Đình Hoàng Liên
Đình Hoàng Liên ngày nay nằm trong địa phận phường Liên Mạc, quận Bắc Từ liêm, Hà Nội. Đình nằm về phía tây bắc Thủ đô, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km.
Theo truyền tích của nhân dân địa phương thì đình Hoàng Liên được xây dựng rất sớm để thờ thần Cao Sơn đại vương và thờ vọng Lý Ông Trọng. Trải qua thời gian, thiên tai và binh hoả đã làm hư hỏng bản thân khối kiến trúc và mất đi những tài liệu thành văn của đình. Ngày nay đình chỉ còn lưu giữ được 5 đạo sắc phong tặng cho vị thần Cao Sơn đại vương, trong đó sắc sớm nhất có niên đại Tự Đức thứ 6 (1853), còn cuốn thần phả của đình đã mất trong lần vỡ đê năm 1915. Đình Hoàng Liên trước đây nằm bên ngoài đê, gần sông Hồng. Năm 1915, nước sông lớn đê bị vỡ, toàn bộ ngôi đình và các hiện vật, văn bản giấy tờ bị mất. Bản thân khối kiến trúc hiện nay là được xây dựng lại vào năm Mậu Thìn (1928), niên đại này còn được ghi rõ trên thượng lương toà Đại đình. Ngoài Cao Sơn đại vương và Lý Ông Trọng, đình còn thờ một nhân vật nữ mà dân làng thường gọi là bà Bôn. Tuy nhiên về xuất xứ cũng như lai lịch của bà thì cho đến nay tại địa phương không thấy có truyền thuyết hay văn bản gì ghi chép lại.
Đình Hoàng Liên là một công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, đình vừa là nơi để thờ Thần hoàng làng, vừa làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng và họp bàn việc làng của nhân dân địa phương.
Đình Hoàng Liên ngày nay nằm giữa khu vực dân cư của làng. Đình quay mặt về hướng đông, phía trước có một ao hình chữ nhật khá lớn. Đình là một tổng thể quy mô kiến trúc hoàn chỉnh và khá bề thế bao gồm: Tam quan hai dãy Tả hữu mạc và ngôi đình chính hình chữ “đinh”. Bốn bộ phận kiến trúc này được gắn kết với nhau thành một vòng khép kín bao quanh một sân gạch vuông, rộng ở chính giữa.
Toà Đại đình có quy mô kiến trúc lớn gồm 5 gian 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Mái lợp ngói ta, bờ nóc, bờ dải đắp kiểu bờ đinh, hai nách hồi đắp hai đầu kìm hướng vào mặt trời lửa ở chính giữa.
Hậu cung là một nếp nhà dọc 3 gian, thông với chính giữa Đại đình. Bộ vì ngoài cùng được làm kiểu chồng giường khít lên nhau, các vì trong có kết cấu kiểu giá chiêng kẻ chuyền đơn giản, không trang trí.
Nằm song song và sát Hậu cung về bên phải có một gian thờ nhỏ, thông với Đại đình bằng một cửa vòm, kiến trúc kiểu kèo cầu quá giang đơn giản, là nơi thờ bà Bôn phu nhân. Bên trong có một bức hoành phi đề 4 chữ “Đức hạnh đoan trang” cùng nhiều đồ thờ tự khác. Nhìn chung các hiện vật ở đây đều có niên đại thời Nguyễn.
Hiện nay đình Hoàng Liên còn lưu giữ được một số những hiện vật: Sắc phong, hoành phi, ngai thờ, cửa võng...
Hàng năm, lễ hội đình Hoàng Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng ba âm lịch để tưởng nhớ đến thần Cao Sơn.
Đình Hoàng Liên đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1995.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01