Để di sản công nghiệp đồng hành cùng Thành phố sáng tạo
Tháp nước Hàng Đậu mở cửa đón khách, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sau bao nhiêu năm đóng cửa sẽ tổ chức chuyến tàu đặc biệt đón khách đúng dịp khai mạc và bế mạc Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2023. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong việc tái thiết, hồi sinh những di sản công nghiệp "đang ngủ quên" trong định hướng xây dựng Thành phố sáng tạo.
Tháp nước Hàng Đậu (tên thường gọi: Bốt Hàng Đậu) là công trình kiến trúc cổ, được người Pháp xây dựng vào năm 1894. Đây là một trong những di sản công nghiệp được Hà Nội lựa chọn kiến tạo thành không gian sáng tạo, từng bước hiện thực hóa sáng kiến khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo định nghĩa của Ủy ban Quốc tế nghiên cứu và bảo tồn di sản công nghiệp, di sản công nghiệp là những gì còn lại của văn hóa công nghiệp, bao gồm các tòa nhà, công xưởng, máy móc, hầm mỏ… Đây là một phần không thể tách rời của di sản văn hóa nói chung. Khái niệm này là đã rát quen thuộc ở châu Âu nhưng còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Hiện nay, Hà Nội còn khoảng hơn 100 cơ sở công nghiệp, trong đó không ít nhà máy, xí nghiệp mang nhiều dấu ấn, lưu giữ được những ký ức lịch sử của dân tộc.
Năm 2022, Hà Nội thông qua Nghị quyết di rời 9 cơ sở công nghiệp trong 5 năm, gồm công ty in báo Nhân Dân Hà Nội, công ty in báo Hà Nội mới, Nhà máy bia Hà Nội, Tổng công ty cổ phần bia rượu nước giải khát Hà Nội, công ty thuốc lá Thăng Long, công ty in và thương mại thông tấn xã Việt Nam, Nhà máy xe lửa Gia Lâm, công ty vận tải hành khách đường sắt Hà Nội, tổng kho xăng dầu Đức Giang, công ty nhà xuất bản Nông nghiệp, Viện hóa học công nghiệp Việt Nam.
Các khu nhà máy, xí nghiệp thường gắn với hình ảnh cũ nát, tồi tàn do bị bỏ hoang trong một thời gian dài. Thế nhưng đây lại là những công trình có giá trị về kiến trúc, lưu giữ ký ức đô thị. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung hiện chưa có mô hình kiểu mẫu nào trong công tác chuyển đổi các khu công nghiệp cũ. Nếu giải quyết hài hòa được lợi ích kinh tế và yếu tố văn hóa từ việc tái tạo các di sản công nghiệp thì Hà Nội sẽ có nhiều đột phá về sáng tạo, tạo ra được bản sắc riêng từ những khoảng không gian kết nối giữa quá khứ và hiện tại.
Nhiều quốc gia đã hồi sinh các khu công nghiệp cũ với hình hài là khu phức hợp vui chơi giải trí, tạo ra không gian gắn kết cộng đồng, đồng thời tạo giá trí mới cho những công trình xưa cũ. Giá trị còn lại của những công trình hoen gỉ đã được các nhà đầu tư, kiến trúc sư nhận ra và đưa ra những giải pháp khai thác đúng đắn, hiệu quả.
Năm 2018, ngành công nghiệp sáng tạo đã đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm của Hà Nội, chiếm 3,17% GIDP của thành phố, trong đó giá trị gia tăng của ngành nghệ thuật vui chơi giải trí của Hà Nội đạt khoảng 196,5 triệu USD, chiếm 0,49% GIDP. Việc kiến tạo những không gian văn hóa sẽ giúp Hà Nội chuyển mình trong dòng chảy công nghiệp văn hóa. Những di sản công nghiệp cũng là địa điểm tổ chức hàng loạt sự kiện văn hóa, sáng tạo trong Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội diễn ra từ ngày 17 – 26/11 tới đây, một trong những sự kiện khẳng định thương hiệu thành phố sáng tạo của UNESCO./.