Tích cực truyền thông
Thời gian qua, công tác phòng, chống ma túy, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục được tiến hành thường xuyên, liên tục, do nhiều cơ quan chức năng cùng triển khai. Đối tượng hướng tới khá đa dạng, gồm nhiều thành phần, lứa tuổi. Dẫn chứng là, ngành Giáo dục xây dựng chương trình phòng, chống ma túy học đường, đưa nội dung phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội khác vào các buổi sinh hoạt ngoại khóa. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho các cấp chính quyền ban hành kế hoạch phòng, chống ma túy theo từng năm, giai đoạn.
Hiện tại, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội đang tuyên truyền rộng rãi nội dung Kế hoạch số 248/KH-UBND ngày 3-11-2021 của UBND thành phố Hà Nội về triển khai thực hiện “Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn thành phố”; đồng thời, xây dựng kế hoạch phòng, chống ma túy ở cơ sở cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương, nhóm đối tượng.
Theo đó, giai đoạn 2021-2025, toàn thành phố phấn đấu kiềm chế tỷ lệ gia tăng số người nghiện ma túy mới dưới 1% so với năm trước đó; tăng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; giảm tính chất phức tạp của 5% số xã, phường, thị trấn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn ma túy. Ngoài ra, các bên cùng tạo điều kiện để hơn 80% số người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng...
Nhằm hạn chế hoạt động mại dâm, công tác tuyên truyền cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bên liên quan, qua đó nhiều người chủ động, tích cực tham gia phòng, chống mại dâm. Có thể kể đến như mô hình “Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới”, “Cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng” thu hút hàng chục người từng vướng vào con đường lầm lỡ, nay đã từ bỏ cùng tham gia. Từ những vấn đề đã gặp phải trong thực tế, họ trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả.
Còn “Mô hình hỗ trợ nhằm bảo đảm quyền của người lao động trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn xã hội” triển khai thí điểm tại một số phường trên địa bàn các quận Ba Đình, Cầu Giấy giúp hàng trăm người là đại diện cơ sở kinh doanh dịch vụ và người lao động làm việc trong các cơ sở này nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có mại dâm.
Trước thực trạng mua, bán người diễn biến ngày càng phức tạp, việc tuyên truyền về các hình thức, thủ đoạn lừa bán nạn nhân đã, đang được các bên cùng tập trung triển khai. Chẳng hạn, mới đây, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội) tổ chức nhiều buổi tuyên truyền phòng, chống mua, bán người cho người dân ở nhiều xã thuộc các huyện Thanh Oai, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Thạch Thất, Đan Phượng...
Chuyển biến tích cực
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội Phùng Quang Thức, công tác truyền thông góp phần quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trước những tệ nạn xã hội phức tạp có thể phát sinh; đồng thời là giải pháp hiệu quả để phòng, chống ma túy, mại dâm, nạn mua bán người... thâm nhập đời sống xã hội.
Hiệu quả dễ nhận thấy là số người đi cai nghiện theo diện bắt buộc và tự nguyện ngày càng tăng. Cụ thể, 10 tháng năm 2021, toàn thành phố có 1.150 người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, bằng 104,5% kế hoạch cả năm; số người đi cai nghiện bắt buộc là 1.024 người, bằng 113% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, nhận thức của chính người sử dụng, người nghiện ma túy có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Học viên H.V.H, đang điều trị tại Cơ sở Cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội cho hay: “Qua các buổi tuyên truyền, giáo dục pháp luật tổ chức tại cơ sở, chúng tôi biết thêm nhiều quy định mới. Cá nhân tôi cố gắng điều trị tốt để có thể sớm hòa nhập cộng đồng, làm người có ích”.
Cùng với phòng, chống ma túy, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng ghi nhận những chuyển biến tích cực trong phòng, chống mại dâm. Một số điểm có biểu hiện phức tạp về mại dâm thuộc các quận Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hà Đông, Bắc Từ Liêm... từng bước được triệt xóa, đẩy lùi.
Trong hoạt động phòng, chống mua, bán người, năm 2020, các lực lượng chức năng đã điều tra, triệt phá 3 vụ mua, bán người, bắt giữ 8 đối tượng, xác định 5 nạn nhân, trong đó có một nạn nhân người Hà Nội. Từ đầu năm 2021 đến nay, các bên liên quan đã tiếp nhận, hỗ trợ gần 70 nạn nhân bị mua, bán trở về, trong đó có 2 nạn nhân là công dân Hà Nội... Đáng mừng là nhận thức của người dân trong cộng đồng về nội dung này chuyển biến rõ nét.
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 2, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng) Đặng Thị Kim Dung chia sẻ: “Sau khi tham gia lớp tập huấn về phòng, chống mua, bán người, chúng tôi đã biết đối tượng thường sử dụng tên, tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen trên mạng xã hội, thậm chí hứa hẹn giới thiệu việc làm tốt, thu nhập cao..., sau đó lừa bán nạn nhân. Nạn nhân của các vụ việc chủ yếu là phụ nữ, trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, đời sống khó khăn…, từ đó chúng tôi đề cao cảnh giác và nhắc nhở những người xung quanh cùng thực hiện”.
Từ hiệu quả đã được kiểm chứng, theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội vừa phối hợp với các sở, ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trực tiếp về phòng, chống ma túy, mại dâm, mua bán người... ở cơ sở, vừa phối hợp với một số cơ quan truyền thông xây dựng các phóng sự, trang chuyên đề phản ánh về các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tệ nạn xã hội...