Đánh thức di sản Thủ đô: Bảo tồn, tái tạo và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống:Bài 3: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô - vàng son còn mãi
Trong nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội thì hát Dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) có nét đặc sắc không thua kém gì ca trù Lỗ Khê, chèo tàu Tân Hội. Hát Dô gắn liền với việc thờ thánh Tản Viên Sơn, ngày càng được quan tâm và lan tỏa trong cộng đồng.
Từ sự tích hát Dô 36 năm tổ chức một lần…
Về xã Liệp Tuyết tìm hiểu về hát Dô, chúng tôi được chính quyền địa phương giới thiệu gặp nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan – “báu vật sống” về hát Dô của địa phương cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết.
Theo nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan, sự ra đời của hát Dô không ai biết thời gian cụ thể nhưng gắn với truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh. Xưa kia, Tản Viên Sơn Thánh về Lạp Hạ (Liệp Tuyết ngày nay), ngài thấy vùng đất này dân cư thưa thớt, người dân chưa biết cày cấy, trong khi đó trồng trọt mất mùa thường xuyên. Thấy vậy, ngài ở lại làng, tìm trâu tốt, giống lúa giống cây tốt và dạy người dân cấy cày, trồng trọt.
Xong xuôi mọi việc, Tản Viên Sơn Thánh rời làng, hẹn mùa lúa chín sẽ quay trở lại. Mỏi mòn chờ đợi, đến 36 năm sau người dân mới thấy ngài trở về. Lúc này dân làng đã biết làm ăn, mùa màng tốt tươi, thóc chất đầy nhà. Trở về làng, Tản Viên Sơn Thánh thấy dân làng đã có cuộc sống ấm no, sung túc, ngài lại vào nhà dân chọn trai chưa vợ, gái chưa chồng để dạy hát Dô. Người dân mở hội linh đình. Sau đó, ngài lại ra đi và không còn trở lại. Từ đó người dân lập đền thờ Tản Viên Sơn Thánh ở khoảng đất đầu làng, đặt tên đền Khánh Xuân (còn gọi là Xuân Ca Công).
Ngày mồng Mười đến Rằm tháng Giêng, dân làng tổ chức Lễ hội hát Dô tại đền để ca ngợi công đức của ngài. Hội hát Dô khép lại, người dân cất khăn, váy áo, quạt, túi đeo và cả sách hát vào tráp. Đến 36 năm sau, hội hát Dô tổ chức trở lại thì người dân mới lấy các đồ đã cất trước kia ra thực hành, trình diễn tiếp. Hội hát Dô tại Liệp Tuyết diễn ra lần cuối cùng vào năm 1926, sau đó bị “ách tắc” bởi chiến tranh cùng nhiều nguyên nhân khách quan quan khác.
Thể hiện một tác phẩm hát Dô cho chúng tôi nghe, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cho biết, hát Dô có 3 kiểu hát gồm hát thờ (hát trong đền), hát chúc, hát múa bỏ bộ (hát ngoài sân đền). Hát chúc gồm 36 làn điệu phải trên một tiếng mới xong một bài. Hát thờ chỉ hát trong đền và không được đem đi đâu, còn hát múa bỏ bộ thì ngắn chỉ vài phút là xong thường là hát đối đáp, giao lưu thể hiện nét đẹp sinh hoạt hàng ngày, tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa vợ chồng...
Điểm đặc sắc và độc đáo của hát Dô là không có nhạc, chỉ có phách và quạt để làm đạo cụ. Tuy mộc mạc, giản dị như vậy nhưng hát Dô vẫn truyền tải đến người nghe những giai điệu ngọt ngào, đầm ấm và thanh thoát của quê hương xứ Đoài. Theo tục lệ xưa, người tham gia hát Dô phải thuộc dòng dõi con nhà gia giáo, phải là những cô gái chưa chồng, trai chưa vợ và không vướng tang. Nội dung diễn xướng hát Dô phản ánh nhận thức của người dân lao động về thiên nhiên, mơ ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Cùng tồn tại song song với lời ca là các động tác múa phụ hoạ của các “con” (còn gọi là bạn nàng, chỉ một vai nữ) được kết hợp nhuần nhuyễn trong lúc diễn. Một canh hát Dô gồm có “cái” (một vai nam) xướng và “con” hoạ lại. Khi hát “bạn nàng” vừa hát vừa múa theo nội dung từng đoạn như: hái hoa, múa quạt, bắn cung, hái chè, dệt cửi. Hát Dô mang những đặc điểm chung của các thể loại dân ca liên quan trực tiếp đến văn hóa sản xuất nông nghiệp, truyền thống thờ các vị thần và ca ngợi công lao của một trong tứ bất tử của Việt Nam, cũng như những bài ca về lao động, về cuộc sống bình dị của nhân dân.
…đến nỗ lực khôi phục, lan tỏa hát Dô
Những làn điệu độc đáo của hát Dô dần rơi vào quên lãng, đứng trước nguy cơ bị “chôn vùi” trong một thời gian dài gần 70 năm. Người còn lưu giữ các bản nhạc, làn điệu hát Dô cổ đã ở tuổi xưa nay hiếm hoặc đã mất. Năm 1989, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ), Trung tâm Văn hóa huyện Quốc Oai và chính quyền xã Liệp Tuyết triển khai sưu tầm, thu thập, phục hồi di sản hát Dô. Người được phân công trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này không ai khác là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Liệp Tuyết Nguyễn Thị Lan – nghệ nhân nhân dân bây giờ.
Năm 1989, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan tình cờ được một cụ cao niên truyền dạy hát Dô. Được cụ cao niên hát cho nghe những bản hát cổ, bà Lan lấy giấy bút ra ghi lại. Chép 3 ngày 3 đêm thì xong những bản hát Dô mà cụ cao niên còn nhớ. “Con nhớ phải bảo quản và giữ gìn cẩn thận vì đây là di sản của ông cha để lại. Sau đó không lâu thì cụ ra đi thanh thản” - nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan chia sẻ.
Cùng với quá trình thu thập, sưu tầm làn điệu, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan đã đi vận động các cháu thanh thiếu niên cùng các gia đình cho phép các cháu tham gia học hát. Dù mọi người xì xào bàn tán “bị ma làm” và “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng nghệ nhân Nguyễn Thị Lan quyết không bỏ cuộc.
Kết quả đến năm 1999, Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết được thành lập, với với 30 thành viên từ tuổi trung niên trở lên, do nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan làm Chủ nhiệm. Các thành viên dù tuổi đã cao nhưng nỗ lực hết sức truyền dạy cho con cháu, góp phần làm sống lại làn điệu hát Dô của quê hương. Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan cho biết, đến nay có khoảng 60% người dân trên địa bàn hiểu về ý nghĩa, biết về một số làn điệu hát Dô. Câu lạc bộ hát Dô xã cũng đã được trẻ hóa, hiện nay gồm 30 em nhỏ tuổi từ 11 đến 16 tham gia sinh hoạt tại Câu lạc bộ.
“Chúng tôi cũng tổ chức nhiều lớp truyền dạy và đến nay đã đào tạo được hơn 1.000 em thanh thiếu nhi biết hát Dô. Các em sáng đi học, chiều ra bãi trồng ngô, nhưng tối về lại í ới gọi nhau tập hát. Ngoài ra, Câu lạc bộ hát Dô đã được mời tham gia biểu diễn ở tại các chương trình nghệ thuật, trong đó năm 2008, cá nhân tôi từng được mời sang Malaysia giới thiệu về nghệ thuật hát Dô.
Trong nước, Câu lạc bộ hát Dô cũng biểu diễn Lễ hội chùa Thầy, Nhà hát Lớn Hà Nội, khu vực tượng đài Lý Thái Tổ; biểu diễn phục vụ du khách tại khách sạn La Thành, Dewoo hay một số tỉnh, thành khác như Thanh Hóa, Bắc Ninh...”, nghệ nhân nhân dân Nguyễn Thị Lan giọng tự hào.
Theo người đứng đầu Câu lạc bộ hát Dô xã Liệp Tuyết, thời gian qua TP. Hà Nội cùng Sở Văn hóa – Thể thao; Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quốc Oai, chính quyền địa phương đã quan tâm, có những hành động nhằm bảo vệ và phát huy giá trị hát Dô. Chính vì thế, từ nguy cơ bị “chôn vùi”, đến nay hát Dô đã, đang lan tỏa, cho thấy sức sống mãnh liệt. Đầu năm 2023, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ghi danh “Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Dô” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, dự kiến Lễ đón bằng ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hát Dô vào Lễ hội đền Khánh Xuân năm 2024./.