Văn hóa – Di sản

Đinh Liệt – trung thần danh tướng

Lê Văn Lan 30/11/2023 17:56

Sách Nhân vật chí trong bộ Lịch triều hiến chương loại chí ở mục Tướng có tiếng và tài giỏi (viết về “hai người đời Lý, bốn người đời Trần, mười người đời Lê sơ”) đã xếp Đinh Liệt lên đầu danh sách “mười người đời Lê sơ” ấy, và viết những dòng đầu tiên, như sau: “Ông người ở sách Thủy Luân, Lam Sơn. Vốn họ Đinh, được ban họ vua (nên thường gọi là Lê Liệt). Ông là cháu gọi Lê Thái Tổ bằng cậu, cùng với anh là Lễ, thờ Thái Tổ, bắt đầu ứng vào đội nghĩa binh. Do tình thân ruột thịt nên được hầu gần vua, trải leo trèo núi non, chống đỡ lúc gian nguy, có rất nhiều chiến công”. Nhiều tài liệu nói Đinh Liệt là người Thủy Cối, huyện Lương Giang (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa)...

Công trạng đầu tiên của Đinh Liệt trong sự nghiệp mười năm đánh giặc xâm lược nhà Minh, được chép vào chính sử, là ở trong lần chuyển địa bàn hoạt động của nghĩa quân Lam Sơn, từ xứ Thanh vào xứ Nghệ, năm 1424. Đó là việc năm Giáp Thân: “Vua (Lê Lợi) lấy được châu Trà Lân, sắp đánh thành Nghệ An, thì tướng Minh dẫn cả quân thủy, bộ đến. Vua chia binh cho ông, sai đi tắt đường đánh úp. Ông phá tan được giặc” - đó là lời sách Lịch triều hiến chương loại trí. Thật ra, cứ như ghi chép của sách Đại Việt sử ký toàn thư thì Đinh Liệt, ở trận này, là người được giao chỉ huy một trong hai cánh quân (cánh quân kia, do chính Lê Lợi chỉ huy), trận đánh ở Đỗ Gia (Chú thích của bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư. Đỗ Gia nay là đất huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, gần xã Linh Cảm của huyện này, nay còn có làng Đỗ Xá) để “chia lửa” với cánh quân đánh trận ở Khả Lưu (Chú thích của bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư. Khả Lưu ở phía bắc sông Lam, thuộc xã Anh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An), đúng như sự tổng hợp trình bày của sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, là: Bình Định vương Lê Lợi sai các tướng Đinh Liệt đem hơn nghìn quân, đi đóng giữ huyện Đỗ Gia để chiếm trước lấy ưu thế. Còn vương thì tự đốc suất các tướng sĩ, kế tiếp tiến lên mạn thượng du cửa ải Khả Lưu, chiếm giữ nơi hiểm yếu để chờ đợi địch. Sau đó vài hôm, quả nhiên người Minh kéo đến...”. Và kết quả loạt trận đánh có tướng Đinh Liệt tham gia chỉ huy này, là: “Bắt sống được Đô ty nhà Minh là Chu Kiệt, chiếm tướng tiên phong quân Minh là Hoàng Thành. Ngoài ra, giết chết và bắt sống được vô kể. Khí giới của địch quăng bỏ bừa bãi ở núi và hang...”.

dinh-liet.jpg
Khu di tích Sáo Thần,Thái Bình nơi có Đền thờ Tam quốc công Đinh Liệt, Đinh Lễ, Đinh Bồ.

Sau chiến công trên xứ Nghệ này, đến năm 1427, ở đại vũ công Chi Lăng (Lạng Sơn), lại thấy một lần nữa, các bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư Khâm định Việt sử thông giám cương mục đều thống nhất ghi chép về sự hiện diện của Đinh Liệt - lúc này đã được vinh thăng tới chức Nhập nội Thiếu úy và tước Á hầu, do có anh ruột là tướng Đinh Lễ đã vừa hy sinh trong chiến dịch bao vây tiến công giải phóng Đông Quan - giữa các danh tướng cùng dự trận: Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lãnh, Lê Thụ, Trần Lựu... Vậy là ở trận đánh lịch sử, ngày 20 tháng chín năm Đinh Mùi (1427) tại cửa ải Chi Lăng, giết chết thủ tướng quân Minh: Tổng binh Chinh lỗ tướng quân, Thái tử Thái phó Am Viễn hầu Liễu Thăng ở chân núi Mã Yên, cùng hơn vạn quân binh giặc, có công sức đóng góp vẻ vang của Đinh Liệt.

Những chiến công lập được trong thời kỳ đánh giặc cứu nước mười năm như thế, khiến Đinh Liệt, ngay năm đầu Thuận Thiên (Niên hiệu của Lê Lợi, dùng từ sau khi đại thắng quân Minh, lên ngôi hoàng đế, cho đến lúc mất, 1428 - 1433) đã được trao nhận những trọng trách và chức tước cao, giữa triều đình Lê sơ ở đô thành Đông Kinh vừa được giải phóng. Từ đây, ông trở thành người Đông Kinh, “coi quân ở đội Thiết đột”. Vì có công đầu trong số những người theo (Lê Lợi) từ Lũng Nhai (thung lũng trong vùng Lam Sơn, nơi Lê Lợi bí mật mở hội thề tụ nghĩa năm 1416), được phong Suy trung tán trị hiệp mưu bảo chính công thành, Vinh lộc đại phu, Đại tướng quân vệ Kim ngô, tước Thượng trí tự. Năm (Thuận Thiên) thứ hai (1429) được khắc biểu phong Công thần thứ hai, tước Đình Thượng hầu. Năm (Thuận Thiên) thứ năm (1433), được thăng Nhập nội Tư mã, tham dự việc triều chính” (Lịch triều hiến chương loại chí – Nhân vật chí, Quyển IX)...

Dưới thời các hoàng đế thứ hai triều Lê sơ - Lê Thái Tông và thứ ba - Lê Nhân Tông - các vua đều là ấu chúa ngồi ngai vàng, triều đình Đông Kinh do các đại công thần cũ và đám thân vương quý tộc mới điều hành, nhiều cuộc tranh chấp và rối loạn phe phái xảy ra. Trong thế cuộc nhiều biến động ấy, Đinh Liệt có một lần được coi là lập võ công vào năm 1434 - năm đầu, niên hiệu Thiệu Bình của vua Thái Tông - khi nhà vua 11 tuổi: “Sai Nhập nội Tư mã Lê (Đinh) Liệt, Tổng đốc các quan Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, đi tuần tra các nơi thuộc Tân Bình, Thuận Hóa, nếu gặp giặc cỏ Chiêm Thành vào cướp biên giới, mà có viên chỉ huy hay tên lính nào vi phạm quân lệnh, hay sợ hãi rút lui, thì cho phép chém trước tâu sau” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển XI). Lần đặc cách vào diễu võ dương oai ở miền Trung này của Đinh Liệt, thực ra là nhằm sử lý những hành vi gây rối của nước Chiêm Thành - có vị quân chủ được sách sử nước Việt chép bằng tên “Bố Đề” - đang muốn khai thác những biến động do tranh chấp cung đình ở Đông Kinh. Tuy nhiên, “Bố Đề” thấy nước ta không có sự biến gì, nên đã rút quân từ trước. Đinh Liệt đến Châu Hóa, định trở về. Nhân gặp lúc người Man ở Châu Hóa là Đạo Thành, bị Đạo Luận đánh, đến xin cứu viện. Đinh Liệt bèn đem quân đánh giúp. Bắt được hơn nghìn người, và vài chục con voi mang về” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, quyển XI)...

Sau chiến công dẹp loạn và thu nhiều chiến lợi phẩm ở vùng dân tộc tiểu số Trường Sơn này, Đinh Liệt được thăng dần tới chức Thái phó, được dự vào hàng “Tam Thái” cao quý của triều đình. Nhưng đến năm 1444 - năm thứ hai niên hiệu Thái Hòa của ấu chúa Lê Nhân Tông - thì ngôi nhất phẩm triều đình này cũng không giúp Đinh Liệt thoát khỏi được tai họa giáng xuống từ tay Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh - nhiếp chính, thay con trai Lê Nhân Tông mới 3 tuổi - trong vụ việc được sử cũ chép gọn: “Tháng bảy, mùa thu, bắt giam Thái phó Lê (Đinh) Liệt vào ngục. Bấy giờ, những kẻ hú họa ưa may, không có thực tài, được dùng làm việc. Có kẻ dèm pha Lê (Đinh) Liệt với thái hậu. Nên mới có lệnh bắt bỏ tù Lê Liệt và vợ con gia quyến ông” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển 18)...

Đinh Liệt bị xử trí nặng nề - một năm trước khi một đại thần đồng liêu: tướng Nguyễn Xí cũng bị xử trí (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển 18. Còn theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, thì phải hai năm sau nữa, vợ con của Đinh Liệt mới được phóng thích), nhưng may mắn được nương nhẹ hơn (chỉ bị cách chức, đuổi về quê, trong 3 năm) - chìm đắm thân phận và gia đình, cho mãi đến năm 1448 (cùng năm có việc khôi phục địa vị triều đình cho Nguyễn Xí). Bấy giờ là tháng sáu, mùa hạ. Sử cũ chép: “Tha Thái phó Lê (Đinh) Liệt ra khỏi ngục. Lúc này, vụ án Lê (Đinh) Liệt để kéo dài 4 năm, không xử dứt khoát. Đến đây, quan Tông chính Lê Khắc Phục, và công chúa Ngọc Lan, xin lựa uốn phép nước, mở rộng ơn trên. Bèn tha cho Lê (Đinh) Liệt, rồi lại tha cả vợ con của Liệt” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Chính biên, Quyển 18)...

Sự biến: cùng chịu oan khiên, lại đồng thời may mắn thoát hiểm ở những năm đầu đời trị vì của vua Lê Nhân Tông, như thế vẫn gắn bó “cặp bài trùng” Đinh Liệt - Nguyễn Xí, trong những năm sau đấy, khi cùng làm chính sự ở cuối đời vua Lê Nhân Tông, với cùng chức vị cao quý là: Thái bảo - được khôi phục sau tai biến. Và, cùng ở chức vị nhất phẩm triều đình ấy, “cặp bài trùng” lại cùng nhau sát cánh thực hiện vụ “phản đảo chính” trọng đại năm 1460: hạ bệ kẻ vừa năm trước đã giết em trai là hoàng đế Lê Nhân Tông (và cả Tuyên Từ thái hậu Nguyễn Thị Anh) để cướp ngôi vua: Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân.

Chắc chắn rằng giữa đô thành Đông Kinh, lúc này đang tạm bị bọn đảng gian khống chế, Đinh Liệt đã phải rất cẩn trọng, khôn khéo để vừa giữ mình, vừa toan tính - cùng các đồng liêu: Nguyễn Xí, Lê Lăng, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận... tổ chức cuộc diệt trừ bè lũ Nghi Dân. Và rất quan trọng, là: tổ chức đưa được hoàng tử Lê Tư Thành lên ngôi, trở thành hoàng đế Lê Thánh Tông.

Vì thế, ngay năm đầu niên hiệu Quang Thuận của Lê Thánh Tông (Lê Thánh Tông trị vì 38 năm, với hai niên hiệu: Quang Thuận (1460 - 1469) và Hồng Đức (1470 - 1497), Đinh Liệt đã được tiến phong: “Khai phủ nghi đồng tam ty, Bình chương quân quốc trọng sự, Nhập nội thái phó, Á Quận hầu tước” - đấy là lời sách Lịch triều hiến chương loại chí. Cũng sách này, còn chép được cả bài chế vua ban, kèm với chức tước tột đỉnh được phong của Đinh Liệt, với những lời lẽ tuyên dương cũng tột đỉnh long trọng như - nói về thân thế, thì - đây là người “Sớm đem tình ruột thịt, ra ứng hội phong vân. Tiếng kèn tiếng sáo xướng họa, anh em khó biết ai hơn kém” (để chỉ: Đinh Liệt là cháu gọi Lê Lợi bằng cậu, lại là em gọi Đinh Lễ bằng anh); hoặc nói về công lao diệt ngụy vương, tôn chính vương: “Huống chi mới rồi gặp cơn vận bĩ, hốt nhiên họa loạn sinh ra trong nhà. Khen lòng trung trinh của ngươi, làm cột đá cho thời bây giờ. Một sớm xướng lên việc phục thù, chấn chỉnh lại kỷ cương nhà vua. Ba quân cùng hết lòng giúp sức, dẹp yên kẻ đại ác. Làm cho vua được thịnh, nên thưởng cho quan to...”. Những năm sau đấy, sống giữa triều đình Đông Kinh dưới thời thịnh trị của Lê Thánh Tông, là những năm đắc ý nhất trong cuộc đời hơn bốn chục năm làm “người Đông Kinh” của Đinh Liệt, sau hơn mười năm làm “người Lam Sơn”.

Với chức Thái phó, vào tháng Chạp năm 1460, Đinh Liệt được chép vào chính sử với sự tích và công tích: vâng mệnh vua mới, cầm quân đi đánh dẹp “Cầm man” (tức man di họ Cầm. Lời chú thích của bản dịch sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: tức là họ Lư Cầm, tù trưởng Bồn Man. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục cho rằng: Bồn Man ở miền phía tây của Bắc Trung bộ). Thái phó - đứng hàng thứ hai trong “Tam Thái” (Thái sư, Thái phó, Thái bảo) nhất phẩm triều đình - cũng là chức phong của Nguyễn Xí, người cùng họp thành “cặp bài trùng” với Đinh Liệt, lúc bấy giờ. Nhưng Nguyễn Xí chỉ được hưởng Lộc khai quốc công thần đến năm 1465 thì qua đời. Do đấy, và những năm sau đấy, khai quốc công thần và đệ nhất công thần, chỉ còn lại Đinh Liệt. Và, người ta thấy: vào cuối năm 1470, ở lần hoàng đế Lê Thánh Tông thân chinh đem 26 vạn tinh binh đi đánh Chiêm Thành, chính sử trịnh trọng chép tên Đinh Liệt, với đầy đủ chức tước và nhiệm vụ khi ấy như sau: ngày này (tức là ngày mồng 6. tháng mười một, âm lịch) “Vua (Thánh Tông) xuống chiếu thân hành đi đánh Chiêm Thành” - theo đúng lời sử cũ). Sai Thái sứ, Lân Quận công, Chinh lỗ tướng quân Đinh Liệt... đem thủy quân ba phủ vệ Đông, Nam, Bắc, đi trước”. Liền đó, lại thêm câu: “Ngày Canh Thìn, mồng sáu tháng này (tức: tháng 11 âm lịch, năm 1470) lệnh sai Chinh lỗ tướng quân, Lân Quận công Đinh Liệt... đem 10 vạn thủy quân đi trước” (Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ, Quyển XIII)...

Như vậy là, đến cuối năm 1470, chức tước của Đinh Liệt ở giữa triều đình Đông Kinh, đã là: Thái sư (tức Tể tướng, đứng đầu hàng “Tam Thái”) Lân Quận công (tức Quận công đất phủ Trà Lân). Đấy là năm đầu, niên hiệu Hồng Đức. Đến “Năm thứ hai - lời sách Lịch triều hiến chương loại chí - ông qua đời. Sau, triều đình truy phong làm Mục vương”. Và sách này còn tổng kết cuộc đời Đinh Liệt, như sau: “Ông là người có công to từ khi mới mở nước. Trải thờ bốn triều (vua Lê). Lại là công thần bậc nhất buổi trung hưng (triều đại Lê Thánh Tông) chức vị và đức vọng cao vót. Từ năm Quang Thuận thứ 6 (tức năm 1465) trở đi, làm Tể tướng gần 10 năm. Quyết đoán những mối ngờ lớn. Quyết định những việc bàn lớn. Vua rất tin cậy. Trong triều ngoài nội đều tôn trọng”./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Đinh Liệt – trung thần danh tướng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO