Chính sách & Quản lý

Công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các di tích của Thủ đô được thực hiện đúng quy định

Trung Kiên 24/04/2024 22:24

Kết luận của Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết, công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích trên địa bàn Thủ đô được UBND Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao, các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện đúng theo quy định.

Thanh tra Bộ VH-TT&DL gần đây ban hành văn bản kết luận sau khi tiến hành thanh tra tại Ban quản lý khu Di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức), Ban quản lý di tích - lịch sử văn hóa Quốc gia chùa Trăm Gian (huyện Chương Mỹ); Ban quản lý di tích Đền Và, Ban quản lý di tích xã Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây), Trung tâm Quản lý khu Du lịch - Di tích Đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và Ban quản lý di tích - danh thắng phường Quảng An (quận Tây Hồ).

chua-huongs.jpg
Lễ hội chùa Hương 2024 thuộc Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) diễn ra văn minh, môi trường xanh, sạch, đẹp.

Kết luận Thanh tra Bộ VH-TT&DL, tại Di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn, công tác tổ chức lễ hội cơ bản được thực hiện theo văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn về quản lý, tổ chức lễ hội của các cơ quan chức năng… Ban tổ chức lễ hội đã chỉ đạo các lực lượng thường xuyên kiểm tra, bảo vệ, giữ gìn di tích theo Luật Di sản văn hóa, kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi xâm hại đến di tích; bảo tồn, phục dựng bản sắc văn hóa truyền thống địa phương... Yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết bán hàng đúng trong các vị trí đã được bố trí; đăng ký cụ thể mặt hàng kinh doanh; niêm yết giá công khai, bán đúng giá, không ép giá, chèo kéo khách; chỉ bán những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tiểu ban văn hóa được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp Ban Tôn giáo, Ban trị sự Phật giáo huyện, Chư - Tăng - Ni - Trụ trì, Ban quản lý các Đền, Chùa, Động trong khu di tích hướng dẫn khách tham quan dâng lễ, đặt tiền lễ đúng nơi quy định; bố trí bàn ghi công đức, đặt hòm công đức đảm bảo thuận tiện, hợp lý theo quy định của pháp luật.

chua-tram-gian.jpg
Du khách thập phương chiêm bái, lễ Phật tại di tích chùa Trăm Gian.

Trong khi đó, tại Di tích chùa Trăm Gian, công tác quản lý khu vực bảo vệ di tích được quản lý nghiêm túc, chặt chẽ, không phát sinh các vi phạm. Ban quản lý di tích cử người thường xuyên hướng dẫn khách đặt lễ và tiền giọt dầu đúng nơi quy định, đảm bảo mỹ quan.

Toàn bộ tiền dầu nhang, tiền khách thập phương công đức được sử dụng vào việc bảo tồn, tu bổ và phát huy giá trị của di tích. Nguồn thu, chi từ di tích hàng năm được sư thầy Trụ trì chùa công khai minh bạch và sử dụng hiệu quả, đúng mục đích.

Công tác tổ chức lễ hội tại Di tích Đền Và ở Thị xã Sơn Tây cơ bản được thực hiện theo văn bản chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn về quản lý, tổ chức lễ hội của các cơ quan chức năng. Khu vui chơi giải trí và khu vực tổ chức các hoạt động dịch vụ được quy định đảm bảo không lấn chiếm khuôn viên di tích, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp, để lại ấn tượng cho du khách khi đến thăm quan dâng lễ, dâng hương.

den-va-son-tay.jpg
Nghi lễ rước kiệu Thánh qua sông Hồng tại lễ hội Đền Và.

UBND phường Trung Hưng phối hợp cùng với đơn vị tổ chức Hội chợ xuân làm các tiểu cảnh để tạo các điểm check-in cho du khách đến chụp ảnh. Tiểu ban quản lý các cơ sở đã mở sổ sách ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho lễ hội cũng như các hoạt động của di tích; tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng kinh phí cho công tác tổ chức lễ hội và các hoạt động của di tích, bảo đảm phù hợp với tôn chỉ, mục đích của lễ hội và quy định của pháp luật; thực hiện công khai theo quy định.

Tương tự, tại Di tích chùa Mía, UBND xã Đường Lâm đã phối hợp với Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn. Các hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú; các nội quy, bảng giới thiệu về di tích được đặt tại di tích để người dân thực hiện, tìm hiểu. Ban quản lý đã tuyên truyền, hướng dẫn khách tham quan thực hiện việc hành lễ theo quy định; không thắp hương trong các khu vực nội tự, không đặt tiền lễ, tiền công đức lên các ban thờ hoặc gài tiền vào tượng phật làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm và mỹ quan của di tích.

chua-mia-duong-lam-1.jpg
Không gian thanh tịnh tại chùa Mía (Thị xã Sơn Tây).

Khu di tích Đền Sóc, các hoạt động dịch vụ của nhân dân được sắp xếp đúng vị trí, các ngành vào cuộc quyết liệt, không xảy ra các hiện tượng bắt chẹt khách, bán hàng giả, mê tín dị đoan, mất an toàn thực phẩm. Hơn 90 hộ kinh doanh, bán hàng tại khu vực ký cam kết cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, đăng ký hàng hóa bán trong dịp lễ hội.

den-soc-4.jpg
Trình diễn văn nghệ khai hội Gióng đền Sóc năm 2024.

Với di tích Phủ Tây Hồ, UBND phường Quảng An đã tiến hành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; bảo tồn những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc theo hướng lành mạnh, tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Ban quản lý di tích lắp sơ đồ chỉ dẫn về các vị trí trong khu vực di tích Phủ Tây Hồ; bảng biển giới thiệu tóm tắt lịch sử, giá trị kiến trúc, văn hóa nghệ thuật của cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; quy định nội quy đối với khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, trang phục, thái độ ứng xử có văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc...; tuyên truyền cho khách tham quan, người tham gia các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo không mua bán, đốt pháo, đốt và thả đèn trời; không thực hiện các hoạt động mê tín, dị đoan và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

tay-ho.jpg
Người dân đi lễ Phủ Tây Hồ (quận Tây Hồ).

Đánh giá chung, Thanh tra Bộ VH-TT&DL khẳng định công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại các di tích của Thủ đô đã được UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao, các cấp chính quyền quan tâm; các nguồn lực được đầu tư cho bảo vệ, tu bổ và tôn tạo di tích đã góp phần làm cho diện mạo di tích ngày càng thay đổi, trở thành một tiềm năng trong phát triển kinh tế xã hội và phát triển du lịch của địa phương.

Công tác tổ chức lễ hội tại các di tích được thực hiện đúng quy định của Luật Di sản văn hóa, Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ quy định về quản lý và tổ chức lễ hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Phần nghi lễ được tiến hành trang trọng đúng nghi thức; phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, đa dạng về hình thức với các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian truyền thống, tạo ấn tượng sâu sắc trong quần chúng nhân dân./.

Ngoài những kết quả tích cực kể trên, Thanh tra Bộ VH-TT&DL cũng ghi nhận tại các di tích còn một số hạnh chế: tượng phật bằng đất tại đền Sóc xuống cấp, hệ thống điện chưa đảm bảo an toàn (chùa Mía), sử dụng cốc nến dễ gây cháy nổ (đền Và, chùa Trăm Gian, đền Trình thuộc khu thắng cảnh Hương Sơn), khu vệ sinh của Phủ Tây Hồ chưa đáp ứng được nhu cầu khi quá đông du khách.

Thanh tra Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch kiến nghị Ban quản lý di tích Chùa Trăm Gian, di tích Đền Và có phương án quy hoạch tổng thể di tích trình cấp thẩm quyền phê duyệt; Ban quản lý di tích xã Đường Lâm có phương án bảo vệ, tu bổ tượng và quy hoạch bãi xe, hàng quán, dịch vụ tại di tích chùa Mía; Trung tâm Quản lý khu Du lịch Di tích Đền Sóc Sơn có phương án tu bổ tượng tại Đền Trình trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ có phương án trình các cấp có thẩm quyền di chuyển các ki ốt bán hàng trong khuôn viên Phủ đến nơi phù hợp./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • [Video] Chùa Thầy - Di sản văn hóa xứ Đoài tỏa sáng cùng Thủ đô ngàn năm văn hiến
    Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa, nhưng hiếm có di tích nào hàm chứa cả giá trị di sản vật thể và phi vật thể như Chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai) được xây dựng từ thế kỷ thứ 11, gắn liền với tên tuổi của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Cuối năm 2014, chùa Thầy được Chính phủ công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt, tới năm 2023, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội công nhận Chùa Thầy là “Điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt" và đầu năm 2024, Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân h
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc
    Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc khai mạc trưng bày văn hóa Đông Sơn và tinh hoa cổ vật Vĩnh Phúc với hơn 600 hiện vật quý hiếm, với nhiều loại hình và chất liệu phong phú.
  • Hà Nội: Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi
    UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi các Sở, ngành, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Thành phố.
Đừng bỏ lỡ
Công tác quản lý, tổ chức lễ hội tại các di tích của Thủ đô được thực hiện đúng quy định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO