Cúc vạn thọ

Minh Tuấn| 28/10/2019 11:18

Nắng cháy. Giữa đất và trời tưởng chừng chỉ có nắng thiêu đốt, khiến cây héo rũ, hoa chưa kịp nở cũng úa tàn, rau hái xong đã dấp nước mà đem đến chợ đôi chiếc lá đã khô quắt. Tự dưng trong cái gắt gao của nắng tôi lại nhớ đến một loài hoa, hoa mang màu vàng, dù vàng thẫm hay vàng tươi cũng đều như màu nắng.

Cúc vạn thọ

Nắng cháy. Giữa đất và trời tưởng chừng chỉ có nắng thiêu đốt, khiến cây héo rũ, hoa chưa kịp nở cũng úa tàn, rau hái xong đã dấp nước mà đem đến chợ đôi chiếc lá đã khô quắt. Tự dưng trong cái gắt gao của nắng tôi lại nhớ đến một loài hoa, hoa mang màu vàng, dù vàng thẫm hay vàng tươi cũng đều như màu nắng. Hoa vàng thẫm như mảnh mặt trời đậu trên đất, hoa vàng tươi như nắng đậu trên lá. Một loài hoa xưa thân quen là thế mà giờ khó thấy, như thể đã bị lãng quên. Đó là hoa cúc vạn thọ.

Cúc vạn thọ, tên gọi thế là do hoa nở bền lâu trong đất trời, hay do hoa thường xuất hiện trong đĩa hoa cúng xưa, tôi cũng không biết nữa. Chỉ biết rằng cúc vạn thọ xưa nhiều lắm! Hoa trồng thành khóm, thành bụi trong vườn, đẻ nhánh và mọc lan như cây dại, ăn nắng mưa của đất trời là chính, nhà nào chăm lắm thi thoảng hắt cho chậu nước gạo. Chài chãi trong nắng hè cây sắt lại, nụ mầm chẳng thấy, những cái lá gốc táp đi, dính chặt vào thân cây. Trong khi những loài cây thân cỏ khô táp, chỉ còn cúc vạn thọ và những cây thân gỗ to khỏe chịu đựng được nắng hè. Có những trận mưa giông, cây trong vườn no nước, cúc vạn thọ có rạt xuống vì mưa, nhưng khi ráo giời là ngọn lại ngóc lên tươi vui như thường. Có lẽ chính vì cúc vạn thọ khỏe, chịu đựng được nắng nóng, mưa xối mà nhiều nhà giâm khóm cúc trong vườn. Có nhà chọn chỗ ngay trước cửa nhà, để  mong có hoa cho đẹp, có người lại trồng nơi góc vườn cho cúc  tha hồ mọc lan.

Xưa, chưa phổ biến hoa thờ cúng cắm lọ hay bình to theo chục như bây giờ, cúc vạn thọ nhiều, nên đĩa hoa cúng thường có dăm bông hoa này, phần nữa là vì cúc vạn thọ cành không dài, chỉ hợp cho hoa đĩa. Cúc vạn thọ đi cùng đơn đỏ, lan, dẻ, hoa hồng, có khi là bông hoa thiên lý, hay cành hoa găng tím. Đĩa hoa gói trong lá dong riềng hay có khi tiện tay chủ nhà ngắt nắm lá mướp gói hoa, rồi buộc bằng sợi rơm nếp dấp nước. Ngày rằm, mùng một, người đi chợ có gói hoa trong rổ, ít quả đầu mùa, mùa nào thức nấy, như túm vải, túm nhãn, dăm quả dưa lê, chục doi… về bày biện lên ban thờ cùng bát nước mưa, thắp nén hương thơm bày tỏ lòng thành kính trước gia tiên.

Trong cái nắng rám trái bưởi của tháng 8, lại hanh hao bắt đầu về, cành cúc vạn thọ khô lên gần đài hoa, nhưng hoa vẫn nở vàng cho đúng hẹn mùa thu. Hoa vươn mình đón nắng tự tin để có sắc màu nguyên thủy chứ không hề phai bạc như một số loài hoa khác. Nhiều nhà chọn cúc vạn thọ để trồng trên mộ tiền nhân và người thân. Có nhiều nghĩa trang cúc vạn thọ được trồng cho các mộ, mùa thu về hoa làm cho những khối bê tông vuông kia bớt cô quạnh trong nắng, lại trong sương phủ. Hoa như người bạn tri kỉ với người nằm dưới mộ, hoa kể về cuộc sống cõi nắng mưa này theo cách hoa cảm nhận.

Lá xanh, hoa vàng, lại mang tên cúc vạn thọ, hoa nở quanh năm bền bỉ, nhưng nhiều nhất vẫn là từ khi thu sang. Trong khi hoa cứ nở thì có bông  gặp nắng  đã khô, đài hoa kết hạt, hạt khô trong nắng, để rồi theo gió, theo mưa mọc lên khi gặp đất. Nói thế như thể cúc vạn thọ là loài hoa dại. Có thể đúng, nhưng loài hoa dại này nằm trong số hoa có tên, tên đẹp, lại được trồng, được dâng cúng.

Sau này cúc có nhiều, người ta cắm cúc theo chục, vài chục có khi cả trăm bông trong những bình gốm lớn. Người ta cúng hoa cúc đại đóa, cúc vàng có hoa có nụ, lại cúc trắng tinh khôi, có lộc, mùa thu về người ta chờ mong cúc kim… mấy người nhớ đến cúc vạn thọ mọc lan với màu vàng đậm như mảnh mặt trời, nhạt hơn lại như màu nắng. Hoa cầm trên tay hắc xì rất đặc trưng, nhưng cũng khiến đôi người lảng tránh. Có người không biết là hoa gì, cũng chỉ vì mùi này mà nhận ra họ nhà cúc.

Gần đây, như thể sực nhớ ra, hay vì lý do gì tôi không dám chắc mà cúc vạn thọ trở lại nhiều hơn, với những giống nhập khẩu, nhất là  trong dịp Tết. Bông kép to, cánh dầy màu vàng hay vàng đậm sang cam, bằng nhau chằn chặn, được chăm sóc, vun tỉa cả khóm tròn xoe, chỉ toàn hoa, ít thấy lá. Hoa về tư gia trong dịp Tết với những ý niệm gia chủ gửi gắm vào hoa. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây vẫn là cúc Vạn thọ xưa, tôi thường thấy nơi góc sân, trong đĩa hoa cúng hay trên mộ phần tiền nhân. Loại cúc đơn hay kép 4 mùa đơm hoa, dễ trồng, chịu được nắng, tự phát tán, chủ động đơm hoa trong vời vợi đất trời.

Đã sinh ra trên đời, cúc vạn thọ vẫn sống và đi chặng đường của mình, dẫu có thế nào đi chăng nữa. Thị thành có vắng sắc hoa, thì làng xa, hay chốn đồi vắng, cát dài hoa vẫn nở. Nở để đón mùa thu, vẹn nguyên như xưa. Hoa thủy chung, đi hết chặng đường bởi ước hẹn với mùa, với đời, bởi thấy rằng mình có ích. Hoa cho người ta chợt nhớ ngày xưa, nhớ ra mình, rằng chẳng quá vì ai, mà vì mình đã đến với đời, được  hữu danh. Mà người đời  từ lâu vẫn bảo rằng  “người là hoa của đất” cơ mà.

Cứ tha thiết mà đi hết những tháng ngày, chẳng vội.
Tôi đã chợt nghĩ.
(0) Bình luận
  • Phở Đệ Nhất Thanh - Truyện ngắn của Huỳnh Trọng Khang
    Con vàng anh yếm cam nghiêng đầu rỉa cánh. Trong ánh nhập nhoạng của ngày vừa vào sáng, nhúm lông vũ bé bỏng như đốm lửa hoang dã bập bùng trong chiếc lồng treo trước nhà chú Xè.
  • Trao giải 11 tác phẩm xuất sắc “Truyện ngắn Sông Hương 2024”
    Ban tổ chức đã trao giải 11 tác phẩm xuất sắc cho cuộc thi “Truyện ngắn Sông Hương 2024” do Tạp chí Sông Hương phát động.
  • Thiền đào
    Chàng vẫn âm thầm dõi theo những bài viết của nàng và không bỏ sót bất kỳ phóng sự nào về nàng. Đôi mắt nàng khi bảy tuổi hay của bây giờ vẫn vậy. Xoáy xiết, ám ảnh. Nhấn chàng xuống đỉnh vực. Vẫy vùng. Ngộp thở. Toàn thân không trọng lượng. Đôi vực sâu đồng tử đã xoáy chàng đến một nơi quen thuộc. Là dinh đào, khi ấy chàng đang ở tuổi mười ba.
  • Ăn Tết nay yêu Tết xưa
    Đợt rét ngọt đầu tiên của tháng Chạp đã luồn qua khe cửa, bà Ngân thoáng rùng mình khi trở dậy vào sáng sớm. Loẹt quẹt đi xuống bếp, rót đầy một cốc nước gừng nóng sực đã ủ sẵn trong bình, bà vừa xuýt xoa uống vừa nhẩm tính xem Tết năm nay nên sắm sửa những thức gì. Kỳ thực, quanh đi quẩn lại, năm nào bà cũng bày biện từng ấy món quen thuộc. Nhưng cái việc nôn nao nghĩ suy về cái Tết sắp đến mới ngọt ngào làm sao, nhất là khi năm nay gia đình bà có thêm cô con dâu mới.
  • Lễ phạt vạ
    Ba ngày nữa là đến giao thừa mà Cầm Bá Cường chưa thể về nhà. Đã vậy anh còn mắc vạ trưởng bản, phải chịu phạt. Ký túc xá giáo viên ở Mường Lôm giờ đây còn mỗi mình anh. Ôi chao là buồn! Cầm Bá Cường nhìn ra khoảng sân ký túc xá.
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Trưng bày “Bút sắc, lòng son”: Tái hiện tinh thần, khí phách của người chiến sĩ cộng sản
    Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), do Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức. Trưng bày diễn ra đến hết ngày 31/8/2025 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.
  • Phố Hàng Buồm - Không gian di sản giữa lòng thành phố sáng tạo
    Nằm trong lòng khu phố cổ Hà Nội, phố Hàng Buồm không chỉ là nơi lưu giữ những di sản quý giá của Thăng Long xưa mà còn là minh chứng sinh động cho sự hòa quyện giữa bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch trong bối cảnh thành phố đang vươn mình trở thành đô thị sáng tạo. Giữa dòng chảy hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng, Hàng Buồm trở thành một mô hình điển hình cho việc phát huy giá trị di sản để hướng tới phát triển bền vững, vừa gìn giữ cốt cách văn hóa, vừa mở ra những trải nghiệm độc đáo cho khách du lịch.
  • Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tổng kết 6 tháng đầu năm 2025: Tiếp tục ổn định tổ chức, đẩy mạnh hoạt động chuyên môn
    “Đổi mới phương thức hoạt động, phát huy năng lực hội viên, nâng cao chất lượng sáng tác là yêu cầu tất yếu để Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội đồng hành cùng Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới”, NSND Trần Quốc Chiêm - Chủ tịch Hội nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 do Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật (VHNT) Hà Nội tổ chức sáng 16/7/2025.
  • [Infographic] Chi tiết công tác thăm, tặng quà nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ
    Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà đã ký ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 06/4/2025 về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2025). Trong đó, xác định một số chỉ tiêu cơ bản, bao gồm vận động Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa” toàn Thành phố đạt 21 tỷ 870 triệu đồng và chi tiết công tác thăm, tặng quà của Thành phố.
  • Hà Nội: Người dân xã đảo Minh Châu sẽ được khám bệnh, phát thuốc miễn phí
    Theo kế hoạch, xã Minh Châu sẽ tổ chức khám chữa bệnh cho 100% người dân, chia thành 5 đợt, đảm bảo hiệu quả và thuận tiện. Đây cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai khám sức khỏe toàn dân sau vận hành chính quyền địa phương hai cấp.
Đừng bỏ lỡ
Cúc vạn thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO