Văn hóa – Di sản

Đặng Huy Trứ - nhà nho yêu nước mở đường canh tân

Vũ Khiêu 13/11/2023 16:24

Đặng Huy Trứ, tự Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trai, sinh ngày 16/5/1825 tại làng Thanh Lương, nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế).

Ông nội là Đặng Quang Tuấn và cha là Đặng Văn Trọng, đều làm nghề dạy học. Nhà không có ruộng nương, mẹ ông là Trần Thị Minh phải chạy chợ, lo toan cuộc sống của cả nhà.

dang-huy-tru.jpg
Nơi thờ tự Danh nhân Văn hóa Đặng Huy Trứ.

Trước khi Đặng Huy Trứ ra đời, cha mẹ ông đã mất hai đứa con đầu lòng, sau này ba đứa con ông cũng sinh ra rồi chết. Vì tin vào số mệnh, cha mẹ ông đã phải gửi ông cho người chị vợ nuôi hộ. Cậu bé Trứ vì thế đã sống trong tình yêu thương vừa của cha mẹ, vừa của dì. Mãi đến năm 12 tuổi, cậu bé mới trở về nhà, ở hẳn với cha mẹ.

Gia đình Đặng Huy Trứ là một gia đình nền nếp nho phong. Ở đây, những giá trị tinh thần được quý trọng nhất, đó là tình thương yêu, là đạo đức và học vấn, là sự cùng quan tâm đến danh dự gia đình và phẩm chất cá nhân. Ở đây, cha dạy con, anh bảo em, chú bác dìu dắt con cháu trau dồi đức hạnh và kiến thức. Đặng Huy Trứ đã chính mắt chứng kiến lòng hiếu thảo của hai bác ông, là hai vị quan trong triều, vẫn luôn gửi quà, gửi thư và thay phiên nhau về thăm hỏi mẹ già. Cha ông còn tích cực hơn nữa, từ chối không ra làm quan để ở nhà săn sóc mẹ. Đặng Huy Trứ viết về cha mình như sau: “Cha tôi đỗ tú tài rồi về ở nhà, giúp vợ thi hành việc giáo hoá, dạy con bảo vệ nghĩa lý, tôn kính mẹ như trời, thờ cúng cha như thần, kính trọng anh như cha, yêu cháu như con đẻ, coi học trò như con em trong nhà, liêm khiết giữ mình, cần kiệm giữ nếp nhà, khiêm tốn trong giao tiếp, khoan thứ trong công việc, thành thật khi kết bạn, nhân ái với xóm giềng”...

Như vậy, Đặng Huy Trứ được nuôi dưỡng trong những tình cảm tốt đẹp, từ phạm vi gia đình mở rộng ra tới bạn bè, làng xóm, quê hương, đất nước... Với những tình cảm ấy, ông sớm có thái độ đúng mức trước những hành vi đúng sai, tốt xấu, ngay gian trong đời sống xã hội. Những tình cảm ấy tạo cho ông một cơ sở vững chắc, dần dần trở thành bản chất, để từ một người con hiếu trong gia đình trở thành người con hiếu của nhân dân.

Cùng với việc xây dựng tình cảm, giáo dục đạo đức, gia đình đặc biệt chăm lo cho Đặng Huy Trứ được học tập đến nơi đến chốn. Với kinh nghiệm mấy đời học và dạy học của gia đình, cụ Đặng Văn Trọng đã giúp con nhanh chóng nắm bắt những kiến thức về nhiều mặt. Ở tuổi 15, Đặng Huy Trứ đã thông thạo các thể loại thơ văn và mọi quy cách thi cử. Từ 25 bài thơ viết trong độ tuổi này, hồn thơ cứ theo ông đi suốt cuộc đời. Trên mỗi chặng đường, trước từng biến cố và chuyện vui buồn xẩy đến, ông đã đều đặn ghi lại những suy nghĩ và tình cảm của mình. Gần hai nghìn bài thơ, bài văn do ông để lại là một di sản rất quý báu cho kho tàng văn hóa dân tộc, đồng thời là những cứ liệu sống động và rất tin cậy cho những ai đi vào nghiên cứu, tìm hiểu con người và sự nghiệp của ông.

Để con mình có thể không ngừng mở rộng kiến thức, phát triển tài năng, cụ Đặng Văn Trọng còn mời những bậc khoa bảng xuất sắc thời đó lần lượt dạy. Nhờ đó mà năm 18 tuổi, Đặng Huy Trứ đã đỗ Cử nhân, năm 23 tuổi đi thi Hội, thi Đình đã trúng cách đỗ Tiến sĩ, nhưng chỉ vì phạm huý mà bị truất. Không những thế, còn bị tước cả học vị Cử nhân và bị phạt đòn 100 roi.

Là người giàu nghị lực, Đặng Huy Trứ quyết tâm làm lại. Ngay cuối năm ấy, ông lại đi thi Hương và đạt kết quả rực rỡ: đỗ Giải nguyên. Sau đó, từ 1848-1855, ông vừa lo giải quyết những công việc trong gia đình, vừa tiếp tục học, dạy học và chờ bổ nhiệm.

Năm 1858, tàu chiến Pháp đến bắn phá cửa Đà Nẵng mở màn cho cuộc xâm lược Việt Nam. Đặng Huy Trứ được cử đi quân thứ và từ đó ông chính thức ra làm quan.

Trong khi nhân dân cùng các sĩ phu yêu nước sôi sục căm giận thì triều đình lại-chưa có một sách lược nào để bảo vệ đất nước.

Năm 1858, Nguyễn Công Trứ đã 80 tuổi cũng xin tòng quân vào Đà Nẵng, Phạm Văn Nghị dâng Trà Sơn kháng sớ và mộ 300 nghĩa dũng xin vào đánh giặc. Còn Tự Đức lúc đó vẫn thản nhiên làm lễ vạn thọ, mừng mình 30 tuổi và chuẩn bị đại khánh tiết mừng hoàng thái hậu 50 tuổi.

Mấy tháng sau (tháng 2 năm 1859), quân Pháp tiến hẳn vào Cần Giờ rồi chiếm thành Gia Định, đẩy mạnh việc chiếm các tỉnh miền Nam. Lúc này, tại triều đình xuất hiện hai phái chủ hoà và chủ chiến. Trong tranh luận, phái chủ hoà chiếm ưu thế. Tự Đức cho rằng “chiến thủ là việc khó, mà việc hoà lại càng khó”.

Trước tình hình như trên, Đặng Huy Trứ đã sớm xác định ý chí của mình. Ông cho rằng: “Nay việc lợi hại nhất của quốc gia chỉ có một việc là chống Tây. Việc triều đình cần bàn nhiều nhất cũng chỉ có một việc là chống Tây. Việc sử quan cần ghi chép cũng chỉ có một việc là chống Tây”.

Khi Gia Định thất thủ, hơn chục đại thần tỏ ra khiếp nhược. Họ nói rằng: “Thuyền, tàu, súng đạn đều là cái sở trường của Tây Dương. Nay ta muốn ganh đua với cái sở trường của chúng, đánh nhau với chúng, chưa thấy có cơ tất thắng mà lỡ ra sa sảy lại thêm gió thổi, chim kêu cũng sợ hãi. Chi bằng lấy mình là chủ mà đối đãi với họ là khách” (Đại Nam thực lục).

Đặng Huy Trứ không nghĩ thế. Nếu chúng có tàu, thuyền, súng đạn thì ta cũng phải có thuyền, tàu, súng đạn để đối phó lại. Năm 1859, đi theo Hoàng Kế Viêm thử pháo ở bến Triều, ông tin tưởng vào sức của dân mình:

Pháo nổ sấm ran ngàn dặm gió,

Đạn bay khói toả vạn tầm khơi.

Chỉ chờ thiêu xác quân Tây hết,

Từ đó kình nghê cũng bặt hơi.

Con đường làm quan của Đặng Huy Trứ, kể từ khi mới chỉ là viên quan tập sự ở Đà Nẵng cho đến khi làm Ngự sử trong triều, ở bất cứ nơi nào, vào thời điểm nào, cũng đều ghi dấu ấn về một Đặng Huy Trứ hết lòng vì nước vì dân.

Đối với ông, để nhân dân đau khổ thiếu thốn, chính là lỗi của những kẻ làm quan. Ông viết: “Nắng hạn quá lâu là tội người chăn dân. Kẻ chăn dân có tội thì phạt, chứ dân có tội gì?”, và ông tự trách: “Kẻ chăn dân này thất đức nên để luy đến muôn họ”...

Ông đi đến tận hang cùng ngõ hẻm, gần gũi và lắng nghe những người nghèo khổ. Chính vì đi sát nhân dân nên ông càng hiểu thêm những hành vi áp bức bóc lột nhân dân của bọn quan lại và cường hào. Trong một bản thỉnh cầu gửi lên nhà vua, ông nêu tình cảnh nhân dân khốn khó, đã phải chịu hàng trăm thứ đóng góp, nào thóc, nào tiền, nào nhân lực cho bộ máy quan liêu, lại chịu thêm sự tham nhũng của bọn cường hào thì sống sao nổi. Đói rét, chết chóc, ly tán, tan cửa nát nhà và những chuyện xảy ra hàng ngày cứ như số phận vĩnh cửu của người dân vậy. Sau khi xem bản thỉnh cầu, Tự Đức phê một câu lạnh tanh: “Chuyện này đâu chẳng có” (!).

Trong hoàn cảnh đời sống khó khăn, may rủi không lường, nhân dân dễ dàng nghe theo những điều nhảm nhí, thờ cúng linh tinh, tốn kém tiền của cho bọn buôn thần bán thánh. Ông tôn trọng đạo Phật, quý đức từ bi của Thích Ca, nhưng ông lên án những nhà sư lợi dụng danh nghĩa Phật để đi quyên góp tiền, gạo. Ông gìn giữ những đền thờ danh nhân, nhưng kiên quyết vẫn ngăn cấm việc dựng miếu thờ tà ma. Năm 1867, làm quan ở Thanh Hoá, ông hai lần ra hịch ngăn cấm và đã đích thân đi phá huỷ một số miếu thờ nhảm nhí.

Lo cho người sống, lại lo cho cả người chết. Năm 1860, làm Tri huyện Quảng Xương, Đặng Huy Trứ thấy trong địa hạt ông cai trị có những thi thể bị chết đường vô thừa nhận và nhiều mồ mả ở những nơi gò hoang không biết của ai. Ông cho lập nghĩa trang để thu nhặt những hài cốt lại rồi mai táng. Nghĩa trang xây dựng xong, ông ghi lại sự kiện ấy: “Sinh ra rồi mất đi, mọi người đều chung số phận trong lò tạo hoá. Nhưng để cho nhân dân phải phơi xương, giãi xác, đó là lỗi của ta. Nơi đây đã tạm giao cho ta làm chủ thì ta phải lo có áo quan để cho đất khỏi lấm vào da thịt của người đã chết”.

Đến năm 1864, nhậm chức Bố chánh tỉnh Quảng Nam, ông vẫn không nguôi thương xót những người bất hạnh. Ông làm sớ tấu lên triều đình về họ: “Họ là những người chết trôi trên đường biển, hoặc bỏ mình nơi chiến trận, hoặc lưu đồ mà chết nơi lạm chướng, hoặc đói rét mà chết nơi ngòi lạch... Hồn họ phiêu bạt không người hương khói. Lâu ngày nước trôi, gió thổi, xương cốt phơi dãi. Người đi đường ai cũng phải động lòng.”

Ông thỉnh cầu triều đình lệnh cho các địa phương “tuỳ số mộ hoang nhiều ít mà chọn một chỗ đất quang đãng hoặc là công thổ, tư thổ, tìm chỗ cao ráo, bốn bề đắp tường, rồi dựng bia đá khắc chữ “nghĩa trang” và sức cho đem những mộ vô thừa nhận đến đấy mai táng. Hàng năm cứ đến tháng Chạp thì cho dân làng ra cúng lễ”. Triều đình chuẩn y và cho thi hành. Sách Đại Nam thực lục ghi nhận việc đó: “Chuẩn cho trong kinh, ngoài tỉnh, cùng xã dân xây dựng nghĩa trang để mồ mả... Đó cũng là theo lời của Bố chánh Quảng Nam, Đặng Huy Trứ”...

Phẩm chất nổi bật ở Đặng Huy Trứ, cái làm nên sự toả sáng trội lên của ông trong hàng ngũ trí thức đương thời, đó là tinh thần sáng tạo trong suy nghĩ và hành động. Ông luôn luôn tìm kiếm kiến thức mới để mở đường đi vào thực tiễn, định ra những biện pháp hữu hiệu nhất để cứu dân cứu nước, và như ông nói, để tự cường tự trị.

Ngay từ khi còn ít tuổi, ông đã lên án thói học tầm thường máy móc, khuôn sáo của nhiều người bấy giờ. Họ giống như “người đánh rơi gươm xuống nước, đánh dấu vào thuyền để khi đến bến thì xuống mờ”.

Dưới thời Tự Đức, triều đình cấm phổ biến binh thư. Nhưng đứng trước hoạ xâm lăng. Đặng Huy Trứ từ khi mới vào đời đã say sưa tìm đọc những sách về quân sự. Năm 1854, khi còn dạy học ở Quảng Nam, được xem cuốn Vũ kinh, ông đã biên soạn lại và chú thích công phu. Ông nghĩ rằng dù là quan văn cũng không thể không biết những kiến thức về quân sự. Năm 1869, ông thành lập nhà in “Trí Trung đường” ở phố Thanh Hà (Hà Nội). Với nhà in này, ông đã cho in hai cuốn binh thư và cuốn Ký sự tân biên của Lương Huy Bích viết dưới thời Tây Sơn và cuốn Kim thang tá chử thập nhị trù của Trung Quốc.

Ông nói rõ: “Bốn phương giặc giã đó là cái nhục của khanh đại phu. Muốn rửa nhục này, không thể không đọc binh thư”. Cùng năm này, được điều sang làm Thượng biện quân vụ ở Sơn Hưng Tuyên, ông đã vận dụng kiến thức quân sự của mình để giúp Ông Ích Khiêm và Hoàng Kế Viêm trong việc thành lập các đội quân mới và xây dựng thiết chế về kỷ luật trong quân đội.

Cùng với việc xây dựng quân đội, ông đặt vấn đề kinh tế và khoa học kỹ thuật ở vị trí có ý nghĩa quyết định đối với sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng đất nước.

Tình hình kinh tế tài chính của nước ta thời đó đang trong trạng thái nguy ngập. Để có tiền chi tiêu hoang phí, Tự Đức chỉ biết tăng thuế, bán chức tước, cho bọn tội phạm được nộp tiền chuộc tội, cho thương nhân Trung Quốc lĩnh trưng thuế thuốc phiện và thuế rượu.

Trước tình hình ấy, Đặng Huy Trứ thấy nhu cầu cấp thiết của đất nước là phải phát triển thương mại và nông nghiệp, đẩy mạnh việc khai mỏ, cải tiến hệ thống giao thông vận tải. Ông dự kiến: Nếu tích cực trong 10 năm thì có thể làm giàu cho đất nước và có đủ cơ sở vật chất để thắng giặc.

Đánh giá cao vai trò của thương nghiệp, ông tình nguyện nhận lấy “Nghề mạt” là đi buôn để làm giàu cho đất nước. Trong tờ sớ tâu lên vua, ông viết: “Gia đình tôi là gia đình nhà Nho đã bốn năm đời, nghề buôn bán dẫu là nghề mạt, nhưng chịu ơn nước và bình xét mình, xin đưa sức khuyển mã ra báo đáp, đảm nhận việc tài chính quốc gia, sớm tối lo toan, chạy khắp đông tây, dẫu thịt nát xương tan không từ nan”...

Năm 1866, ông được phép thành lập một cơ quan kinh tế và thương mại lấy tên là “Bình chuẩn sứ”. Ông cho mở nhiều hiệu buôn ở Hà Nội như Lạc Sinh điếm, Lạc Thanh điếm, Lạc Đức điếm... Ông tổ chức việc lưu thông hàng hoá giữa các miền trong nước. Cơ quan chỉ đạo đặt ở Hà Nội, nhưng hoạt động của nó mở rộng đến các tỉnh Quảng Nam, Vĩnh Long, Gia Định...

Ông tổ chức việc khai mỏ, xuất cảng thiếc, tơ lụa, đường, dầu thảo mộc, quế... sang Hồng Kông.

Để phát triển thủ công nghiệp, ông tổ chức các hộ sản xuất riêng lẻ theo ngành nghề và cho các hộ này vay vốn trước để mua nguyên liệu rồi bán hàng cho nhà nước.

Từ năm 1861, ông đã xin lập một cơ quan của nhà nước chuyên trách việc vận tải đường thuỷ, nhưng Tự Đức bác bỏ với lời phê phán như sau: “Chỉ lắm chuyện và không am hiểu”. Phải mãi đến năm 1864, cơ quan này mới được thành lập.

Ông coi việc làm giàu là một đạo lớn không thể xem khinh (Sinh tài đại đạo sự phi khinh). Bỏ vốn ra cùng nhà nước kinh doanh thì cũng được chia lợi. Ngay từ thời đó, ông đã nhìn ra vai trò của tư nhân cùng với nhà nước theo phương châm “công tư lưỡng lợi” do ông đề ra. Ông nhắc nhở mọi người: làm giàu nhưng chớ tham mà xâm phạm của công, mới là chính đáng.

Tư tưởng kinh tế của ông quả thật đã đi trước thời đại và giữ nguyên giá trị đến ngày nay.

Đặng Huy Trứ đặc biệt quan tâm khai thác những thành quả khoa học và kỹ thuật của nước ngoài.

Được sự ủng hộ của Phạm Phú Thứ, ông được cử đi Áo Môn và Hương Cảng hai lần vào năm 1865 và 1867. Thời gian ở nước ngoài, ông gặp gỡ trao đổi ý kiến với nhiều nhà trí thức canh tân Trung Quốc. Ông làm quen với việc chế tạo máy móc, đóng thuyền, đúc súng đạn... Ông sưu tầm sách báo các nước, dịch ra và giới thiệu với trí thức trong nước. Ông gặp gỡ động viên số người Việt Nam được cử sang Hương Cảng học nghề đóng tàu thuỷ chạy bằng hơi nước. Với sự giúp đỡ của người Anh, họ đã đóng thành công một chiếc tàu đầu tiên dưới triều Tự Đức và đặt tên là Mẫn Thoả.

Ông ghi chép tỉ mỉ kỹ thuật máy hơi nước được mô tả trong suốn sách Bác vật tân biên của người Anh và đem về nước. Cũng trong dịp này, ông mua được 239 khẩu “quá sơn pháo” bắn qua núi. Ông mua máy móc, vật liệu ảnh nhằm du nhập kỹ thuật nhiếp ảnh vào nước ta. Với việc mở hiệu ảnh Cảm hiếu đường, hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam khai trương ngày 14/3/1869, ông trở thành người khai sinh ra ngành nhiếp ảnh Việt Nam.

Ở Quảng Đông, ông bị ốm nặng 9 tháng liền, tưởng chừng không qua khỏi. Chính trong thời gian này ông có dịp suy nghĩ sâu thêm về vận mệnh của Tổ quốc, về con đường “Tự cường tự trị” đuổi theo các nước tiên tiến.

Ông viết một bài văn dài nhan đề Trong khi ốm được Dã Trì chủ nhân chỉ giáo, “Dã Trì chủ nhân” là một nhân vật hư cấu. Thông qua nhân vật này, ông bộc lộ những suy nghĩ của mình. Ông nêu lên những chủ trương lớn: lập cục cơ khí, mở xưởng đúc gang thép, đúng súng ống, lập đội chiến thuyền, huấn luyện quân sự cho nghĩa dũng, lập cục dạy nghề, mời người phương Tây sang dạy ngôn ngữ, văn tự, toán pháp, đồ hoạ, kỹ thuật, cử thanh niên ưu tú ra nước ngoài học tập...

Với những chủ trương và việc làm như trên, Đặng Huy Trứ đã trở thành như lời đánh giá của Phan Bộ Châu sau này, “một trong những người trồng mầm khai hoá đầu tiên ở Việt Nam”.

Cuối năm 1868, Đặng Huy Trứ trở về nước, muốn đem những tư tưởng và ý nguyện trên đây ra vận động triều đình và các bạn đồng liêu thực hiện, Nhưng hoàn cảnh đất nước đã đen tối, lúc này còn đen tối hơn. Quân Pháp sau khi chiếm ba tỉnh miền Đông, đã chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Phan Thanh Giản sau khi phải nhường 3 tỉnh, đã nhịn ăn và uống thuốc độc mà chết. Hai con ông Phan Tôn và Phan Liêm tổ chức cuộc nghĩa quân chống Pháp. Nguyễn Trung Trực tấn công đồn Rạch Giá vừa mới bị bắt và bị xử tử. Nhân dân và sĩ phu từ Nam chí Bắc cùng sôi sục ý chí chiến đấu.

Trong khi ấy, Tự Đức vẫn tiếp tục tìm mọi cách để xin hoà với Pháp, ra lệnh cấm các phủ huyện không được mộ quân và rèn đúc vũ khí, bãi bỏ Bình chuẩn sứDoanh điền sứ, hai cơ quan thương nghiệp và nông nghiệp, cơ sở ban đầu của việc phát triển kinh tế ở Việt Nam.

Năm 1869, Đặng Huy Trứ được chuyển sang làm công tác quân sự ở miền Bắc. Với chức vụ Khâm phái quân vụ Sơn - Hưng- Tuyên, rồi làm Bang biện quân vụ Lạng - Bằng - Ninh - Thái, ông cùng sát cánh chiến đấu với những người thầy và những người bạn thân thiết: Hoàng Kế Viêm, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Tôn Thất Thuyết, Vũ Trọng Bình...

Năm 1873, Đặng Huy Trứ ốm đau nhiều, chính thức lúc quân Pháp sau khi chiếm xong miền Nam đang lăm le xâm chiếm miền Bắc. Tháng 11 năm ấy chúng đem tàu chiến, đại bác, quân lính tiến đánh Hà Nội. Nguyễn Tri Phương trọng thương và từ trần. Chỉ trong vòng 3 tuần lễ, Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định đã bị lọt vào tay giặc.

Ngày 15/3/1874, Nguyễn Văn Tường ký hiệp ước Giáp Tuất, thừa nhận chủ quyền của Pháp và từ Bình Thuận vào Nam và chấp nhận những điều kiện thiệt thòi khác, mở đầu cho việc đưa toàn bộ đất nước vào sự thống trị của đế quốc Pháp. Trước tình hình trên, Đặng Huy Trứ không khỏi đau lòng, song ý chí của ông không hề lay chuyển.

Ông vẫn tiếp tục tham gia điều khiển cuộc chiến đấu, nhưng cuối cùng không vượt qua được bệnh tật, ông đã từ trần ngày 7/8/1874 tại Đồn Vàng trong niềm đau thương vô hạn của Hoàng Kế Viêm và những chiến hữu của ông.

Ông di chúc lại cho con cháu không được ai được ra làm quan bởi đất nước đang sa vào tay giặc và triều đình đã thoả hiệp đầu hàng. Ông yêu cầu được chôn tại chỗ, nơi mà bè bạn ông và đông đảo chiến sĩ yêu nước đang trụ lại để cùng nhau chiến đấu.

Nhưng Tự Đức ngờ ông “mưu việc khác” (Đại Nam thực lục), ra lệnh bắt đem thi hài ông về Huế, cho người mở áo quan ra xem rồi mới cho chôn. Mộ ông nay ở Hạc Thú, Hòn Thông, xã Hiền Sĩ, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế./.

Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội

Bài liên quan
  • Nguyễn Hiền – trạng nguyên thần đồng
    Nguyễn Hiền sinh ngày 12 tháng 7 năm Ất Mùi (1235), quê ở làng Vương Miện, huyện Thượng Hiền (sau đổi là Thượng Nguyên, phủ Thiên Trường, lộ Sơn Nam), nay là thôn Dương A, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trao giải, triển lãm 62 tác phẩm ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản”
    62/561 tác phẩm ảnh chất lượng trong cuộc thi ảnh “Nghề truyền thống Huế - Mạch nguồn di sản” được đưa ra triển lãm và trong đó có 11 tác phẩm của 8 tác giả xuất sắc đạt giải.
  • Tổ quốc trong sáng tác của các cây bút trẻ
    Trong trái tim mỗi người con nước Việt, bóng hình đẹp đẽ và thiêng liêng, kiêu hùng và nhân hậu chính là Tổ quốc. Tổ quốc rạng ngời trên trang viết của bao thế hệ đi trước, rồi được kế thừa bởi thế hệ trẻ hôm nay. Mỗi tác giả có một cách thể hiện khác nhau về đề tài Tổ quốc, mỗi tác phẩm là một nét vẽ riêng về dáng hình Việt Nam, góp phần hình thành nên diện mạo chung của đất nước tráng lệ và linh thiêng trong văn chương nghệ thuật. Tiếp nối sự thành công và dấu ấn sâu đậm mà những cây bút thời kỳ trước ma
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Ca sĩ Xiri “trình làng” MV đầu tay mang đậm nét phim Châu Tinh Trì
    Hà Anh cùng Vinny Vũ tổ chức đêm nhạc ra mắt ca sĩ mới của HAY Bros: Nữ ca sĩ Xiri vào tối ngày 10/12 vừa qua. Đây cũng là buổi giới thiệu tới công chúng những thành công nho nhỏ mà HAY Bros đạt được trong gần 2 năm hoạt động.
  • SeABank đồng hành cùng doanh nghiệp SMEs phát triển bền vững, nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn linh hoạt dịp cuối năm
    Nửa cuối năm 2024, nền kinh tế có nhiều biến động khiến doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) phải đối mặt với nhiều áp lực tài chính. Để hỗ trợ SMEs vượt qua giai đoạn thách thức này, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chủ động triển khai những chính sách cụ thể với các giải pháp hỗ trợ như: gói vay ưu đãi, lãi suất hỗ trợ... cùng quy trình thủ tục được “may đo” riêng biệt giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi và hiệu quả.
Đừng bỏ lỡ
Đặng Huy Trứ - nhà nho yêu nước mở đường canh tân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO