Đào Tiến và khúc giao duyên nặng ân tình

Huệ Minh| 27/01/2022 22:43

…Còn duyên là duyên ngồi gốc 
a… gốc cây thông,
Hết i… duyên là duyên ngồi gốc  gốc cây hồng là hồng hái hoa.
Có yêu nhau sang chơi cửa chơi nhà 
cho thầy là thầy mẹ biết,
Để đuốc hoa chứ hoa định ngày…
(Còn duyên - Quan họ lời cổ)

Đào Tiến và khúc giao duyên nặng ân tình

Người Kinh Bắc vẫn hẹn nhau, tháng ba trảy hội giao duyên. Nếp nghĩ ấy đã ăn sâu vào tiềm thức để mỗi độ xuân, người quan họ muôn nơi lại cùng trở về, trai thì đĩnh đạc áo the khăn xếp, gái thì duyên dáng chít khăn mỏ quạ giao duyên với liền anh liền chị nơi hội Lim, rằng: “Người ơi, người ở đừng về…”.

Những câu dân ca dùng dằng thương nhớ ngày xưa ấy không chỉ thân thuộc với người quan họ mà còn tình tứ trở thành chất liệu ngọt ngào của không ít tác phẩm âm nhạc hôm nay. Với ca khúc Tháng ba mùa quan họ, Đào Tiến đã tinh tế bắt được cái hồn của người quan họ trong từng câu hát: 

Tháng ba hoa gạo đỏ mái đình
Câu quan họ thập thình đâu đó ối a
Lời trao duyên đôi môi chờ đợi 
say men tình người ơi.

Ngay từ những ca từ đầu tiên, Đào Tiến đã vẽ lên một bức tranh miền quê thân thuộc với hoa gạo đỏ, với mái đình cong. Hoa gạo là loài hoa thân thuộc với người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, hoa thường được trồng ở đầu làng như sự chào đón những người con xa quê trở về. Với người quan họ, nơi “hoa gạo đỏ mái đình” còn là điểm hẹn của những đôi trai gái. Ở đó, những liền anh trong trang phục truyền thống khăn xếp, áo the và những liền chị duyên dáng trong bộ áo tứ thân mớ ba, mớ bảy, nón thúng quai thao, cùng nhau hát đối, giao duyên. Lời giao duyên trên môi chưa dứt đã khiến lòng người “say men tình”. Ở đó, “những câu quan họ thập thình” mộc mạc, mà đằm thắm như ông tơ, bà nguyệt kết mối, se duyên cho bao đôi trai gái. Kết mối, se duyên là thế, nhưng men tình vẫn chỉ say trên “đôi môi chờ đợi” bởi “người quan họ không lấy nhau” mặc cho trai gái đã “tình gửi trao”: 

Gót sen hồng bồng bềnh 
câu hát áo 
tứ thân nón lá quai thao tình gửi trao
Dẫu tóc bạc mái đầu

Vẻ đẹp của người con gái Bắc Ninh đã từng được thi sĩ Hoàng Cầm khắc họa trong hai câu thơ:Những cô hàng xén răng đen/ Cười như mùa thu tỏa nắng (Bên kia sông Đuống) - một nét đẹp chân thực, dung dị. Đến Tháng ba mùa quan họ, vẻ đẹp ấy là những gót sen hồng, những nón quai thao, những ánh mắt trao tình và hơn hết là những câu quan họ bồng bềnh, thướt tha dưới vạt áo tứ thân. Những hình ảnh ấy được Đào Tiến “nhạc hóa” thành những giai điệu, điểm tô thêm một cách chân thực nhưng cũng không kém phần thi vị vào bức tranh toàn cảnh về vẻ đẹp của người con gái Bắc Ninh, của sự thủy chung, son sắc “dẫu tóc bạc màu”; của những giá trị truyền thống trở thành thành biểu tượng, nét đẹp văn hóa miền quan họ. Trong sáng tạo nghệ thuật, thơ ca dùng ngôn từ làm chất liệu để tạo nên những thi phẩm hay, hội họa dùng đường nét và màu sắc để tạo nên những bức tranh đẹp, âm nhạc thì dùng giai điệu và âm thanh để chạm đến trái tim người nghe. Đào Tiến đã dùng sự am tường của mình về thơ ca, nhạc và họa để lựa chọn ngôn từ, chắt lọc thành những giai điệu vẽ nên bức tranh trữ tình sống động trong ca khúc Tháng ba mùa quan họ.

Đào Tiến và khúc giao duyên nặng ân tình
Người ta vẫn thường gọi Đào Tiến là nhà thơ bởi hàng trăm bài thơ được anh viết, rồi xuất bản thành nhiều tập trong những năm qua; rồi họa sĩ Đào Tiến - chủ nhân triển lãm tranh Gió thu và gần đây nhất là nhạc sĩ Đào Tiến với đêm nhạc: Đào Tiến - Người chiến sĩ an ninh. Có thể với nhiều người, tên gọi nhà thơ, họa sĩ hay nhạc sĩ chỉ là danh xưng nhưng với Đào Tiến đó còn là tâm huyết, là sự tận tâm cống hiến. Bởi, dù ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào, anh đều cố gắng chắt chiu, sáng tạo bằng cả trái tim. Những tác phẩm nghệ thuật được viết ra từ huyết mạch, từ tình yêu với nghệ thuật dù cho sau này người ta có gọi anh bằng danh xưng nào đi nữa, anh sẽ luôn hạnh phúc về những nỗ lực của mình.

Với mỗi một ca khúc, phần điệp khúc chính là thông điệp chính của bài hát, là phần hấp dẫn nhất, tràn đầy năng lượng, khiến người nghe ghi nhớ và thường được lặp lại nhiều lần trong bài. Ngay từ phần mở đầu, đến phần điệp khúc của Tháng ba mùa quan họ, qua những giai điệu ngọt ngào, Đào Tiến đã mang đến cho người nghe những cung bậc cảm xúc khác nhau. Những cung bậc cảm xúc ấy được đẩy lên cao trào trong phần điệp khúc của bài hát: 

Hoa gạo tháng ba xuân về hoa nở, 
sống là yêu yêu là sống người ơi
Câu quan họ còn mãi người ơi
Câu quan họ còn mãi tình yêu

Như một sự luân hồi chuyển kiếp, mỗi tháng ba về hoa gạo lại nở thắm đỏ mái đình, triền đê. Mùa gạo nở cũng là mùa chở bao nhung nhớ, yêu thương. Sự luân hồi của vạn vật, của bốn mùa, hay chính là sự luân hồi của con người. Cái khát khao sống và yêu, yêu và sống như một mạch nguồn chảy âm ỉ trong những giai điệu, ca từ của Tháng ba mùa hoa gạo. Lời nhắn gửi người quan họ hãy yêu khi sống, hãy sống để yêu, để câu quan họ dù bao đời luân hồi chuyển kiếp vẫn sẽ còn mãi với tình yêu hay là lời nhắn gửi cho mọi người, cho chính mình, lời nhắn gửi cho khát khao được sống và được yêu?

Đến nay, không ít người vẫn băn khoăn đi tìm lời giải cho câu hỏi: Thế nào là một bài hát hay? - Là ca khúc có ca từ đẹp? Là ca khúc có giai điệu du dương? Là ca khúc có thể chạm được đến trái tim người đọc?... Câu hỏi này chắc hẳn sẽ có nhiều câu trả lời, bởi xúc cảm của con người là vô hạn, dự cảm của mỗi người là khác nhau. Với tôi, Tháng ba mùa quan họ là một bài hát hay bởi ca từ đẹp, chạm đến trái tim người nghe: câu quan họ còn mãi người ơi. 

Xuân về, gõ cửa bên thềm. Câu hát quan họ lại bồng bềnh dưới vạt áo tứ thân. Người quan họ lại rộn ràng áo khăn trảy hội. Những giai điệu của Tháng ba mùa quan họ lại một lần nữa vang lên và “kết duyên” với người quan họ, “kết duyên” với ngày xuân.
(0) Bình luận
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • "Bài văn về trứng vịt lộn" đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh 2024
    Với mong muốn tìm kiếm các tác giả, hoạ sĩ truyện tranh Việt Nam và phát triển nhiều hơn nữa các tác phẩm truyện tranh của Việt Nam, Viện Pháp tại Việt Nam và Nhà xuất bản Kim Đồng phối hợp tổ chức cuộc thi Sáng tác truyện tranh.
  • Thêm một cuốn sách về tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam
    Để giúp bạn đọc hiểu rõ và đầy đủ hơn về các tôn giáo, đời sống tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Tôn giáo và đời sống tôn giáo ở Việt Nam - Hỏi và đáp” của tác giả Nguyễn Thái Bình và Đỗ Thị Thanh Hương.
  • Huế trong thơ Lê Vĩnh Thái
    Thơ Lê Vĩnh Thái ở bất kỳ chặng nào, tập nào cũng khó đọc, khó hiểu, không thể nhớ. Tôi quen biết anh gần hai chục năm nay, gần như tập thơ nào cũng đọc, song đều để riêng một góc… và suy ngẫm.
  • Sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc từ thời Lý đến nay
    Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật vừa ra mắt bạn đọc cuốn sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay". Không chỉ khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, phác họa bối cảnh chính trị, văn hóa, xã hội thời kỳ này cuốn sách còn góp phần khẳng định những giá trị của Phật giáo trong xã hội Việt Nam hiện nay, đồng thời đề cập tới những cơ hội, thách thức và các giải pháp phát huy những giá trị tư tưởng, văn hóa tốt đẹp của Phật giáo trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đào Tiến và khúc giao duyên nặng ân tình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO