Di sản hát múa Ải Lao: Giá trị văn hóa ngàn năm, đầy vơi khoảng lặng
Hát múa Ải Lao (phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội) là một trong những di sản văn hóa lưu giữ những điệu múa, hát cổ quý báu, góp phần làm nên nét đặc sắc của văn hóa dân gian Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung.
Nghệ thuật trình diễn dân gian này vẫn đang hiện diện và giữ được bản sắc, hòa vào đời sống tín ngưỡng của người dân Hà Nội. Tuy nhiên, trong nhịp sống hiện đại, quá trình đô thị hóa diễn ra chóng mặt và những người thực hành di sản ngày càng cao tuổi, công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị hát múa Ải Lao đang gặp nhiều khó khăn và thách thức...
Tạp chí Người Hà Nội trân trọng gửi đến quý độc giả loạt bài viết ghi chép, phản ánh với chủ đề “Di sản hát múa Ải Lao: Giá trị văn hóa ngàn năm, đầy vơi khoảng lặng” để nhận thấy Di sản văn hóa phi vật thể gắn với sự tích Thánh Gióng vẫn đang hiện diện trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân Thủ đô, và cũng thấy được hát múa Ải Lao cần được quan tâm hơn nữa trường tồn cùng đời sống văn hóa dân tộc.
Kỳ 1: “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”
Lời ca và điệu múa của phường Ải Lao không chỉ thể hiện sự tôn kính và cảm tạ Thánh Gióng mà còn tạo nên không khí vui tươi trong một lễ hội trang nghiêm với nhiều nghi lễ. Mang trong mình tầm quan trọng và sứ mệnh đặc biệt, người dân tham dự hội Gióng đền Phù Đổng có câu “Phi Ải Lao bất thành Hội Gióng”.
Điệu hát múa gắn với sự tích Thánh Gióng, làm vơi nỗi nhớ con của Đức Mẫu
Hát múa Ải Lao là nghệ thuật dân gian độc đáo, có lịch sử lâu đời của người dân làng Hội Xá (phường Phúc Lợi) và được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến ngày nay. Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia này chỉ diễn ra ở Hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) nhưng lại do phường hát múa Ải Lao thuộc làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên thực hành.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Trọng Hinh đã ở tuổi xưa nay hiếm, nguyên đoàn trưởng đội hát múa Ải Lao phường Phúc Lợi, giọng đầy tự hào chia sẻ với phóng viên Tạp chí Người Hà Nội, hát múa Ải Lao là một di sản văn hóa độc đáo gắn với truyền thuyết Thánh Gióng. Theo sự tích, vào đời Hùng Vương thứ 6, nước Văn Lang bị giặc Ân từ phương Bắc xâm lược. Thánh Gióng là người làng Phù Đổng đã hiện thân để đánh tan quân giặc, đem lại cảnh quốc thái dân an.
Thánh Gióng mặc áo sắt, đội mũ sắt, cầm roi sắt nhảy lên lưng ngựa cùng đoàn quân ra trận. Khi đoàn quân của Thánh Gióng đi qua con đê tả ngạn sông Thiên Đức (sông Đuống ngày nay) đến địa phận làng Hội Xá (tổng Đặng Xá, tỉnh Bắc Ninh ngày xưa), trẻ chăn trâu làng Hội Xá nô nức đi theo ngài đánh giặc. Trên đường đi còn gặp ông câu cá và ông Hổ cùng tình nguyện đi theo. Sau những trận chiến ác liệt, giặc nhà Ân tan tác. Thắng giặc, Thánh Gióng cưỡi ngựa lên đỉnh núi Vệ Linh (huyện Sóc Sơn) nhìn về làng, cúi lạy bái mẫu thân, rồi cưỡi ngựa bay vút lên trời.
Đất nước thanh bình, muôn dân xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Nhưng Đức Mẫu - “Mẹ Gióng” vẫn thấy nỗi nhớ con da diết. Thấy vậy trẻ chăn trâu Hội Xá xin nhà vua để được múa hát cho Đức Mẫu vui vẻ. Với những nhạc cụ trống, mèn và hai thanh tre gõ vào nhau, trẻ chăn trâu Hội Xá đã múa hát cho Mẫu nghe. Mẹ Gióng sau đó vui vẻ, lắng những phiền muộn. Khi Lý Thái Tổ lên ngôi vua, ngài đã ban chiếu cho làng Phù Đổng hàng năm được mở hội trận để tri ân công lao của Đổng Thiên Vương. Đồng thời nhà vua cũng cho phép phường Ải Lao Hội Xá được tham gia lễ hội, ban thưởng cho trẻ chăn trâu Hội Xá 26 mẫu 7 sào đất thuộc làng Phù Dực ngày nay. Nhà vua còn đặt tên cho đội múa hát là đoàn tùng choặc, sau được đổi tên thành phường Ải Lao như ngày nay. Từ đó, phường Ải Lao ra đời và hát múa Ải Lao gắn liền với Hội Gióng đền Phù Đổng.
Trải qua hàng ngàn năm đến nay, truyền từ đời này sang đời khác, những điệu múa, lời hát cổ của ông cha vẫn được phục vụ duy nhất ở Hội Gióng đền Phù Đổng.
Đặc sắc điệu múa hát từ ông Hoàng Hổ, ông Câu cá
Múa hát Ải Lao thuộc những điệu múa cổ ở nước ta. Theo nhà nghiên cứu Cao Huy Đính, trong tiếng Hán cổ “Ải Lao” có nghĩa là “buộc trâu”. Cái tên xuất phát từ việc đám trẻ chăn trâu làng Hội Xá đã buộc trâu lại để theo Thánh Gióng đánh giặc.
Có hai điệu múa chính trong hát múa Ải Lao, gồm múa hành lễ và múa nghi lễ, được thực hiện đầu tiên khi làm lễ trình trước bàn thờ Thánh Gióng. Các bài hát của phường Ải Lao đều ca ngợi Thánh Gióng và Đức Mẫu. Hiện phường hát múa Ải Lao tại phường Phúc Lợi còn lưu giữ, bảo tồn được 12 bài hát cổ. Cách hát, biểu diễn, cách đánh trống, đánh chiêng và đánh xinh, cách làm lễ thánh vẫn theo lề lối cổ xưa, hầu hết các bài hát cổ vẫn được biểu diễn tại Hội Gióng xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Ông Hoàng Hổ là người múa hành lễ đầu tiên, tiếp theo là các động tác múa cổ do trịch trống, trịch chiêng và hai người cầm bông thực hiện. Cuối cùng là các thành viên trong phường Ải Lao biểu diễn múa hành lễ. Các động tác múa của ông Hoàng Hổ uyển chuyển thể hiện sức mạnh của mãnh tướng, vừa thể hiện được lòng khâm phục của ông đối với Thánh Gióng. Điệu múa hành lễ của các thành viên “hàng quân” đứng thành hai hàng dọc quay mặt lên bàn thờ Thánh Gióng.
Với múa nghi lễ, các động tác của ông Hoàng Hổ và ông Câu cá hòa nhập với nhịp điệu của lời ca. Các điệu múa của những nhân vật này không gò bó theo một khuôn mẫu có sẵn mà người múa có thể sáng tạo theo cách của mình. Ông Hoàng Hổ thực hiện các điệu múa làm lễ Thánh, nghi lễ kiểm tra “khám đường và khám mặt trận” và múa tất cả các bài hát khi phường Ải Lao biểu diễn. Người vào vai ông Hoàng Hổ phải là người có sức khỏe, vóc dáng cao lớn và có năng khiếu múa. Ông Hoàng Hổ và phường Ải Lao là đoàn quân tượng trưng cho đội quân tổng hợp, đoàn kết mọi giai tầng trong xã hội để một lòng đánh đuổi quân xâm lược. Đây là truyền thống tốt đẹp được hình thành từ buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc ta,
Trong khi đó điệu múa của ông Câu cá, chủ yếu được thể hiện ở bài “uốn cảnh”, thể hiện sự tinh tế vui tươi và mềm mại, động tác đi lẳng lơ. Nhân vật ông Câu là biểu tượng cho cuộc sống thường ngày, tình yêu đôi lứa. Chính vì vậy, người đóng vai ông Câu cá trong hát múa Ải Lao phải múa dẻo, tình tứ để có thể truyền tải được chủ đề của bài hát. Các bài hát Ải Lao được chuyển từ các bài thơ chủ yếu theo thể lục bát, song thất lục bát và thơ tám chữ bằng cách lặp từ, thêm các từ đệm, thay đổi cấu trúc bài thơ. Người ta thêm các từ đệm vào câu thơ để tạo nhịp và duy trì sự hài hòa cho bài hát mà không làm thay đổi ý nghĩa của lời.
Nghệ thuật hát múa Ải Lao chứa đựng các lớp lang văn hóa, câu chuyện lịch sử được đúc kết từ bao thế hệ. Trong thời gian diễn ra hội Gióng đền Phù Đổng vào tháng Tư âm lịch hàng năm, phường Ải Lao thực hành nhiều bài hát: Hát khi vào đền dâng lễ, hát thờ đền Thượng, hát thờ đền Thánh Mẫu (mẹ Thánh Gióng), hát sử (kể lại sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân bằng lời ca), hát kéo hội đi đường, hát rước hội xuống đồng vào giá ngự, hát câu cá, hát về cây tre, hát săn hố, hát về đền sau khi thắng trận. Tùy từng thời gian, địa điểm mà phường hát các bài hát cho phù hợp hoàn cảnh.
Tại hội Gióng đền Phù Đổng, hát múa Ải Lao được coi là linh hồn, người dân từ xưa đã quan niệm “Phi Ải Lao bất thành hội Gióng”./.
(Kỳ 2: Gìn giữ hát múa Ải Lao lắm nỗi gian nan sẽ được Tạp chí Người Hà Nội đăng tải vào thời gian gần nhất, kính mời quý độc giả đón đọc).