Đình An Phú
Đình An Phú hiện nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Mảnh đất nơi đây đã chứng kiến nhiều chiến công oanh liệt chống giặc ngoại xâm của nhân dân Thăng Long.
Từ xa xưa, người Việt cổ từ trung du đã theo dòng sông Hồng vào sông Thiên Phù và sông Tô Lịch để định cư ở vùng đất phía tây Hà Nội ngày nay. Vì lẽ đó mà từ xa xưa vùng đất An Phú - Vạn Long đã trở thành nơi hội tụ cư dân đông đúc và là vùng phát triển kinh tế. Về quân sự vùng Bưởi cũng có vị trí quan trọng ngay từ thế kỷ X để chống quân Tống xám lược. Vua Lê Đại Hành (980 - 1005) đã cử tướng quân Trần Công Tích đem quân đóng đồn ở xứ Phượng Đảo để “chốt” vào điểm yết hầu của mạch đường sông giáp ranh đất Long Đỗ, Từ Liêm, Phong Khê cực kỳ quan trọng để chống quân Tống.
Đình An Phú là nơi thờ vị Thành hoàng chung của hai làng An Phú và Vạn Long là Nguyễn Bông - một vị quan của triều Lý (Lý Thánh Tông). Bên cạnh đó đình còn phụng thờ tiến sĩ Trần Toàn làm quan triều liệt đại phu đã có công dạy dân làm kẹo mạch nha - một nghề phụ đã giúp cho cuộc sống của người dân nơi đây được ổn định. Căn cứ cuốn thần tích còn lưu tại đình làng và các sách sử ghi chép về lai lịch và công tích của ông Nguyễn Bông như sau: “...Nguyễn Bông là một vị quan triều Lý (Lý Thánh Tông). Năm Quý Mão vua Lý Thánh Tông chưa có con nối dõi đã đặc mệnh cho chi hầu nội Nguyễn Bông theo bà Nguyên phi Ỷ Lan về chùa Thánh Chúa ở trang Dịch Vọng, Từ Liêm để lễ cầu đảo. Sau đó Ỷ Lan sinh được hoàng Càn Đức, nhà vua vui mừng khôn xiết bèn lệnh cho Nguyễn Bông mang vàng bạc, lễ vật về lễ tạ chư Phật ở chùa Thánh Chúa. Trên đường đi qua địa phận hai thôn Vạn Long và Yên Phú thuộc xã Nghĩa Đô gọi là xứ Mả Giang bỗng nhiên thác hóa. Biết tin nhà vua liền phong phúc thần và cho phép nhân dân hai thôn lập miếu thờ tự và phụng thờ mãi mãi..”.
Đình có kết cấu kiến trúc kiểu tiền chữ “nhất”, hậu chữ “đinh” gồm: Đại bái, Trung tế và Hậu cung. Nhà Đại bái năm gian xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ta. Bộ khung đỡ mái gồm 6 bộ vì kèo làm kiểu vì “giá chiêng”. Phía trước hai hồi xây hai trụ biểu kiểu trụ lồng đèn, đỉnh trụ đắp nổi hình bốn chim phương cách điệu thành hình chái giành. Nhà Trung tế năm gian hai dĩ kiểu nhà bốn mái lợp ngói ta, giữa bờ nóc đắp hình lưỡng long châu mặt trời, hai đầu kìm đắp hình văn chiện hóa rồng. Các vì kèo đỡ mái làm kiểu vì kèo cầu quá giang. Tòa hậu cung ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Các bộ vì đỡ mái kết cấu kiểu “kèo quá giang”. Nền nhà lát gạch vuông. Hiện nay toà kiến trúc đình An Phú được bảo quản chu đáo, tu bổ, thường xuyên sử dụng làm nơi sinh hoạt của cụm dân cư và tổ chức các hoạt động văn hoá thể thao, đặc biệt là những ngày xuân mới hàng năm và ngày hội làng 12 tháng 2 âm lịch. Là nơi thờ vị Thành hoàng chung của hai làng Vạn Long, An Phú nên di tích mang những giá trị lịch sử văn hoá truyền thống, nơi lưu giữ những nét đẹp văn hoá của một vùng quê giàu truyền thống ở phía tây Thủ đô. Đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật quý như: Thần tích; 8 đạo sắc phong niên hiệu thời Nguyễn; kiệu rước; ngại thờ và nhiều di vật khác như: sập thờ, nhang án, bát bửu, câu đối, hoành phi...
Đình An Phú đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01