gia – Điện Biên 2024 do UBND tỉnh Điện Biên đăng cai tổ chức. Từ năm 2014 đến nay, Lễ hội Hoa Ban diễn ra thường niên và nó trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Điện Biên.

Lần đầu tiên trình diễn ánh sáng nghệ thuật drone light, show thực cảnh đậm đà văn hóa dân tộc Thái

Điểm nhấn của chương trình lần này là Lễ khai mạc Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 với chủ đề “Về miền Hoa Ban” vào 20 giờ tối 16/3 tại Quảng trường 7/5, thành phố Điện Biên Phủ.

dienbien-dron.jpg
Hình ảnh tổng duyệt chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 với chủ đề “Về miền Hoa Ban”. Tại đây sẽ có màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật drone light - trình diễn flycam kết hợp ánh sáng của 200 chiếc máy bay không người lái.

“Về miền Hoa Ban” gồm 3 chương: Điện Biên - Miền đất huyền thoại; Điện Biên - Du lịch theo những cánh bay Điện Biên - Những mùa hoa kết nối muôn phương. Thông qua 18 cảnh diễn với những vũ khúc được dàn dựng công phu, hoành tráng, hấp dẫn sẽ giới thiệu một cách sinh động vẻ đẹp của hoa ban, của văn hóa, con người Điện Biên; cùng với đó là vẻ đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người mọi vùng miền trong cả nước…

Đặc biệt, cùng với màn bắn pháo hoa, “Về miền Hoa Ban” có màn trình diễn ánh sáng nghệ thuật drone light - trình diễn flycam kết hợp ánh sáng của 200 chiếc máy bay không người lái. Màn trình diễn mang tính nghệ thuật cao với các biểu tượng gồm: Bản đồ Việt Nam, rồng bay, biểu trưng du lịch Điện Biên, máy bay, chiếc khăn Piêu, hoa ban, hoa sen, lá cờ Tổ quốc và biểu tượng của các thành phố du lịch... với ánh sáng lung linh, rực rỡ hứa hẹn mang lại cho khán giả những cảm xúc khi bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà hòa quyện cùng hiệu ứng công nghệ hiện đại.

Tại Lễ hội Hoa Ban 2024, lần đầu tiên tỉnh Điện Biên ra mắt show thực cảnh “Huyền thoại UVA” tại Bản U Va, xã Noong Luống, huyện Điện Biên. Show thực cảnh “Huyền thoại UVA” do hàng trăm người dân tại xã Noong Luống cùng các diễn viên chuyên nghiệp biểu diễn, kể câu chuyện xuyên suốt với 3 chương được gắn kết với nhau bằng chính văn hóa của người Thái.

dien-bien-uva.jpg
Show thực cảnh “Huyền thoại UVA” tại Bản U Va kể câu chuyện về văn hóa của đồng bào dân tộc Thái.

Chương 1 kể huyền tích về người Thái và Uva (sự tích quả bầu), những dấu ấn cổ xưa của tộc người Thái. Chương 2 gợi lại truyền thuyết khăn Piêu (ngợi ca tình yêu và huyền thoại Khau Cút) và sự tích của loài hoa ban đặc trưng của Điện Biên. Chương 3 tập trung làm nổi bật nghi lễ và văn hóa của người Thái và sự liên kết giữa hiện tại và quá khứ thông qua màn tái hiện lễ hội Xên Pang, cảm ơn tổ tiên, trời đất, múa xung quanh cây pang (cây hoa lớn).

Show diễn thực cảnh mang đến những màn trình diễn độc đáo, có một không hai, bên cạnh đó là một góc nhìn lịch sử, văn hóa rất khác và thú vị về mảnh đất Điện Biên, Tây Bắc.

Lan tỏa nghệ thuật Xòe Thái, Khèn Mông

Trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban 2024, tỉnh Điện Biên tổ chức Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông vào ngày 17 - 18/3 tại Quảng trường 7/5 thành phố Điện Biên Phủ. Liên hoan lần đầu tiên được tổ chức quy mô mở rộng do các nghệ nhân, diễn viên tỉnh Điện Biên và các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang..... có di sản xòe Thái, khèn Mông tham gia.

dienbien-3.jpg
Học sinh tại huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên) trình diễn nghệ thuật khèn Mông.
xoe-thai.jpg
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, xòe Thái được nâng lên thành nghệ thuật biểu diễn.

Ban tổ chức cho biết, Liên hoan Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông góp phần bảo tồn, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái và dân tộc Mông, xây dựng và phát triển những giá trị mới về văn hóa các dân tộc trong tỉnh; giới thiệu Nghệ thuật Xòe Thái và Nghệ thuật Khèn Mông tới đông đảo quần chúng nhân dân trong tỉnh, bạn bè trong và ngoài nước, tăng cường tình đoàn kết dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.

Không gian văn hóa vùng cao Tây Bắc

Một trong những điểm đặc sắc khác tại Lễ hội Hoa Ban 2024 chính là “Không gian văn hóa vùng cao” diễn ra từ ngày 16 - 18/3 tại Khu vực di tích Trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. “Không gian văn hóa vùng cao” giới thiệu không gian văn hóa truyền thống của địa phương; không gian phiên chợ vùng cao, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, độc đáo của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Điện Biên; trải nghiệm ẩm thực truyền thống.

dienbien-5.jpg
Đồng bào dân tộc tỉnh Điện Biên tung còn trong lễ hội.

“Không gian văn hóa vùng cao” có các trò chơi dân gian, truyền thống các dân tộc gồm: bập bênh, tung còn, tù lu, tó má lẹ, bịt mắt đánh trống, đi cà kheo, ném pao... Tổ chức các chương trình văn nghệ, giới thiệu dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống, trình diễn di sản Then, Xòe của dân tộc Thái và các dân tộc: Mông, Hà Nhì, Khơ Mú, Si La, Cống, Lào và Xạ Phang…

Trong không gian này còn trưng bày giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về nơi cư trú, hoạt động lao động sản xuất, văn hóa ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian của đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên. Trình diễn và trải nghiệm múa dân gian của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Chương trình trải nghiệm đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân”
    Nhằm lan tỏa lòng yêu nước, tinh thần kiên cường, dũng cảm chiến đấu của người phụ nữ Việt Nam thời kháng chiến, đồng thời tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử đến các tầng lớp nhân dân và thế hệ trẻ, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tiếp tục tổ chức chương trình trải nghiệm đặc biệt “Huyền thoại tuổi thanh xuân”.
  • Đặc sắc Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, lao động quận Ba Đình năm 2024
    Với chủ đề “CNVCLĐ quận Ba Đình tự hào tiến bước theo Đảng”, tối 4/5, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Ba Đình phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận tổ chức Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) quận Ba Đình năm 2024.
  • Khánh thành bức Phù điêu tác phẩm "Bài ca Chiến thắng"
    Bức Phù điêu tác phẩm “Bài ca Chiến thắng” của tác giả Nguyễn Đức Luận, được đặt tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, có chiều cao 2,7m, rộng 3,7m, với điểm nhấn là hình ảnh đoàn quân chiến thắng, hình ảnh nhân dân các dân tộc Tây Bắc tay cầm cờ, hoa vui mừng chào đón bộ đội Cụ Hồ...
  • Tháng 5 "Theo dấu chân Người" ở Làng Văn hóa- Du lịch các dân tộc Việt Nam
    Từ ngày 02 - 31/5/2024, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động tháng 5 với chủ đề “Theo dấu chân Người”, các hoạt động hàng ngày, cuối tuần hướng tới kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh, ngày Truyền thống bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 -19/5/2024).
  • Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật sẽ khai mạc ngày 3/5
    Dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) trên cơ sở là cây cầu đi bộ bắc ngang qua phố Trần Nhật Duật được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2014. Dưới sự chung tay của các nghệ sĩ, các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt trên cầu đi bộ phố Trần Nhật Duật đã biến không gian công cộng thành một không gian nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc.
  • Triển lãm "Hào khí Điện Biên - Một thiên sử vàng"
    Tư liệu, hình ảnh được tập trung vào 3 phần, gồm: “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, “Cuộc chiến 56 ngày đêm chấn động địa cầu”, “Quảng Nam - Đà Nẵng chia lửa cùng Điện Biên”.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lễ hội Hoa Ban 2024: Phát triển du lịch trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO