Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”: Góp nhặt những "miền riêng về Hà Nội" từ mọi miền tổ quốc
Sáng 27/9, tại Phố sách Hà Nội 19/12, Tạp chí Người Hà Nội tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”. Đây là một hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).
Tham dự Lễ trao giải có các đại biểu: bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông Hà Nội; bà Lê Thị Ánh Mai, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; nhà báo Kiều Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội; bà Trịnh Thị Lan, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; ông Hoàng Quốc Việt; Trưởng phòng Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; bà Đỗ Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Quản lý Nghệ thuật (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội).
Về phía đại biểu Hội Liên hiệp VHNT và 9 Hội Chuyên ngành có các đại biểu: NSND Trần Quốc Chiêm, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn & cuộc sống; nhà Biên kịch Bành Thị Mai Phương, Chủ tịch Hội Điện Ảnh Hà Nội; nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội; nhà Điêu khắc Nguyễn Xuân Thuỷ, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Hà Nội; NSND Nguyễn Ngọc Anh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa; NSND Nguyễn Hoàng Tuấn, Chủ tịch Hội Sân khấu; NSNA Nguyễn Văn Toản, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan báo chí Hà Nội và văn nghệ sĩ…
Phát biểu tại lễ trao giải, Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” được phát động từ tháng 10/2022, sau gần 2 năm phát động, Cuộc thi đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tác giả chuyên và không chuyên từ 43 tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Bình Định, Đắk Lắk… và một số kiều bào ở Hàn Quốc, Ba Lan, Đức, Pháp…
Đáng chú ý, bên cạnh các tác giả trẻ tích cực hưởng ứng cuộc thi còn có không ít những tác giả cao niên cũng nhiệt tình gửi bài tham dự như tác giả Nguyễn Văn Cự, Phạm Xuân Trường, Phùng Khánh, Đào Ngọc Chung... đều đã ngoài 80 tuổi.
Các tác phẩm dự thi thuộc nhiều thể loại như: tản văn, ký, ghi chép, phóng sự phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà thành như: ẩm thực, nghề truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghệ thuật, di sản...; đặc biệt là cốt cách người Hà Nội từ chiều sâu quá khứ vẫn “lấp lánh” trong đời sống hôm nay.
Viết về Hà Nội, nhiều tác giả đã cố gắng để “bứt” khỏi những lối mòn bằng sự tìm tòi, thể hiện cách nhìn mới. Nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi đã phản ánh “hơi thở” cuộc sống, cho thấy những góc nhìn đa chiều cùng những mong ước, trăn trở, kỳ vọng về một Hà Nội trong tương lai.
Đồng thời, cũng có những tác phẩm đề cập tới những kiến giải, khơi gợi cho mỗi người cùng suy ngẫm về trách nhiệm cá nhân để góp phần dựng xây Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững.
Từ gần 400 tác phẩm dự thi, Hội đồng giám khảo đã thống nhất chọn ra 10 tác phẩm xuất sắc nhất trong số 30 tác phẩm vào vòng chung khảo để trao giải. Trong đó, giải Nhất được trao cho tác phẩm Hà Nội trong tôi có một cây cầu và dòng sông - tác giả Đào Thị Thu Hiền (Hà Nội).
Nhà báo Vương Minh Huệ nhấn mạnh, Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” đã góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống, cốt cách thanh lịch văn minh của người Hà Nội; là cơ hội để các tác giả thể hiện góc nhìn, cảm xúc của mình với Thủ đô Hà Nội; từ đây góp phần khơi dậy, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào đối với mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp thêm tiếng nói xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại.
Tại lễ trao giải, NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đánh giá cao, cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” khá đa dạng về thể loại (tản văn, ký, ghi chép, phóng sự) cùng chiều sâu về nội dung, phản ánh sinh động những nét văn hóa đặc trưng của mảnh đất Hà thành như: ẩm thực, nghề truyền thống, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghệ thuật, di sản...
Đặc biệt là cốt cách người Hà Nội từ chiều sâu quá khứ vẫn hiện hữu sinh động trong đời sống hôm nay. Không ít tác phẩm gửi gắm những ký ức, hoài niệm, sự gắn bó, tình yêu, nỗi nhớ về Hà Nội; đồng thời thể hiện những góc nhìn, suy tư, trăn trở, mong ước, kỳ vọng xây dựng Thủ đô.
NSND Trần Quốc Chiêm cho biết, cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” trở thành sân chơi văn học đầy ý nghĩa, là cơ hội để các tác giả ở mọi lứa tuổi, trên khắp mọi miền tổ quốc thể hiện góc nhìn, cảm xúc của mình với Thủ đô Hà Nội; góp phần khơi dậy, bồi đắp tình yêu, niềm tự hào đối với mảnh đất ngàn năm văn hiến, góp thêm tiếng nói xây dựng Thủ đô ngày một văn minh, hiện đại.
Trong khuôn khổ lễ trao giải, các tác giả được giao lưu tọa đàm cùng các đại biểu để hiểu rõ nghĩa của cuộc thi cũng như hiểu rõ hơn những cảm xúc, suy nghĩ của các tác giả khi hưởng ứng tham dự Cuộc thi.
Để lan tỏa rộng rãi các tác phẩm đến với độc giả, các bài dự thi đảm bảo đúng yêu cầu thể lệ cuộc thi đã được Tạp chí Người Hà Nội lần lượt giới thiệu trong chuyên mục Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” trên Tạp chí điện tử Người Hà Nội (www.nguoihanoi.vn).
Sau thành công của cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” lần thứ nhất, Tạp chí Người Hà Nội tiếp tục phát động cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi” lần thứ hai với chủ đề “Hà Nội: Chuyện làng, chuyện phố”. Hy vọng cuộc thi sẽ tiếp tục nhận được sự hưởng ứng của đông đảo các tác giả./.
Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi viết “Hà Nội & Tôi”:
Giải Nhất
Tác phẩm “Hà Nội trong tôi có một cây cầu và dòng sông” – tác giả Đào Thị Thu Hiền (Hà Nội)
Giải Nhì
Tác phẩm “Phố cổ: Hoài niệm và tình yêu” – tác giả Trà Mi (Hà Nội)
Tác phẩm “Cẩm nang tôi - Hà Nội có lâu rồi” – tác giả Mộc Nhiên (Thái Nguyên)
Giải Ba
Tác phẩm “Thăng Long - Hà Nội và giấc mơ hóa rồng” – tác giả Vũ Minh Phúc (Hà Nội)
Tác phẩm “Hà Nội trong mắt tôi” – tác giả Bùi Duy Phong (Bình Định)
Tác phẩm “Thanh âm ngày ấy” – tác giả Nguyễn Thị Vân Kim (Hà Nội)
Giải Khuyến khích
Tác phẩm “Hà Nội thương một đời, đâu phải… tạm thương!” – tác giả Lê Minh (Đức).
Tác phẩm “Ấm áp tình người Hà Nội” – tác giả Nguyễn Vân Hậu (Lâm Đồng)
Tác phẩm “Đêm giao thừa ấy ở Hà Nội” – tác giả Phùng Khánh (Hà Nội)
Tác phẩm “Hà Nội Phú Quang” – tác giả Hồ Huy (Vũng Tàu)